Cây cà phê trong sương giá Sơn La

Cây cà phê trong sương giá Sơn La

Cây cà phê trong sương giá Sơn La

Trong căn nhà sàn truyền thống của người Thái đen ở Bản Nam, xã Hua La, thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La), bà Quàng Thị Cu, 67 tuổi bồi hồi nhớ lại “cái duyên, cái nghiệp” gia đình hai đời của bà gắn bó với cây cà phê.

Câu chuyện bắt đầu từ hơn ba mươi năm trước, khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Công ty Chè - Cà phê và Cây ăn quả Sơn La đưa cây cà phê về trồng đại trà. Gia đình bà cũng như hầu hết các gia đình trong bản và khu vực hồ hởi tham gia trồng cà phê.

Lúc ấy cũng chưa ai biết cây cà phê sẽ lớn lên, ra trái, nuôi sống, thậm chí làm giàu cho nhiều người ở vùng đất này. Được vận động, Đảng, Chính phủ bảo làm thì cứ làm. Và ơn giời, trồng cà phê cũng không quá khó, có khi còn nhàn hơn trồng sắn, trồng ngô trước đây.

“Các hộ trồng cà phê được phát gạo, giống cây, phân bón, thuốc trừ sâu, khi được thu thì hái giao cho Nhà nước, chẳng thấy đồng tiền nào”, bà Cu cười vui vẻ, nụ cười sảng khoái của người phụ nữ trông già hơn tuổi thật. Thỉnh thoảng gặp từ khó bà nói bằng tiếng Thái, người bên cạnh phải dịch cho.

Cây cà phê trong sương giá Sơn La

Bà kể, lúc ấy chỉ có công ty của Nhà nước mua, người trồng cà phê không biết giá cả thế nào, công ty bán đi đâu cũng ít ai biết. Sau một số người thử chế biến uống, thấy cũng hay hay. Nhưng phải giã bằng cối, mùi cà phê cứ đượm lên vấn vương, và chẳng biết từ lúc nào cây cà phê, vị cà phê trở nên quen thuộc không thể thiếu.

Lớp trẻ bây giờ lớn lên ngỡ cây cà phê đã có mặt ở đây từ bao đời. Hàng nghìn người làm cà phê không ai tưởng tượng được vùng đất này sẽ ra sao nếu không có cây cà phê.

Infographic về cây cà phê Arabica ở tỉnh Sơn La hôm nay.

Nói là vậy, trồng cà phê cũng lắm gian nan, đồi núi dốc, công sức, mồ hôi và cả máu nhỏ xuống mỗi vườn đồi mới cho thu hoạch. Đó là chưa kể được thu còn phải gánh, vác đến giao nộp công ty. Mùa làm cỏ, tỉa cành, thu hái, lúc nào cả bản cũng tưng bừng, bận rộn. Cây cà phê cho bà con cuộc sống tốt hơn hẳn trồng sắn, trồng ngô, trở thành lựa chọn đầu tiên của mọi nhà.

Cây cà phê trong sương giá Sơn LaBà Quàng Thị Cu bế cháu ngoại trong căn nhà sàn của gia đình - Ảnh: Duy Phương

“Bà bảo không thấy tiền mà vẫn nuôi được ba con khôn lớn ăn học anh nè”, chị Quàng Thị Dân, 36 tuổi, con gái bà Cu chêm vào.

“Nhưng đùng một cái, Công ty Chè - Cà phê và Cây ăn quả Sơn La giải tán. Người dân hoang mang. Có làm cà phê nữa không, bán cho ai? Hay trở lại thời kỳ trồng ngô, trồng sắn?”, chị Dân nhớ lại.

Cây cà phê trong sương giá Sơn LaChị Quàng Thị Dân đang chuẩn bị đồ lên rẫy cà phê - Ảnh: Duy Phương

Hàng trăm hộ dân trong vùng, hàng nghìn hộ trong tỉnh trồng cà phê cho công ty ngơ ngác. Rồi không biết bằng cách nào, một vài gia đình khá giả trong khu vực và ngoài thành phố móc nối tìm kiếm được đầu ra, bao tiêu sản phẩm cho bà con. Cây cà phê ở đây thế là vẫn sống sót. “Đắt rẻ cũng không biết mà” - bà Cu lại cười - “Có mỗi họ thu mua thì mình phải bán thôi”.

