Cục Hàng hải Việt Nam khẳng định, việc các chủ tàu giữ giấy tờ, chứng chỉ chuyên môn gốc của thuyền viên là vi phạm pháp luật lao động
Cục Hàng hải Việt Nam vừa ban hành Công văn số 3367/CHHVN-ĐKTBTV ngày 16/9/2020 về việc chủ tàu giữ giấy tờ, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên. Đây là động thái kịp thời đối với thông tin phản ánh về việc có chủ tàu giữ giấy tờ, chứng chỉ chuyên môn gốc của thuyền viên khi có tranh chấp hợp đồng lao động giữa hai bên.
Các hành vi vi phạm của chủ tàu bị xử lý
Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, việc chủ tàu (người sử dụng lao động) giữ bản chính giấy tờ, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên (người lao động) là vi phạm quy định pháp luật (cụ thể tại Điều 20, Bộ luật Lao động năm 2012). Hành vi vi phạm này sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 1/3/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đối với hành vi như chủ tàu, tổ chức quản lý thuyền viên không thực hiện việc khai báo rời tàu cho thuyền viên bằng phương thức điện tử vào Cơ sở dữ liệu quản lý thuyền viên của Cục Hàng hải Việt Nam khi thực tế thuyền viên không còn làm việc trên tàu cũng là vi phạm pháp luật (Điều 51 Thông tư số 23/2017/TT-BGTVT ngày 28/7/2017 của Bộ Giao thông vận tải quy định về chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam).
Đối với hành vi này, Điều 42 Nghị định số 142/2017/NĐ-CP ngày 11/12/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 30.000.000. Đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung bao gồm: Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn từ 6 tháng đến 12 tháng hoặc tịch thu chứng chỉ hành nghề, sổ thuyền viên tùy mức độ vi phạm.
Thuyền viên. Ảnh minh họa |
Cục Hàng hải yêu cầu khi xảy ra tranh chấp về hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động với thuyền viên thì các chủ tàu và tổ chức quản lý, cung ứng thuyền viên không áp dụng các hình thức nêu trên với thuyền viên mà cần thực hiện theo các quy định của pháp luật về lao động.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng chỉ đạo các cảng vụ hàng hải tăng cường kiểm tra việc khai báo ngày xuống, rời tàu và bố trí chức danh của thuyền viên trên tàu biển Việt Nam trong Cơ sở dữ liệu quản lý thuyền viên của Cục Hàng hải Việt Nam. Đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, đội tàu biển Việt Nam hiện có trên 1.500 tàu với tổng dung tích khoảng 5,06 triệu GT và tổng trọng tải khoảng 7,9 triệu DWT. Thống kê của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hợp quốc (UNCTAD) cho thấy, đội tàu Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 30 trên thế giới. Hệ thống cảng biển Việt Nam được phân chia thành 06 nhóm với 45 cảng biển đang hoạt động. Tổng số bến cảng được công bố là 284 với tổng chiều dài khoảng 85,5km; tổng công suất trên 550 triệu tấn/năm.
Cục Hàng hải Việt Nam là cơ quan quản lý nhà nước có hoạt động thanh tra từ năm 1991 - 1992 đến nay. Hoạt động của Thanh tra Hàng hải được quy định tại Nghị định 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành. Bên cạnh Luật Thanh tra, hoạt động thanh tra hàng hải còn được điều chỉnh bởi hệ thống điều ước quốc tế. Hiện nay, Cục Hàng hải Việt Nam có 2 cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành là Thanh tra Cục Hàng hải và các cảng vụ hàng hải trực thuộc.
Từ khi Luật Thanh tra năm 2010 có hiệu lực thi hành đến nay, Cục Hàng hải Việt Nam và các cảng vụ hàng hải đã thực hiện trên 57.000 cuộc thanh tra, kiểm tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật với trên 2.500 vụ việc vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, công tác thanh tra chuyên ngành hiện còn gặp khó khăn, vướng mắc như: Các cảng vụ hàng hải là cơ quan hành chính nhưng chưa được giao biên chế. Khó khăn trong việc cân đối, bố trí kinh phí để đảm bảo hoạt động cho lực lượng thanh tra chuyên ngành. Chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao và duy trì lực lượng làm công tác thanh tra chuyên ngành hàng hải…
Mới đây, tại buổi làm việc với Đoàn khảo sát của Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Cục Hàng hải Việt Nam đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Điều 30 Luật Thanh tra năm 2010 theo hướng một số cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đặc thù được thành lập bộ phận độc lập để thực hiện quyền thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý và một số nội dung khác phù hợp chức năng nhiệm vụ của cảng vụ hàng hải… nhằm làm tốt hơn công tác thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực hàng hải, hạn chế thấp nhất tình trạng vi phạm pháp luật.
Bài: Duy Minh
Ảnh: Minh họa
Đồ họa: Duy Minh