Loại hình kinh doanh dịch vụ karaoke xuất hiện ngày càng nhiều và phổ biến trong các khu dân cư, nhất là tại các khu đô thị, thành phố lớn. Đã xảy ra nhiều vụ cháy cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke làm chết và bị thương nhiều người, thiệt hại lớn về tài sản, gây hoang mang dư luận. |
Trước vấn đề "nóng" trên, Phóng viên Cuộc sống An toàn, Tạp chí Lao động và Công đoàn có cuộc trao đổi với Thượng tá, TS. Nguyễn Đức Việt - Trưởng Khoa Phòng cháy - Trường Đại Học PCCC về công tác phòng cháy, chữa cháy đối với loại hình kinh doanh này.
Chính sách pháp luật tương đối đầy đủ
- Phóng viên: Xin ông cho biết những quy định pháp luật yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và đặc điểm nguy hiểm cháy nổ đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke?
Thượng tá, TS. Nguyễn Đức Việt: Loại hình kinh doanh dịch vụ karaoke ngày càng phổ biến trong các khu dân cư, nhất là tại các khu đô thị, thành phố lớn. Đã có nhiều vụ cháy xảy ra tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke làm chết, bị thương nhiều người, thiệt hại lớn về tài sản, gây hoang mang trong dư luận.
Trường Đại học PCCC đã có những nghiên cứu, đánh giá toàn diện về đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ và đưa ra các biện pháp về tổ chức, giải pháp kỹ thuật, công nghệ để đảm bảo an toàn PCCC. Nhà trường cũng đã đưa các nội dung về PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) đối với các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, trong quá trình giảng dạy, bồi dưỡng huấn luyện cho các đối tượng trong toàn quốc.
Về quy định của pháp luật, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 147/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 quy định biện pháp bảo đảm an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
Hiện trường vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông (Hà Nội) làm 13 người chết. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Điều 5 của Thông tư nêu rõ: Cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC quy định tại Điều 5 Nghị định 136/2020/ NĐ-CP như sau:
Cơ sở cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.000m3 trở lên phải bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC. Cụ thể, có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC; có lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành tương ứng với loại hình cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ theo quy định.
Đồng thời, phải có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hệ thống chống sét, hệ thống điện, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về PCCC phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC; có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC và truyền tin báo sự cố, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện PCCC khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC; có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC.
Về đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke:
Về chất cháy chủ yếu: Các cơ sở kinh doanh karaoke thường sử dụng các vật liệu trang trí nội thất, cách âm dễ cháy như: mút, xốp, cao xu, phông rèm, … Khi vật liệu bị cháy sẽ tỏa ra nhiệt lượng lớn, tốc độ lan truyền ngọn lửa nhanh trong thời gian ngắn, tạo ra nhiều khói, khí độc. Trong trường hợp này, người dân không phát hiện sớm và thoát nhanh ra nơi an toàn sẽ nhiễm độc, gây tử vong.
Đám cháy quán karaoke tại trung tâm TP. Hải Phòng tháng 3/2021. Ảnh: MINH KHANG.
Về nguồn nhiệt: Sử dụng nhiều thiết bị điện, màn hình, âm thanh công suất lớn nhưng không tính toán đủ công suất nên gây ra hiện tượng quá tải, chập cháy thiết bị điện. Ngoài ra, hệ thống chống sét, hệ thống điện, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt không bảo đảm an toàn về PCCC như sử dụng pháo điện, hàn xì.
Về khả năng lan truyền ngọn lửa và sản phẩm cháy độc hại: Phần lớn các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke thường xây kín để cách âm. Mặt trước của tòa nhà hầu như bị che chắn bởi các biển quảng cáo, điều kiện thông gió gần như không có. Do vậy, khi xảy ra cháy nổ sẽ gây ra hiện tượng tụ khói, gây khó khăn cho việc CNCH và chữa cháy.
NHỮNG HÀNH VI THƯỜNG GẶP
- Qua những nghiên cứu trên, những hành vi vi phạm thường gặp nào trong quá trình hoạt động đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, thưa ông?
Thượng tá, TS. Nguyễn Đức Việt: Những hành vi vi phạm thường gặp trong quá trình hoạt động đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ Karaoke gồm:
Sử dụng các vật liệu trang trí nội thất, cách âm dễ cháy, không đảm bảo yêu cầu về tính nguy hiểm cháy của vật liệu xây dựng được sử dụng trong nhà, công trình, bao gồm: Yêu cầu về tính cháy, tính bắt cháy, tính lan truyền ngọn lửa trên bề mặt vật liệu, khả năng sinh khói và độc tố của sản phẩm cháy từ vật liệu;
Nhiều cơ sở thay đổi công năng sử dụng của nhà ở thành cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke nhưng không chú ý điều kiện đảm bảo an toàn PCCC như lối thoát nạn; trang bị phương tiện, thiết bị báo cháy và chữa cháy; đèn chiếu sáng sự cố và đèn chỉ dẫn thoát nạn; …
Hệ thống điện trong công trình phòng không đảm bảo theo quy định về an toàn phòng cháy điện gây nên hiện tượng quá tải, chập cháy các thiết bị điện;
Tiến hành hàn cắt trong quá trình thi công sửa chữa, cải tạo các gian phòng kinh doanh dịch vụ karaoke không đảm bảo theo các điều kiện an toàn về PCCC. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong thời gian qua.
