Chung tay bàn giải pháp "Chủ động ngăn chặn ma túy từ sớm, từ xa để bảo vệ CNLĐ" |
Nhân dịp Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2023, Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo Ban Tuyên giáo phối hợp với Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức buổi Toạ đàm với chủ đề "Chủ động ngăn chặn ma tuý từ sớm, từ xa để bảo vệ công nhân lao động (CNLĐ)". Tọa đàm diễn ra lúc 9 giờ sáng nay (27/6/2023), tại Trụ sở Tổng LĐLĐ Việt Nam. |
Các khách mời tham gia toạ đàm (từ trái qua): Đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Đại tá Hoàng Quốc Việt – Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an). |
Buổi Toạ đàm có sự tham gia của các đại biểu khách mời: Đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Đại tá Hoàng Quốc Việt – Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an); Thượng tá Nguyễn Đăng Lê – Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC 04) Công an tỉnh Thanh Hóa; đồng chí Ngô Thế Anh - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn, Chủ tịch công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa; anh Mai Thế Bắc - Công nhân Công ty TNHH sản phẩm Nhựa Hing Lung (KCN Làng nghề thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Theo báo cáo của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an, tình hình tổ chức, chứa chấp, lôi kéo người khác sử dụng ma tuý trái phép vẫn đang diễn biến phức tạp. CNLĐ tại các khu công nghiệp đang là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị tội phạm ma túy lôi kéo, dụ dỗ, từ hành vi sử dụng trái phép đến hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy. Tại Toạ đàm, các đại biểu khách mời đã cảnh báo về tính nguy hiểm và tác hại của ma túy, đặc biệt là các loại ma túy tổng hợp, phương thức, thủ đoạn của tội phạm. Đồng thời, Tọa đàm cũng xác định, vai trò của tổ chức Công đoàn là rất quan trọng, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trong công tác chăm lo, bảo vệ, vì cuộc sống bình yên và sức khỏe của người lao động, tăng cường công tác phòng, chống ma tuý và tệ nạn xã hội, tạo môi trường lao động, sản xuất an toàn và lành mạnh, giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Giảm cung - giảm cầu - giảm tác hại của ma túy |
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - Ngọ Duy Hiểu đánh giá, trong số 250.000 người nghiện và sử dụng ma túy đó, có thể có hàng ngàn người là CNLĐ. Có nhiều lý do để CNLĐ tìm đến với ma túy: Độ tuổi trẻ, sống xa nhà, điều kiện sinh hoạt còn thiếu thốn, dễ buồn chán, trong khi đi làm về mệt mỏi ít tiếp cận với các thông tin giải trí lành mạnh, trong khi trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế, dễ bị lôi kéo... Đây là "cơ hội" để các đối tượng xấu tiếp cận, dụ dỗ CNLĐ tiếp cận, sử dụng ma túy, rồi lâu dần bị lệ thuộc vào nó. |
Các đại biểu đang lắng nghe khách mời chia sẻ. |
"Đặc biệt nguy hiểm khi hiện nay, nhiều loại ma túy mới xuất hiện, núp bóng vào thực phẩm đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá điện tử, nên khi các bạn công nhân mua các thứ này là mua ma túy. Có thể nhận biết thông qua giá của những sản phẩm này. Ví dụ: một gói kẹo bình thường không quá 50.000 đồng nhưng nếu là ma túy thì không thể có giá đó", đại tá Hoàng Quốc Việt chia sẻ thông tin. "Ma túy là một chất tự nhiên hoặc tổng hợp khi vào cơ thể sẽ làm biến đổi con người, sa sút sức khỏe và biến đổi nhân cách, có thể biến một người khỏe mạnh, bình thường thành một người yếu ớt, sẵn sàng đi trộm cắp, cướp giật, thậm chí giết người để có tiền "chơi" ma túy. Không những thế, tệ nạn ma túy gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, kìm hãm sự phát triển của xã hội và của cả quốc gia", đồng chí Ngọ Duy Hiểu nhận định. |
