Chàng trai giấu bố mẹ tham gia nấu 5000 suất ăn/ngày trong mùa dịch"Lần kỷ lục bạn nấu bao nhiêu suất ăn một ngày? Tôi và 2 anh bạn bếp chính nấu khoảng 5000 suất/ngày. Hay nói đúng hơn, bình quân mỗi người nấu hơn 1600 suất/ngày". |
Những dòng tâm sự của anh Bùi Thanh Tùng (sinh năm 1987, quê ở Kiên Giang) trên một nhóm Facebook về nấu ăn đã nhận được 45 nghìn lượt yêu thích. Những con số mà anh Tùng đưa ra đã khiến cho nhiều người phải cảm phục, nhất là với một nam nhi khi bắt tay vào công việc bếp núc: "Từ con số dự kiến ban đầu 28.000 suất ăn, đến nay, sau 50 ngày, chúng tôi đã hỗ trợ được 154.445 suất ăn cho người dân, bệnh nhi và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Con số 154.445 suất cơm đó là thành quả có được từ sự ủng hộ, đóng góp về nhân lực và vật lực của những tấm lòng hảo tâm, các mạnh thường quân trên khắp mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là các bạn thanh niên tình nguyện đầy nhiệt huyết của thành phố". |
Ba chàng trai trong căn bếp đỏ lửa |
Vốn là một hướng dẫn viên du lịch, tuy nhiên, dịch bệnh xảy ra khiến anh Tùng phải tạm dừng công việc từ tháng 3/2020. Gần đây, Tùng tình cờ thấy thông tin tuyển cộng tác viên trên fanpage của Trung tâm Công tác xã hội TP HCM. Vậy là từ tháng 7/2021, chàng trai cùng 2 người anh trở thành đầu bếp chính của "Bếp ăn nghĩa tình" với mong muốn mang lại những suất ăn thơm ngon, dinh dưỡng cho những mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là người dân chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Trong suốt 25 ngày liên tục, anh Tùng cùng cả nhóm đã xắn tay nhặt rau, thái thịt, thổi cơm, vác gạo..., chạy tới chạy lui để kịp giờ phát cơm cho người dân. "Khi nấu ăn trong bếp thiện nguyện, điều nhóm sợ nhất không phải là vất vả mà là những ngày trời đổ mưa. Có lần mưa khiến tất cả đều ướt nhưng vẫn mặc áo mưa ngồi làm cá, cắt rau, nấu ăn. Mưa tạt vào làm cho 2 bếp không nấu được nên năng suất giảm. Lúc đó mình vừa lo làm sao để hoàn thành đủ suất ăn, vừa lo anh em dính mưa rồi cảm, thiếu 1 người là thiếu 1 tay làm việc", anh Tùng chia sẻ. |
Vốn có chút đam mê nấu ăn nên việc vào bếp với anh Tùng không phải là quá khó khăn. Anh cho rằng, nam giới có lợi thế sức khỏe, có thể đứng bếp bất chấp thời tiết nóng bức. Việc sử dụng chảo, nồi cũng đỡ cực hơn các chị em do các dụng cụ bếp núc thường rất to và nặng, di chuyển được chúng cũng là cả một vấn đề. Để nấu được số suất ăn lớn như vậy, bếp có 3 người nấu chính và hàng chục cộng tác viên đóng góp công sức. Anh Cổ Văn Long là đồng đội của anh Tùng, chịu trách nhiệm lên thực đơn, sắp xếp đồ ăn, đồ tài trợ. Anh thường xuyên "trực chiến", ngủ tại bếp ăn. Các cộng tác viên sẽ thực hiện việc làm sạch, chia nhỏ thực phẩm, sau đó anh Tùng và anh Hoàng Tú sẽ vào bếp nấu để kịp giờ đi trao cho người dân nghèo. "Bếp rất nóng, cộng thêm việc phải đeo tạp dề, bao tay, khẩu trang đảm bảo phòng, chống dịch nên mồ hôi chảy ra liên tục. Hồi mới làm mình còn thường xuyên bị bỏng, nhưng dần rồi cũng quen", anh Tùng nói. Người đàn ông ngoài 30 tuổi khi tham gia vào công tác thiện nguyện thì luôn xông pha, không ngại khó, nhưng như anh chia sẻ: "Mình giấu gia đình khi tham gia nấu bếp, sau này mẹ biết thì lo ngại nguy hiểm, lây dịch nên khuyên dừng. Có lần dịch cao điểm hơn 5000 ca/ngày, ba mẹ gọi điện liên tục giục nghỉ, nhưng một người nghỉ thì công việc sẽ ứ đọng, nên mình lại tiếp tục vào bếp chỉ với mong muốn những suất cơm của mình sẽ giúp mọi người ấm bụng". |
