Nhận thấy khó khăn lớn của người lao động lúc dịch bệnh là vấn đề lương thực, thực phẩm, Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp với Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam tổ chức phát gạo miễn phí thông qua hình thức Cây ATM gạo tại 20 khu công nghiệp. Đối tượng được hỗ trợ là người thật sự khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và những người thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Thấy được hiệu quả từ hình thức hỗ trợ trực tiếp của công đoàn, UBND tỉnh Bắc Ninh đã đồng tình ủng hộ và đề nghị các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng ở khu công nghiệp cùng vào cuộc hỗ trợ cho chương trình. Các doanh nghiệp, tổ chức thiện nguyện trong và ngoài địa bàn tỉnh, cá nhân đã tham gia tài trợ tiền của, công sức cùng công đoàn chăm lo cho người lao động.
Kết quả là chỉ trong vòng 13 ngày xây dựng và triển khai kế hoạch, thời gian cực kỳ gấp rút đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chương trình hỗ trợ người lao động khó khăn, các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đã ủng hộ 150 tấn gạo, 4 tấn bột mỳ, 450 thùng mỳ, 55.000 quả trứng, hơn 2.000 chai dầu ăn, 1.700 túi mì chính. Tổng trị giá thành tiền là 2,1 tỷ đồng.
Khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn, ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện, Liên đoàn Lao động tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho công đoàn cơ sở mua tặng khẩu trang vải cho người lao động với tổng số gần 200.000 chiếc. Việc công đoàn trang bị cho người lao động đã tác động đến ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp đã cùng với công đoàn cơ sở mua hơn 150.000 chiếc và chi tổng số 6,4 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Tổng kinh phí cho công tác phòng chống Covid-19 của các cấp công đoàn trong tỉnh là 7,5 tỷ đồng.
Với chủ đề Tháng Công nhân năm 2020 được Tổng Liên đoàn đề ra là “Năng suất cao - An toàn lao động - Thu nhập tốt”, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo công đoàn cơ sở tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động, thực hiện tốt quy chế dân chủ tại nơi làm việc; tham gia bố trí làm việc luân phiên khi ít việc chứ không để người lao động mất việc; quan tâm đào tạo nâng cao chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động nhưng vẫn hưởng lương trong những ngày ít việc. Công đoàn tích cực phối hợp với doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới, điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh để duy trì việc làm. Đối với các doanh nghiệp khó khăn thì chấp nhận hòa hoặc lỗ để giữ chân người lao động.
Liên đoàn Lao động tỉnh cũng chỉ đạo các công đoàn cơ sở không tổ chức hoạt động nghỉ mát mà tập trung hỗ trợ cho người lao động để giải quyết khó khăn trước mắt. Quan tâm bố trí vị trí, công việc cho lao động nữ mang thai và nuôi con nhỏ đảm bảo an toàn sức khỏe cho mẹ và bé. Những đơn vị bố trí xe đưa đón nhân viên thì thuê thêm xe để đảm bảo giãn cách cho người lao động. Những trường hợp phải nghỉ luân phiên thì được hưởng chế độ tiền lương, bảo hiểm tùy thuộc vào điều kiện khả năng chi trả của doanh nhiệp nhưng phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động.
Mới đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Đề án hỗ trợ kinh phí để phục vụ cho công tác tuyên truyền, tặng quà cho người lao động khó khăn giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030 của Liên đoàn Lao động tỉnh. Theo đó, từ năm 2020 - 2030, hằng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ từ 3,3 đến 3,5 tỷ đồng phục vụ tuyên truyền cho công nhân và tặng từ 3.500 - 4.000 suất quà/năm. Đến hết tháng 6/2020, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh đã giới thiệu, hỗ trợ hơn 7.000 người lao động có nhu cầu hoặc mất việc làm có việc làm mới.
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, cùng với Liên đoàn Lao động tỉnh, các công đoàn cơ sở toàn tỉnh đã nỗ lực chung tay cùng doanh nghiệp và người lao động vượt qua ảnh hưởng của dịch Covid-19. Công đoàn Công ty TNHH Foster Electric Bắc Ninh là một ví dụ điển hình.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty TNHH Foster Electric Bắc Ninh bị giảm mạnh về số lượng đơn hàng xuất khẩu do thị trường chủ yếu của doanh nghiệp là châu Âu. Theo ông Nguyễn Quang Hoàng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện tử Foster, Công ty TNHH Foster Electric Bắc Ninh đi vào hoạt động năm 2010, là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, chuyên sản xuất tai nghe điện thoại, loa ôtô... Nhà máy tại Bắc Ninh hiện có 3.600 công nhân lao động. Công ty đang nỗ lực thực hiện các biện pháp khôi phục sản xuất, đồng thời chấp nhận cắt giảm lợi nhuận để đảm bảo đời sống cho công nhân. Một mặt, doanh nghiệp cố gắng duy trì các đơn hàng xuất sang châu Á, Đông Nam Á, thuê thêm kho chứa sản lượng hàng tồn kho chờ khi thị trường châu Âu mở cửa trở lại.
Công đoàn công ty đã phối hợp với chính quyền xây dựng các giải pháp nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh. Đồng thời vận động người lao động tích cực lao động sản xuất đảm bảo chất lượng, tiến độ sản xuất và phát huy sáng kiến sáng tạo, góp phần thực hiện tiết giảm chi phí cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Công đoàn Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cũng đã chung vai, dốc sức cùng doanh nghiệp và người lao động vượt qua đại dịch này. Đồng chí Nguyễn Thế Quyết - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: “Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh hiện quản lý trực tiếp 596 công đoàn cơ sở với 120.000 đoàn viên. Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của 28 doanh nghiệp, khiến 10.568 công nhân lao động phải ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, ngừng việc hưởng 70% đến 100% lương theo quy định của pháp luật.
Trước khó khăn của doanh nghiệp và người lao động, Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh đã nắm tình hình, chắp nối giữa các doanh nghiệp đang đầu tư, mở rộng sản xuất với doanh nghiệp thiếu việc làm cho người lao động để chuyển người lao động sang đơn vị có nhu cầu. Tổng số người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tìm được việc làm mới là hơn 7.000 người.
Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh đã hỗ trợ người lao động bị mất việc làm do dịch Covid-19 số tiền 500.000 - 1.000.000 đồng/người. Đồng thời tư vấn pháp luật để người lao động hiểu rõ quyền lợi của mình khi doanh nghiệp lâm vào tình huống bất khả kháng, phải bố trí giãn việc hoặc cắt giảm lao động.
Bài: Thu Chinh
Đồ họa: Nguyễn Trường