Một số chủ cơ sở kinh doanh karaoke thiếu kiến thức, kỹ năng về PCCC; không nắm bắt được các điều kiện an toàn về PCCC; không quan tâm đến việc duy trì các điều kiện đảm bảo an toàn về PCCC trong quá trình hoạt động; … do đó đã dẫn đến những vụ cháy, nổ gây hậu quả đáng tiếc.
Công an TP Hải Phòng tiến hành kiểm tra công tác PCCC tại một cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. Ảnh: CATPHP |
giải pháp
Giải pháp cần làm ngay để thay đổi tình trạng vi phạm về an toàn PCCC đói với kinh doanh dịch vụ karaoke là gì, thưa ông?
Thượng tá, TS. Nguyễn Đức Việt: Những vụ cháy lớn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mà nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật của chủ cơ sở kinh doanh karaoke như: Vẫn tiếp tục hoạt động khi cơ quan chức năng đã đình chỉ hoạt động hoặc hoạt động khi chưa được cấp phép, thiếu kiến thức PCCC hoặc không quan tâm đến việc đảm bảo an toàn PCCC trong quá trình hoạt động hoặc thi công sửa chữa, cải tạo, đặc biệt không giám sát thi công trong công tác hàn cắt kim loại, ...
Để thay đổi tình trạng vi phạm về an toàn PCCC đối với loại hình kinh doanh dịch vụ karaoke, cần thực hiện một số giải pháp:
Tuyên truyền nâng cao trách nhiệm ý thức chấp hành pháp luật của chủ cơ sở kinh doanh karaoke về đảm bảo an toàn PCCC; tuyên truyền, huấn luyện kiến thức và kĩ năng cơ bản về PCCC cho đội ngũ nhân viên làm việc tại cơ sở kinh doanh karaoke.
Chính quyền cơ sở cần kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC, tránh trường hợp cơ quan chức năng ra quyết định đình chỉ nhưng cơ sở vẫn tiếp tục hoạt động.
Hướng dẫn cơ sở tiến hành tự kiểm tra an toàn về PCCC thường xuyên, định kỳ, kịp thời phát hiện các vi phạm về PCCC và có biện pháp khắc phục. Đặc biệt chú ý đến hệ thống dây dẫn, thiết bị điện sử dụng trong công trình phải đảm bảo an toàn về PCCC.
Xét xử chủ quán Karaoke số 68 Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) trong vụ cháy làm 13 người chết. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Thực hiện các biện pháp an toàn về PCCC trong quá trình hàn cắt kim loại khi tiến hành sửa chữa, cải tạo trong cơ sở kinh doanh karaoke. Cụ thể: Khi tiến hành công việc hàn cắt phải thực hiện thông gió, cử người theo dõi và có biện pháp an toàn được người có trách nhiệm duyệt, cho phép. Không tiến hành hàn ở các khu vực đang có áp suất hoặc đang chứa chất dễ cháy, nổ. Trong quá trình hàn cắt kim loại phải tổ chức che chắn bằng các vật liệu không cháy hoặc di chuyển các vật liệu dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt, không để vảy hàn có nhiệt độ cao tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy, phải có biện pháp an toàn PCCC và phương án xử lý cháy, nổ.
Khi tiến hành hàn trên cao và ngoài trời tại các vị trí hàn, nếu chưa có biện pháp phòng, chống cháy nổ thì không được tiến hành công việc hàn cắt, phải làm sàn bằng vật liệu không cháy (hoặc khó cháy). Đối với khu vực hàn cắt kim loại, phải cách ly với khu vực làm các công việc khác. Trường hợp do yêu cầu của quy trình công nghệ, cho phép bố trí chỗ hàn cùng với khu vực làm việc khác thì giữa các vị trí phải đặt tấm chắn bằng vật liệu không cháy.
Khi khử dầu mỡ trên bề mặt của vật hàn phải dùng những chất không gây cháy, nổ và không độc hại. Sử dụng máy hàn phải đảm bảo chất lượng theo quy định. Chỉ sử dụng những người có chứng chỉ về nghề hàn, được huấn luyện về an toàn lao động, an toàn PCCC để thực hiện công việc hàn, cắt kim loại; thường xuyên huấn luyện về an toàn lao động cho công nhân hàn để họ nắm vững đặc điểm nguy hiểm cháy nổ trong hàn, cắt kim loại, biết sử dụng thành thạo các loại phương tiện PCCC tại chỗ để có thể dập tắt được đám cháy ngay khi mới phát sinh.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Vụ cháy quán karaoke ở số 231 Quan Hoa khiến 3 chiến sỹ Cảnh sát PCCC và CNCH hi sinh. Ảnh: VTCNews |
Thực hiện: HÀ VY - HẢI YẾN Đồ họa: NAM TRÂN |