“Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đòi hỏi người lao động phải rất nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu, tiến độ. Xác định càng khó khăn, càng phải thi đua, chúng tôi đã xây dựng nhiều giải pháp để đồng hành cùng doanh nghiệp, người lao động vượt qua đại dịch Covid-19” - ông Đỗ Đức Hùng, Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam cho biết. Làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 là nỗi ám ảnh cho nhiều ngành, địa phương. Ngành Điện cũng không nằm ngoài "cơn sang chấn" đó. Mặc dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chủ động các phương án, kịch bản phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn chịu sự tác động nặng nề. Chia sẻ về giai đoạn khó khăn vừa tạm lắng, ông Đỗ Đức Hùng - Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: “Ngành Điện là ngành nghề đặc thù, yêu cầu sự đồng bộ hệ thống rất cao và có mối liên hệ chặt chẽ giữa các khâu sản xuất - truyền tải - phân phối. Chỉ cần đứt gãy ở một chuỗi nào đó là ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị, kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân. Trong năm 2020, nhờ chủ động các phương án phòng, chống dịch Covid-19 nên ngành Điện đảm bảo phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân và các chỉ tiêu kỹ thuật. Đặc biệt là các Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, nhà máy phát điện lớn như: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Trung tâm nhiệt điện vẫn vận hành an toàn, ổn định, liên tục". |
Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã gây đứt gãy chuỗi cung ứng khiến ngành Điện thêm nhiều khó khăn. Chi phí đầu vào tăng (giá than, khí, dầu) làm tăng chi phí sản xuất điện năng. Trong khi đó, giá bán điện bình quân giảm. Ngành Điện ngoài cung cấp nhu cầu thiết yếu cho xã hội còn là công cụ điều tiết ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Doanh thu của ngành giảm so với trước dịch Covid-19. Việc giãn cách xã hội kéo dài ở một số tỉnh, thành phố gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng. Công trình đầu tư lưới điện bị hoãn, chậm tiến độ. Tại một số công trình, chuyên gia nước ngoài không thể đến Việt Nam làm việc,… Đối với nguồn nhân lực, ngành Điện đòi hỏi trình độ lao động kỹ thuật cao. Định biên, định mức lao động chặt chẽ và hầu như không có nguồn lao động dự phòng, thay thế. Khi dịch bệnh bùng phát, có những trung tâm thực hiện “3 tại chỗ”, người lao động ăn ở tại đơn vị 5 tháng mới được về nhà. Có trường hợp, cả trạm trực bị nhiễm Covid-19 dẫn đến phải điều động nhân lực từ nơi khác đến thay thế. Người lao động rất vất vả phục vụ người dân tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo,... Điều kiện làm việc nguy hiểm với nguy cơ lây nhiễm Covid-19 thường trực. Khối sản xuất kinh doanh cũng gặp khó khăn không kém. Khi miền Nam trở thành vùng dịch, dù biết gia đình người dân bị F0, người lao động ngành Điện vẫn phải tiếp xúc trực tiếp để phục vụ bà con. Qua đợt dịch Covid-19 vừa rồi, toàn Tập đoàn có 1.269 người là F0, F1, trong số đó có 496 người F0 và 6 công nhân tử vong do Covid-19. |
Nỗ lực của người lao động qua ống kính của tác giả Nguyễn Quang Hạnh - Điện lực Nam Sách. |
Cũng theo ông Đỗ Đức Hùng, trong giai đoạn hiện nay, vấn đề tâm lý của người lao động là bài toán mà các cấp công đoàn phải đặc biệt quan tâm. Trong dịch bệnh Covid-19, người lao động gặp không ít vấn đề về tâm lý do thực hiện “3 tại chỗ” kéo dài, đối diện với F0 khi thực hiện nhiệm vụ, bị lây nhiễm, chứng kiến đồng nghiệp tử vong,... “Người lao động không tránh khỏi sang chấn tâm lý khi đối mặt với nguy hiểm chưa từng có. Có thời điểm, chúng tôi phải đưa ra quyết định ngay lập tức để hỗ trợ kịp thời cho người lao động. Thời điểm đó, hệ thống y tế quá tải, người lao động khó tiếp cận dịch vụ y tế tại chỗ. Công đoàn phối hợp với chuyên môn hỗ trợ Túi cứu sinh y tế theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế cho các trường hợp F0 điều trị tại nhà. Đồng thời theo dõi liên tục quá trình vận chuyển, đảm bảo Túi cứu sinh y tế kịp thời đến tận tay người lao động. Cán bộ công đoàn phải làm việc ngày đêm, cả thứ 7, Chủ nhật, tháo gỡ vướng mắc thủ tục để nhanh chóng đưa các Túi cứu sinh y tế vào phía Nam để F0 tự điều trị tại nhà” - Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam nhớ lại. |