Một vấn đề mới đặt ra. Trước đây, Nhà nước thu mua quả tươi, nay thương lái thu mua thì bà con phải tiến hành sơ chế. Lại người nọ chỉ cho người kia cách làm. Quả tươi hái về được bà con mang ủ, một hai hôm quả lên men thì mang đi xát. Lúc ấy chưa có điện lưới, một vài nhà đầu tư mưa máy nổ chạy dầu tải đầu máy xát, việc chờ đợi xát lúc mùa quả rộ lắm khi cũng xảy ra tiếng bấc tiếng chì. Sau có thêm người đầu tư máy thì mang máy đến tận các gia đình xát cho người dân. Xát xong, các gia đình mang phơi. Nhà nào cũng phải làm một sân rộng phơi cà phê. Sau đó nữa mới bán cho thương lái...

Cây cà phê trong sương giá Sơn La

Chị Dân, con gái bà Cu kể, hàng trăm hộ trồng cà phê trong vùng như nhà chị đã nối nhau trồng cà phê đến đời thứ hai. Bản thân chị biết làm cà phê từ lúc còn bé tí. Chị sống và hít thở với cây cà phê. Đi học hay đi đâu thì thôi, ở nhà là ra vườn. Lúc nào cũng có việc. Không thu hái thì tỉa cành; không phun thuốc trừ sâu thì làm cỏ, bón phân. Cây cà phê cũng như người, hình như được quan tâm thì “nó vui” hơn; nó cũng “dỗi” như người, chểnh mảng là sản lượng mùa thu sụt giảm.

Hỏi việc gì vất vả nhất trong làm cà phê, chị bảo ấy là mang phân bón đi bón hay vác bao quả thu hái về. Đường dốc núi trơn trượt, nhiều người ngã tậm toại, nhiều người đau sái lưng, mỏi vai, gáy, có người còn gãy chân, gãy tay. Nhưng những thứ đó chẳng là gì so với sâu bệnh.

Sâu đục thân là thứ nguy hiểm nhất. Nó ăn cây nào là cây ấy còm cõi và chết, phun thuốc không diệt được, chỉ còn nước hủy cây để tránh lây lan. Hầu như gia đình nào cũng từng phải ứa nước mắt cắt cây bị sâu đục thân đi. Còn rệp, sâu ăn lá thì nhiều. Có điều các loại sâu này thuốc trừ sâu trừ được.

Cây cà phê trong sương giá Sơn La

Cà phê được phơi trên sân Công ty Detech Coffee - Ảnh: Duy Phương

Nói về thuốc trừ sâu, trước đây cứ có sâu có rệp là bà con bảo nhau đi mua thuốc để phun. Lắm khi mua phải thuốc giả trôi nổi, sâu không chết mà tiền vẫn mất. Người phun thuốc cũng không sử dụng bảo hộ gì, cứ ra vườn là phun, gió chiều nào cũng phun. “Chắc cũng có hại, nhưng xót cây thì vẫn phải làm”, chị Dân cười.

Và điều đặc biệt đáng sợ với gia đình bà Cu, chị Dân cũng như hàng chục nghìn hộ trồng cà phê Sơn La là sương giá. Thổ nhưỡng Sơn La rất hợp với cây cà phê, nhưng khí hậu có phần khắc nghiệt. Mùa đông, ai cũng canh cánh theo dõi thời tiết, nếu dự báo rét đậm rét hại là lo cháy ruột gan. Mà lo cũng chẳng làm được gì. Cây cà phê không chịu được giá buốt. Có hôm chị Dân nửa đêm còn soi đèn ra vườn xem sương, về nằm xuống không ngủ được vì rét trong lòng - cái rét chết cây.

“Năm nào cũng có sương giá, chỉ là ít hay nhiều. Sương xuống dày vườn nào thì nhà ấy phải chịu. Sáng ra mà thấy sương đóng băng trên lá cây thì một hai tuần sau cây sẽ chết, trông vàng như cháy cả một vạt đồi. Đau đến không khóc được”, có cảm giác chị Dân rùng mình.

Vườn cà phê của chị cũng một số năm bị sương giá, chết cây, may không bị nhiều. Quanh vùng, nhiều nhà từng bị sương chết cả héc ta, nhiều nhà bị chết hàng nghìn mét vuông. Bà con tiếc, cắt tỉa những cành chết, giữ những cành còn xanh. Nếu cây chết hết các cành thì chỉ còn cách cắt đến gốc. Sau đó lại chăm bón, hy vọng cây trổ mầm. Mầm lên, tỉa giữ mấy mầm mập mạp cho vươn. Nhanh thì sang đến năm thứ hai lại cho quả. “Cả vườn cây bị chết thì mất mấy năm mới khôi phục được. Trồng mới phải mất ba năm, mầm cây mất hai năm mới được thu. Thu ổn định phải mất bốn năm. Thu nhập trông vào vườn cây mà cây chết thì người cũng gần chết”, chị Dân nói.