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - Ngọ Duy Hiểu chia sẻ tại buổi Tọa đàm. |
Đại tá Hoàng Quốc Việt – Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an). |
Chia sẻ về công tác phòng chống ma túy một cách cụ thể, đại tá Hoàng Quốc Việt cho biết : "Thời gian qua Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) đã thực hiện rất hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đó là: "Phòng, chống tội phạm về ma túy phải phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát…". Pháp luật đã có những quy định rất đồng bộ về phòng chống ma túy, cả hệ thống chính trị cùng tham gia vào công tác này. Việt Nam cũng đang phối hợp tốt với Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) để đấu tranh với tội phạm ma túy xuyên quốc gia, phối hợp đẩy ma túy ra khỏi biên giới, và xử lý tội phạm ma túy từ khi xuất phát. Ngoài ra, để công tác ngăn chặn ma túy có hiệu quả, chúng ta cần phải kết hợp cả giảm cung và giảm cầu, phòng ngừa để người lao động không tiếp xúc với ma túy, nhận biết tác hại của ma túy, phải đấu tranh làm sạch môi trường sống của công nhân". |
Công tác phối hợp giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ Công an |
Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ Công an đã có sự phối hợp trong công tác phòng chống ma túy kể từ năm 2017, và đến tháng 4/2023 vừa rồi, giữa hai đơn vị đã kí quy chế phối hợp mới. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy C04 đã chỉ đạo công an địa phương, đến cấp xã, điều tra cụ thể tình hình mua bán ma túy tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên toàn quốc, lập hồ sơ mới, đánh giá tình hình, lập chương trình hành động cụ thể. "Trước hết là công tác tuyên truyền về những tác hại, cách phòng chống, ý thức của mỗi cá nhân, trang bị cho người lao động ý thức cảnh giác và ý thức phát giác tội phạm ma túy. Đây là hoạt động rất cần sự phối hợp, hỗ trợ của các cấp công đoàn, mục đích để làm sạch môi trường sống cho công nhân lao động", đại tá Hoàng Quốc Việt cho hay. |
Buổi Toạ đàm đã mang lại nhiều thông tin, bài học hữu ích trong công tác "Chủ động ngăn chặn ma tuý từ sớm, từ xa để bảo vệ CNLĐ". |
Chia sẻ về công tác phòng chống ma túy đang được triển khai tại các cấp công đoàn, đồng chí Ngọ Duy Hiểu cho biết: "Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động chương trình Tăng cường công tác phòng chống ma túy giai đoạn 2022-2025, trong đó có rất nhiều mô hình, hoạt động tuyên truyền có hiệu quả, ví dụ như buổi tọa đàm hôm nay. Đặc biệt, xây dựng mô hình tổ tự quản nhà trọ tại các khu trọ công nhân là mô hình rất ý nghĩa, vừa làm công tác tuyên truyền, vừa có chức năng phát hiện, cảnh báo…. giúp cho các đối tượng ma túy khó tiếp cận hơn với CNLĐ". |
Vai trò của cán bộ công đoàn, chiến sỹ công an giúp người lao động tránh xa ma túy |