Để giảm áp lực tâm lý của người lao động, Công đoàn đã thành lập Tổ tư vấn Covid-19, thành lập đường dây nóng (trực 24/24 giờ) với sự hỗ trợ của các y, bác sĩ có kinh nghiệm để tư vấn, điều trị cho hơn 600 trường hợp. Với trường hợp là F0 tử vong, theo quy định chỉ được hỗ trợ 20 triệu đồng/người. Nhưng trước mất mát to lớn của người lao động, Công đoàn mạnh dạn đề xuất nâng mức hỗ trợ lên 50 triệu cho mỗi cán bộ, công nhân viên mất do Covid-19. Công đoàn cũng đề xuất tăng suất ăn từ 120.000 đồng lên 180.000 đồng/ngày để tăng cường sức khỏe cho người lao động. Tập đoàn đã luôn đồng hành, sát cánh khiến người lao động thêm vững tâm nơi tâm dịch. Theo ông Đỗ Đức Hùng, trong giai đoạn này, bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ người lao động ở các đơn vị thực hiện “3 tại chỗ” như: nấu cơm cho các ca trực, mua sắm các vật dụng thiết yếu, Công đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các cấp công đoàn mua sắm trang thiết bị thể thao, sách,... để người lao động giải trí, rèn luyện sức khỏe, phục vụ tốt cho sản xuất, kinh doanh. |
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Công đoàn Điện lực Việt Nam đã phát động phong trào thi đua: “Toàn thể cán bộ, công nhân viên đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua chiến thắng Covid-19” nhằm động viên người lao động nỗ lực, chung tay đẩy lùi dịch Covid-19 sớm nhất có thể. Để triển khai thực hiện phong trào thi đua này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo phương án, chủ trương của Đảng và Chính phủ: Không thể đạt mục tiêu “zero virus” thì phải khích lệ người lao động sống chung an toàn với Covid-19. Tập đoàn đặt ra mục tiêu từ nay đến hết quý I/2022, 100% người lao động tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. Công đoàn Điện lực Việt Nam đã tham gia xây dựng kịch bản ứng phó khi có dịch bệnh, vận động 100% cán bộ, công nhân viên cam kết không để cơ quan, đơn vị phải dừng hoạt động do Covid-19. |
Phong trào thi đua lần này của Công đoàn Điện lực Việt Nam gắn liền công tác chuyển đổi số của Tập đoàn với các mục tiêu: Hoàn thành sớm nhất một số chỉ tiêu kinh doanh dịch vụ khách hàng, tránh tiếp xúc, giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19; Điện tử hóa toàn bộ quá trình cung cấp dịch vụ điện; Phấn đấu tỷ lệ giao dịch điện tử trên 95%; tỷ lệ cung cấp dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 trên 80%. Tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt trên 70% khách hàng. Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Trần Đình Nhân (thứ 3 từ phải sang) kiểm tra tình hình thực hiện chuyển đổi số. Ảnh: CĐ “Quá trình chuyển đổi số của ngành Điện đã diễn ra từ lâu nhưng trong giai đoạn này sẽ đẩy mạnh hơn, tăng thêm quy trình, thông minh của hệ thống. Xác định chuyển đổi số trước hết phải chuyển đổi về nhận thức của người lao động, Công đoàn tuyên truyền và đạt được kết quả rất tích cực, nhất là ở khối kỹ thuật (quản lý vật tư, mạng dịch vụ,…). Công đoàn động viên người lao động không nản lòng trước khó khăn, chuyển đổi để thích ứng với tình hình mới” – Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam cho biết.
Hiện nay, ngoài phát động trào thi đua trên công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Công đoàn Điện lực Việt Nam đang cùng chuyên môn phát động phong trào thi đua thi công, giải tỏa khu vực sản xuất của Trung tâm Nhiệt điện Vân Phong và đường dây 500kV Vĩnh Tân - Vân Phong. Tại các công trình này, Công đoàn cùng chuyên môn phát động thi đua, khơi dậy ý thức trách nhiệm, tinh thần lao động sáng tạo của các đơn vị, nhà thầu thi công, quyết tâm hoàn thành công trình đúng tiến độ. Công đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát động phong trào thi đua liên kết trên công trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng. |
Công trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng nhằm tăng khả năng phát công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia được Công đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát động phong trào thi đua liên kết. |
|
|
Công đoàn Điện lực Việt Nam chăm lo sức khỏe cho người lao động trong làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4. |
|
Bài viết: Thu Chinh |