Cây cà phê trong sương giá Sơn La

Có những năm người trồng cà phê Sơn La bị thiệt hại đặc biệt lớn do sương giá. Như năm 2019, khoảng 2.800 héc ta cà phê ở thành phố Sơn La và huyện Mai Sơn bị cháy khô. Năm 2013, hơn 1.000 héc ta cà phê ở Thuận Châu, Mai Sơn và thành phố Sơn La cũng bị sương cháy. Đằng sau những nghìn héc ta ấy là hàng nghìn người trồng cà phê lao đao mấy năm trời, cho đến khi vườn cà phê khôi phục lại.

Rồi còn mưa. Sơn La là vùng trồng cà phê Arabica lớn thứ hai của cả nước (chỉ sau Lâm Đồng). Đặc điểm cây cà phê này là ra hoa nhiều đợt, chín rải rác nhiều đợt. Bà con thu hoạch vào khoảng từ tháng 11 năm nay cho đến tháng 3 năm sau. Trên cùng một cành lốm đốm quả chín, quả xanh, quả non. Dịp trái chín rộ mà gặp mưa thì quả rụng đầy xuống đất.

Cây cà phê trong sương giá Sơn La

Như một lẽ tự nhiên, giống nhiều thanh niên khu vực, chị Dân lớn lên, lấy chồng tại bản và tiếp tục làm cà phê. Một anh con trai, chị em gái nữa của chị (con bà Cu) đều sống tại Bản Nam và cũng làm cà phê. Không ai nghĩ sẽ làm nghề gì khác hay trồng cây gì khác.

“Làm cà phê cũng giàu mà, chỉ sợ không có đất” - chị Dân nói - “Ở đây cứ nhà nào nhiều đất thì giàu. Giá cà được từ tám nghìn một cân là có công rồi”. Nói thế nghĩa là giá cà phê hiện nay khoảng 12 đến 13 nghìn đồng một kg thì bà con đã có công cao.

Chị Nguyễn Thị Phương, 46 tuổi ở bản Tong Chinh, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn - địa bàn giáp với Bản Nam, xã Hua La, thành phố Sơn La - có một héc ta cà phê. Chị bảo, nếu được mùa, cao nhất một héc ta nhà chị có thể cho 30 tấn quả. 30 tấn nhân với giá 12.000 đồng/kg, lý thuyết chị có thể được thu hơn 350 triệu đồng.

Chị làm công nhân Nhà máy chế biến cà phê của Công ty Detech Coffee đóng tại bản Tong Chinh. Chồng chị cũng là công nhân bộ phận nghiền của nhà máy. Bởi vậy, hầu hết các công việc vườn nhà chị phải thuê nhân công. Đó là việc thuê tỉa cành, phát cỏ (khoảng 10 công); thuê bón phân, tỉa chồi (khoảng 10 công). Nhiều nhất là công thu hái. Người hái cứ 01 kg được trả 3 nghìn. Suy ra 30 tấn quả chị phải chi hết 90 triệu đồng, riêng cho công thu hoạch.

Cả đời chị Phương đến nay luôn gắn bó với cây cà phê. Vợ chồng chị vốn ở Nam Định, từng vào Tây Nguyên trồng cà phê suốt 25 năm. Năm 2017, vợ chồng chị lên Sơn La và tiếp tục trồng cà phê. “Nó là cái nghiệp rồi” - người phụ nữ quê Nam Định mấy chục năm gắn bó với bà con dân tộc thiểu số, phát âm không khác bà con địa phương bao nhiêu - khẽ cười.

Theo chị Phương, cà phê Arabica Sơn La trồng “nhàn” hơn cà phê Rubosta trong Tây Nguyên rất nhiều. Ở đây bà con không phải quá vất vả tưới nước, bón phân như trong Tây Nguyên. Cây cà phê Arabica không đòi hỏi nhiều nước, hầu hết bà con không phải tưới cây, chỉ hứng nước trời. Cà phê Rubosta thì phải tưới nước thường xuyên, cây cao to hơn nên cũng “ăn” tốn phân hơn. Chị bảo, mỗi héc ta cà phê Rubosta nếu được mùa có thể cho 35 đến 40 tấn, năng suất cao hơn cà phê Arabica Sơn La, nhưng bù lại, giá bán cà phê Arabica lại cao gấp đôi cà phê Rubosta.

“Trồng cà phê ở đây thích lắm. Cây không cần quá nhiều công chăm sóc. Có nhà khó khăn, bón qua loa vẫn được thu hoạch. Chỉ còn sợ mỗi sương giá và sâu đục thân thôi. Người ta phát minh ra cái gì trừ được sâu đục thân và có giống cây chống chịu được sương giá thì nhất định người làm cà phê Sơn La sẽ giàu”, chị Phương nói.

