Là một ngành sản xuất nặng nhọc, độc hại, việc tuyển dụng, giữ chân người lao động (NLĐ) luôn là bài toán khó của ngành Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Giải pháp số một luôn là chi trả tiền công cho NLĐ ở mức cao so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, điều đó chỉ tạo sức hấp dẫn thu hút ban đầu. Việc chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho NLĐ thông qua các thiết chế văn hóa mới là cách làm hiệu quả, bền vững.
***
Đời sống tinh thần được quan tâm
Song song với việc xây dựng các khu nhà ở, khu ký túc xá để công nhân mỏ “an cư, lạc nghiệp”, các doanh nghiệp của ngành Than thời gian qua cũng chú trọng đầu tư các công trình phụ trợ, phục vụ việc tập thể dục thể thao, vui chơi giải trí cho NLĐ. Nhiều đơn vị đầu tư hàng chục tỉ đồng cho các công trình này với các hạng mục như phòng tập gym, bóng bàn, sân bóng chuyền, bóng đá, bể bơi, sân khấu phục vụ giao lưu văn hóa văn nghệ; xây dựng trung tâm vật lý trị liệu phục vụ người lao động… Tiêu biểu phải kể các công ty Than Hòn Gai, Hà Lầm, Mông Dương… Một số đơn vị như Than Hà Lầm còn đầu tư trang bị bàn bóng bàn đến từng công trường, phân xưởng; làm sân cầu lông, bóng chuyền, nâng cấp sân vận động bóng đá có mái che cho công nhân lao động (CNLĐ)…
Việc xây dựng thư viện, thư viện điện tử, nhà sinh hoạt cộng đồng, để NLĐ có không gian tìm hiểu, giao lưu và học hỏi cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Các phòng truyền thống, tượng đài, cụm bảo tàng lịch sử được xây dựng, nhằm giáo dục ý thức truyền thống, lòng tự hào cho NLĐ.
Những mô hình sinh hoạt như Câu lạc bộ Thợ mỏ của Than Nam Mẫu hay các hoạt động tổ chức sinh nhật định kỳ hàng tháng ở Than Vàng Danh… không còn là cá biệt. Hầu hết các doanh nghiệp thuộc TKV đều dành nguồn lực đáng kể cho việc chăm lo đời sống văn hóa tinh thần của người thợ. “Nghề thợ mỏ đúng là khó nhọc nhưng khi được tham gia các buổi giao lưu văn nghệ, những giờ chơi thể thao, chúng tôi cảm thấy yêu đời và yêu nghề hơn”, anh Hoàng Văn Hậu, công nhân Công ty Than Nam Mẫu chia sẻ.
Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Than Hà Lầm, ông Trịnh Ngọc Toản (thứ 3, trái sang) thăm công nhân tại khu tập thể của công ty. |
Với những đô thị có nguồn gốc hình thành từ mức độ tập trung đông các hộ gia đình công nhân mỏ như Cẩm Phả, Hòn Gai, Uông Bí, Đông Triều, các công ty trên địa bàn còn duy trì và phát triển phong trào liên kết, kết nghĩa với chính quyền địa phương, các cơ quan, trường học, Liên đoàn Lao động cấp huyện, thị xã, thành phố, công đoàn ngành… Điều này đã mang lại hiệu quả cao trong việc xây dựng đời sống vật chất, tinh thần, tạo việc làm cho NLĐ trên địa bàn tỉnh.
Các doanh nghiệp ngành Than đã và đang tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng, cải tạo nhà ở, nhà ăn công nghiệp, nhà tắm giặt cho công nhân. Một ví dụ điển hình là Công ty CP Than Hà Lầm, từ năm 2014, đã đưa vào sử dụng nhà ăn tự chọn ở khai trường +75 với nhà hợp khối 3 tầng, có diện tích sử dụng 1.000 m2, đáp ứng trên 2.000 suất ăn/ngày. Không nên nhìn nhận hoạt động này chỉ là chăm lo vật chất; việc tạo không khí vui vẻ, ấm áp, thư giãn cũng nâng cao đáng kể đời sống tinh thần cho công nhân.
Giải thể thao do Công đoàn TKV tổ chức cho CNLĐ nhân Ngày Truyền thống thợ mỏ. |
Giao lưu, kết nối NLĐ
Một điểm nổi bật của công tác chăm lo thiết chế văn hóa cho NLĐ của ngành Than là thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thi đấu thể thao định kỳ từ cấp đơn vị công ty, đến cấp khối, ngành, Tổng công ty và cả cấp Tập đoàn. Hàng loạt giải thể thao truyền thống như Giải Bóng đá nam, nữ của Công ty Kho vận Đá Bạc hay của Công ty CP Than Mông Dương; Giải bóng chuyền, cờ vua, cờ tướng của Công ty CP Than Vàng Danh; Giải bóng chuyền nam, nữ của Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng - TKV; Giải cầu lông, bóng bàn của Công ty Than Hạ Long hay của Công ty Xây lắp mỏ…
Đặc biệt, nhằm tăng cường gắn kết lực lượng lao động đến từ nhiều vùng miền, đa dạng về thành phần dân tộc, gần đây Công ty CP Than Hà Lầm đã tổ chức Giải các môn thể thao phong trào năm 2020. Điểm nhấn của sự kiện này là các môn thể thao được tổ chức thi đấu đều mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc trên mọi miền đất nước như kéo co, tung còn, đẩy gậy, bịt mắt bắt lợn, nhảy bao bố và chạy cà kheo. Đây cũng là các môn thể thao mang tính quần chúng rộng rãi, dễ chơi, phù hợp với nhiều đối tượng, nên đã thu hút đông đảo công nhân, viên chức, lao động trong công ty tham gia.
Đây là những sân chơi nhằm kết nối giao lưu giữa các đơn vị, là nơi để CNLĐ thể hiện tài năng, tinh thần yêu thể thao, ý thức rèn luyện thể chất. Đồng thời, tạo không khí phấn khởi, rèn luyện nâng cao sức khỏe, qua đó chọn lọc những vận động viên xuất sắc tham gia thi đấu giải cấp khu vực, cấp ngành, cấp Tổng công ty hay cấp Tập đoàn. Kể cả ở cấp độ quốc gia, tên tuổi của các đội bóng đá, bóng chuyền, cả nam lẫn nữ, đến từ vùng đất mỏ, của ngành Than, tham gia các giải vô địch toàn quốc đã trở nên quen thuộc với khán giả công chúng cả nước.
Nét đẹp của các cuộc thi đấu của công nhân ngành Than - Khoáng sản là luôn diễn ra với tinh thần “Đoàn kết - Trung thực - Cao thượng”. Do đó, các giải thể thao do công đoàn các công ty, đơn vị, thường được giao trách nhiệm tổ chức, luôn thành công tốt đẹp.
Tuy đã có nhiều cố gắng và đạt nhiều thành tựu, song việc quan tâm đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa thể thao cho CNLĐ ngành Than - Khoáng sản, chủ yếu cũng mới nằm ở các hoạt động văn hóa - văn nghệ - thể dục thể thao. Trong khi đời sống tinh thần của NLĐ cần nhiều hơn thế. Quan trọng hơn, các thiết chế phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của người lao động phải thiết thực quay lại góp phần tạo nên không khí lao động sôi nổi, đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, giúp đơn vị, doanh nghiệp hoàn thành và vượt mức các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Đồng thời, góp phần gây dựng lực lượng lao động của ngành Than - Khoáng sản không ngừng lớn mạnh.
Bài: ThS. Lê Thị Huyền Trang (Viện Công nhân và Công đoàn)
Đồ họa: Hoàng Hà