Phân tích vai trò của cán bộ công đoàn trong công tác phòng chống ma túy, Phó Chủ tịch LĐLĐ Việt Nam cho biết: "Cán bộ công đoàn bên cạnh nhiệm vụ chăm lo, còn có trách nhiệm đảm bảo an toàn trong đời sống cho CNLĐ, cần chủ động trong quan hệ với công an địa phương, doanh nghiệp, xây dựng lực lượng nòng cốt tổ tự quản trong việc tố giác. Khi phát hiện công nhân có dấu hiệu liên quan đến ma túy, cần gần gũi, động viên, bàn với công an địa phương về giải pháp để cứu người lao động của mình". "Tuy đã đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng nhiệm vụ này vẫn cần đẩy mạnh vì tội phạm, diễn biến ngày càng phức tạp, kinh tế đang gặp những trở ngại, thường khi đời sống khó khăn nguy cơ tội phạm xuất hiện ngày càng nhiều, trong đó có tội phạm ma túy", đồng chí Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh. |
Còn theo đồng chí Ngô Thế Anh - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn, Chủ tịch công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa, ma túy tác hại đến đời sống kinh tế xã hội, đến đạo đức, lối sống của đoàn viên, người lao động. Đó chính là lúc, cán bộ công đoàn cần theo sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động, thông qua các kênh: trực tiếp và gián tiếp. Từ đó, kịp thời động viên chia sẻ với CNLĐ chẳng may có chồng, người thân vướng vào ma túy, đồng thời tìm mọi cách tháo gỡ. |
Đồng chí Ngô Thế Anh - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn, Chủ tịch công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa chia sẻ tại chương trình. |
"Tôi từng có 12 năm công tác vùng biên giới, trong đó, đã có thời gian cùng ăn ở với người nghiện, nên tôi hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ. Tổ chức các hoạt đông văn hóa, thể dục thể thao, vận động những người đã cai nghiện ma túy thành công tham gia công tác tuyên truyền… Phối hợp với lực lượng công an xây dựng các bài giảng tuyên truyền, có thể tuyên truyền trực tiếp hoặc thông qua các hình thức khác như bản tin nhà máy, áp phích pano... hoặc qua mạng xã hội. Tiếp đến, tập trung với lực lượng công an xây dựng Tổ an ninh công nhân trong các nhà máy, nhất là các doanh nghiệp có đông CNLĐ. Đây là mô hình đầu tiên tại tỉnh Thanh Hóa, hàng tháng nhận được trợ cấp từ Nhà máy. Lực lượng tham gia Tổ an ninh này phần đông là cán bộ công đoàn trong nhà máy, các quản lý, và công nhân có trình độ nhận thức tốt nhằm kịp thời phát hiện các nguy cơ mất an toàn, trong đó có nguy cơ ma túy", đồng chí Ngô Thế Anh chia sẻ.
|
Thượng tá Nguyễn Đăng Lê, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC 04) Công an tỉnh Thanh Hóa chia sẻ tại Tọa đàm. |
Nối tiếp chủ đề này, Thượng tá Nguyễn Đăng Lê, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC 04) Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, quan điểm xuyên suốt trong công tác phòng chống ma túy là chặt cung giảm cầu, ma túy kể cả vào được nhưng không sử dụng được, bởi vì ma túy được ngăn chặn bởi 3 lớp: Ngoại biên, giáp biên, nội địa. Ngoài ra, công tác hỗ trợ đưa người nghiện rời xa ma túy là công tác quan trọng, mang lại phát triển bền vững. Công an Thanh Hóa đã tuyên truyền tác hại của ma túy bằng nhiều hình thức, trong đó nổi bật là đầu tư thực hiện 3 bộ phim được chiếu trên khắp địa phương, cho đông đảo tầng lớp nhân dân xem. Giải pháp này đã mang lại giá trị truyền thông mạnh mẽ đến mọi người dân, trong đó có CNLĐ, nâng cao ý thức và tinh thần cảnh giác, tự chủ, tránh xa ma túy. "Bản Tà Cóm (xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa - PV) cách đây 3 năm là địa bản nổi cộm về tệ nạn ma túy, nên còn có tên gọi khác là "bản trắng". Tại đây, Thiếu tá Vi Văn Luân đã bị hy sinh trong đợt cao điểm trấn áp tội phạm ma túy. Chúng tôi đã cử cán bộ chiến sĩ trực tiếp tuyên truyền đến trưởng bản, người dân trong bản, những đối tượng sử dụng ma túy, động viên tinh thần, vật chất... Kết quả, hơn 40 người đã đăng kí cai nghiện, đây là điều chưa từng có trước đây… Có thể nói đó là "trái ngọt" của tình yêu thương, nghĩa đồng bào…", Thượng tá Nguyễn Đăng Lê nói trong nỗi xúc động. |