"Chúng tôi là một gia đình" |
Vất vả là vậy nhưng anh Tùng lại cảm thấy rất trân trọng những tình cảm mình có được trong thời gian tham gia thiện nguyện. Từ những con người xa lạ, các thành viên đã kết nối lại thành một đại gia đình đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Ở đó có những tình nguyện viên thân thương đã luôn thầm lặng đóng góp công sức. Họ, những thanh niên ở mọi ngành nghề: Đầu bếp, du lịch, tư vấn, bảo hiểm, thậm chí cả sinh viên, học sinh... đã luôn rất tận tâm, làm việc tập trung, không phô trương hay than vãn. Họ làm hết sức mình với một mục tiêu duy nhất: Kịp giờ giao cơm cho người dân. "Mỗi lần mưa mọi người hay giục: "Kiên à, Phú à…, đi thay áo khô kẻo bệnh". Rồi "Thắm, Hương đi ngủ kẻo muộn"; "Khánh ăn cơm đi để có sức làm"… Những câu động viên nho nhỏ thôi nhưng khiến cả đội luôn thấy sự quan tâm, ấm áp như một gia đình", anh Tùng chia sẻ. |
Sau khi các suất cơm đã được sắp xếp ngay ngắn, các tình nguyện viên sẽ tiếp tục chuyển cơm tới các khu cách ly và tuyến đầu chống dịch. Lúc này cũng là lúc trời về trưa, cả nhóm lại tranh thủ thời gian ngồi quây quần bên nhau, ăn vội bát cơm, uống vội ly nước, kể cho nhau nghe những chuyện vui. Gian bếp lại đầy ắp tiếng cười. "Đó là những thời điểm hạnh phúc nhất trong ngày, giúp cả nhóm có được chút thời gian để phục hồi năng lượng. Sau đó, tất cả lại tiếp tục vào guồng, người lau, chùi, quét, dọn vệ sinh, người cắt rau, chặt thịt cho kịp chuẩn bị suất cơm chiều lúc 16h", anh Tùng tâm sự. Với anh Tùng, việc tham gia công tác thiện nguyện giữa lúc đại dịch khiến anh cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa, thay vì chỉ biết nhốt mình trong phòng, ăn, ngủ, xem TV. Tới đây, anh được quen với nhiều người, được đóng góp mình vào một tập thể thật vui và đoàn kết. Và điều quan trọng nhất là cùng với nhóm, anh đã giúp đỡ được rất nhiều người, mang đến cho họ những suất ăn ấm nóng để tiếp tục đương đầu, chiến đấu với dịch bệnh. |
Chia sẻ thêm về Bếp ăn nghĩa tình, anh Võ Quốc Bình, Trưởng phòng Công tác xã hội Thanh niên Thành phố cho biết: "Nhóm gồm khoảng 30 tình nguyện viên tham gia vào việc sơ chế, nấu nướng cho khoảng hơn 5000 suất ăn mỗi ngày để hỗ trợ cho tuyến đầu chống dịch, lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt, trạm kiểm soát và người dân có hoàn cảnh khó khăn. Các tình nguyện viên khi tham gia phải trải qua các điều kiện khắt khe về dịch tễ trong vòng 14 ngày, đã có ít nhất 1 lần xét nghiệm âm tính, ngoài ra trong quá trình chế biến tất cả các thành viên phải đảm bảo đeo khẩu trang 24/24 ngoại trừ lúc ăn, ngủ". |
Thực hiện: M.C |