Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp xúc cử tri tại Ninh Thuận |
cùng các ứng viên ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (đơn vị bầu cử số 1) tỉnh Ninh Thuận đã tiếp xúc cử tri tại huyện Ninh Hải. 5 người gồm: Ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, bà Chamaléa Thị Thủy - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; bà Nguyễn Thị Kim Sáng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Thuận Bắc; ông Lê Quý Vỹ - Phó phòng Tổ chức, Công ty xăng dầu Phú Khánh chi nhánh Ninh Thuận. Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tham dự lễ tiếp xúc cử tri. |
Tại buổi tiếp xúc, cử tri các địa phương của huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận) được lắng nghe tiểu sử, quá trình công tác và chương trình hành động nếu được tín nhiệm bầu làm đại biểu của các ứng viên ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Phát biểu về chương trình hành động, ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, được cử tri nơi làm việc và cử tri nơi cư trú tín nhiệm, đề cử và được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương, giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đối với ông, là vinh dự to lớn nhưng cũng gắn với trách nhiệm hết sức nặng nề. Được về ứng cử tại Ninh Thuận, địa phương có bề dày truyền thống văn hóa đặc sắc, truyền thống đoàn kết, cách mạng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; được gần gũi với đồng bào, cử tri tỉnh Ninh Thuận cần cù, sáng tạo, giàu lòng yêu nước, ông coi đây là một may mắn và cũng ý thức đầy đủ hơn nhiệm vụ, trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, trước cử tri cả nước nói chung và bà con, cô bác cử tri tỉnh Ninh Thuận nói riêng. |
|
Dự kiến chương trình hành động nếu trở thành Đại biểu Quốc hội khóa XV của ông Nguyễn Đình Khang bao gồm: Một là, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, xứng đáng là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền lợi của nhân dân. Tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp toàn thể của Quốc hội; tham gia các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Tích cực tham gia đóng góp vào quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Hai là, tham gia tích cực vào công tác lập hiến, lập pháp góp phần xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, có chất lượng, bám sát yêu cầu thực tiễn, có tính khả thi cao, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho các hoạt động của đất nước, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và mong mỏi của cử tri cả nước. Nghiên cứu đề xuất những cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn và ý chí, nguyện vọng của nhân dân; tập trung tham gia ý kiến với Quốc hội, Chính phủ để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công đoàn, giai cấp công nhân, người lao động thành pháp luật; tạo hành lang pháp lý tốt nhất bảo vệ đoàn viên, người lao động, phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. |
Cử tri nêu ý kiến, kỳ vọng vào các ứng cử viên. Ảnh: Thanh Thúy |
Ba là, tích cực thực hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội đối với toàn bộ hoạt động của cơ quan Nhà nước, trong đó tập trung vào các hoạt động phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hành tiết kiệm, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, cử tri. Tiếp công dân theo quy định của pháp luật. Khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân sẽ nghiên cứu, kịp thời chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; đôn đốc, theo dõi và giám sát việc giải quyết. Khi cần thiết sẽ chất vấn các cá nhân đứng đầu các cơ quan Nhà nước ở Trung ương về những vấn đề mà bà con cử tri và nhân dân bức xúc, yêu cầu, kiến nghị. Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, sẽ yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật. Bốn là, giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri. Dự đầy đủ các cuộc tiếp xúc cử tri ở nơi ứng cử, nơi làm việc, nơi cư trú theo quy định; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con cử tri, của đoàn viên công đoàn và người lao động. |
Có 150 đại biểu tham dự lễ tiếp xúc cử tri. Ảnh: Thanh Thúy |
Phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của bà con cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan giúp cho việc xây dựng các cơ chế, ban hành chính sách, pháp luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước đảm bảo tính khả thi, phù hợp thực tiễn và đạt được sự đồng thuận cao của nhân dân. Quan tâm, theo dõi và trong điều kiện cụ thể, sẽ tham gia đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là phát triển kinh tế biển, du lịch, năng lượng sạch, các mô hình nông nghiệp hiệu quả là những tiềm năng, thế mạnh của huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Bên cạnh đó, sẽ quan tâm huy động các nguồn lực xã hội cho công tác an sinh xã hội, góp phần chăm lo, cải thiện đời sống bà con nhân dân, nhất là các gia đình chính sách, có công với cách mạng, hộ nghèo, công nhân có hoàn cảnh khó khăn. “Tôi sẽ tham gia các hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận để nắm được tình hình thực tế. Tích cực tham gia cùng các vị trong Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh làm việc, kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để thúc đẩy có hiệu quả việc giải quyết các đề nghị, kiến nghị của địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận, huyện Ninh Hải. Năm là, với trách nhiệm là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, tôi sẽ tích cực giải quyết thấu đáo những vấn đề, nội dung thuộc trách nhiệm của mình. Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ cốt lõi theo quy định của Hiến pháp: Đó là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động" - ông Nguyễn Đình Khang cam kết. Ông Nguyễn Đình Khang khẳng định sẽ đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách tiền lương, tiền công, các chính sách phúc lợi và an sinh xã hội, đảm bảo cho giai cấp công nhân, trong đó có công nhân, người lao động tỉnh Ninh Thuận thực hiện tốt vai trò vừa là chủ thể của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vừa được thụ hưởng những thành quả tương xứng với sự đóng góp của công nhân, người lao động, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và giữ vững sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước” – ông Nguyễn Đình Khang cam kết. Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong các ngày từ 14/4 đến ngày 18/4/2021, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV. Từ kết quả của 3 vòng hiệp thương, đến nay có 153 người thuộc khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương đến địa phương ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV, chiếm tỷ lệ 17,48%. Trong khi đó, Quốc hội Khóa XIV có 145 người, gồm 31 người ở Trung ương và 114 người ở địa phương, tỷ lệ 16,5%; Khóa XIII là 139 người, gồm 30 người ở Trung ương và 109 người ở địa phương, tỷ lệ 16,71%. Xét theo các tổ chức thành viên, Tổng LĐLĐ Việt Nam có 16 người ứng cử đại biểu Quốc hội thuộc các cơ quan LĐLĐ tỉnh, thành phố.
|
Bài viết: Nhiệt Băng - Thanh Thúy Thiết kế: Duy Minh |