Nghị lực tuyệt vời của một người nghiện ma túy 10 năm |
Sinh năm 1978, anh Mai Thế Bắc, hiện đang là công nhân Công ty TNHH Sản phẩm Nhựa Hing Lung (KCN Làng nghề thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Anh là người đã từng 10 năm nghiện ma túy và đã cai nghiện thành công để làm lại cuộc đời. "Trước khi "dính" ma túy tôi làm thợ xây, bạn bè rủ hút đi cho khỏe, vậy là tôi hút, hồi đó ma túy rất rẻ, chỉ 30.000 đến 50.000 đồng/gói, mới hút xong thấy khỏe, sau 5-6 tiếng thì mệt, tôi lại phải hút tiếp", anh Bắc hồi tưởng. Sử dụng hơn 10 năm ma túy bao gồm 1 năm hút, 9 năm chích trực tiếp vào máu, chưa từng cai nghiện trong thời gian đó, vậy mà chỉ 1 lần cai nghiện, anh Bắc đã thành công. Đó là phần lớn vào quyết tâm, nghị lực của anh, và tình yêu thương, bao dung của người thân. Anh Mai Thế Bắc đang hồi tưởng lại câu chuyện cai nghiện của mình. |
"Mẹ già đã hơn 90 tuổi, vợ con nheo nhóc, tôi đã bán hết vật dụng có giá trị trong nhà để lấy tiền hút chích, tôi đã làm khổ mọi người quá nhiều. Bạn bè chơi ma túy cùng thời với tôi đều đã chết vì sốc thuốc, một số đi cai nghiện hết rồi. Tôi nghĩ, người ta mắc bệnh hiểm nghèo còn mong sống từng ngày, mình nghiện thôi có gì mà khó. Tôi bảo vợ đi làm thì cứ khóa cửa, khi lên cơn vật vã tôi đi ra giếng tắm (mặc dù người nghiện thì rất sợ nước lạnh - PV), ngày 5-6 lần như thế, cứ tắm xong thì lại bình thường. Thêm vào đó, các đồng chí công an huyện Nga Sơn động viên tôi nhiều, còn tạo điều kiện cho tôi được cai nghiện tại nhà, động viên tinh thần cả gia đình tôi nữa... Tôi ở nhà cả ngày, lúc khỏe thì làm việc nhà giúp đỡ vợ con, tuyệt nhiên không giao lưu, tiếp xúc với ai. Cứ như vậy, tôi đã tránh xa được ma túy, không còn ám ảnh hay nghĩ gì đến nó nữa". "Tôi được như ngày hôm nay là nhờ công lao, ơn nghĩa của biết bao người. Bên cạnh gia đình, là các đồng chí công an, ban lãnh đạo và các cán bộ công đoàn Công ty TNHH sản phẩm Nhựa Hing Lung đã tạo điều kiện cho tôi có cơ hội làm việc, có thu nhập ổn định để lo cho gia đình", anh Bắc nghẹn ngào. Chia sẻ với những ai trót lầm đường lạc lối, anh Bắc nói: "Tôi khuyên mọi người đừng dại dột "thử một lần cho biết" như tôi, trót dính vào ma túy thì gia đình tan nát hết. Nhưng nếu những ai trót vướng vào thì cũng đừng nản lòng mà nghĩ là nghiện thì rất khó bỏ, nếu có ý chí và quyết tâm thì không có việc gì khó, sẽ bỏ được. Như tôi cũng vậy, từ giã ma túy, gia đình hạnh phúc, vợ con anh em có thể ngẩng cao đầu... ". Kết luận buổi Toạ đàm, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - Ngọ Duy Hiểu phát biểu, câu chuyện giống anh Bắc trong thực tế không nhiều, anh đã chiến thắng ma túy bằng ý chí nghị lực, tình yêu thương của gia đình và không phải ai cũng có nghị lực phi thường và quyết tâm như anh. Vì vậy, với ma túy chúng ta kiên quyết không thử, dù chỉ một lần. "Đừng để ma túy "dắt mũi" cuộc đời chúng ta, làm ta tệ hơn chính mình. Đừng để ma túy hủy hoại cả cuộc đời, tàn phá nhân cách, tâm hồn, thể xác, biến ta thành kẻ hung ác, làm ta không còn gia đình, mặc cảm với xã hội. Hãy nói không với ma túy, mãi mãi nói không, dù chỉ một lần cũng không tìm đến!", Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh thông điệp. |
Bài viết: HỒNG NHUNG ẢNH: NHÓM PV |