Cây cà phê trong sương giá Sơn La

Cây cà phê trong sương giá Sơn La

Cà phê Arabica Sơn La trồng "nhàn" hơn cà phê Rubosta trong Tây Nguyên rất nhiều. Giá bán cà phê Arabica lại cao gấp đôi cà phê Rubosta - Ảnh: Duy Phương

Hỏi chị, sao đi làm công nhân vẫn còn trồng cà phê mà lại phải thuê người? Chị bảo đi làm lương được 7 triệu đồng/tháng; chồng chị làm bộ phận nghiền, mùa thu hoạch chạy sản lượng thì lương có thể cao hơn. Chị vẫn trồng cà phê, dù phải thuê hết các khâu, chấp nhận mất mùa, rớt giá có thể chỉ đủ trả công người làm. “Có người thì phải có đất. Có đất thì phải có cà phê. Thế cũng là cách giữ nghề về sau. Em không thể làm việc gì không liên quan đến cà phê được”, chị nói.

Hỏi chị Dân có bao nhiêu diện tích trồng cà phê, chị bảo khoảng hơn 5.000 mét vuông. “Nó có đắt không?”. “Chắc khoảng một tỷ một héc có cà”. “Chị bán cho tôi nhé?”, tôi đùa. Chị Dân lắc đầu và ao ước: “Em không bán đâu, nếu có tiền em còn mua thêm. Phải giữ cho con”. “Thế chị định lại cho con làm cà phê sao?”. “Vâng, không làm cà phê thì biết làm gì. Nếu có tiền em sẽ mua một héc ta nữa, mỗi năm thu được ít nhất một trăm triệu, mười năm trả hết vốn, mình vẫn có đất, có cây cho con”, chị Dân cười, nụ cười bừng sáng.

Chị Phương thì bảo, vòng đời cây cà phê có thể được mấy chục năm. Chị biết nhiều diện tích cà phê ở đây có tuổi đến hơn 30 năm, như chính diện tích cà phê của chị Dân. Hẳn vườn cà phê đó được trồng từ đầu những năm thập kỷ 90 ở thế kỷ trước?. “Nên là Dân bảo giữ cho con cũng đúng mà”, chị nói.

Cây cà phê trong sương giá Sơn La

Đi dọc những con đường nhỏ được rải cấp phối trên địa bàn xã Hua La, xã Chiềng Ban, có thể thấy một khung cảnh khá trù phú với những ngôi nhà khang trang nổi bật giữa màu xanh bạt ngàn của cà phê, cây trồng xen thơ mộng. Cả bà Cu, chị Dân, chị Phương đều khẳng định đó là do cây cà phê mang lại. Thấp thoáng dưới những mái hiên còn có cả vài chiếc xe hơi.

Tại Nhà máy của chị Phương, anh Tạ Xuân Trường tiếp chúng tôi niềm nở. Tấm danh thiếp của anh ghi chức danh Phó Giám đốc. Anh cho biết, nhà máy là một cơ sở của Công ty Detech Coffee (có trụ sở chính tại Hà Nội), chuyên thu mua sản phẩm và chế biến cà phê của bà con trong vùng.

Như một chuyên gia chính hiệu, anh say sưa nói về những con số, những dự định phát triển mà động lực trong đó là người lao động Sơn La. Nhà máy của anh đang chạy hết công suất, 15 lao động làm việc miệt mài. Tiếng máy nghiền chạy ầm ì, thỉnh thoảng lại có một chiếc xe tải lớn ra vào lấy hàng và đổ hàng.

Cây cà phê trong sương giá Sơn LaTrên địa bàn xã Hua La, xã Chiềng Ban có nhiều ngôi nhà khang trang nổi bật giữa màu xanh bạt ngàn của cà phê - Ảnh: Duy Phương

Anh kể, mới cách đây gần một tháng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã lên Sơn La tham dự Lễ hội Cà phê Sơn La lần thứ Nhất. Chủ tịch Quốc hội cũng vào Mai Sơn tham dự lễ khánh thành nhà máy chế biến cà phê lớn nhất Tây Bắc, công suất 50.000 tấn/năm.

“Bất ngờ là không nhiều người biết Sơn La cũng là một thủ phủ lớn của cà phê Việt Nam. Càng ít người biết cà phê Arabica Sơn La thuộc loại ngon nhất trên thế giới”, anh nói.

Cây cà phê trong sương giá Sơn La

Anh Trường thông tin thêm, Sơn La hiện có 20.000 héc ta cà phê, mang lại công ăn, việc làm, thu nhập tương đối ổn định cho hàng chục nghìn người. Tỉnh đang phấn đấu nâng diện tích lên 25.000 héc ta trong thời gian tới đây. Diện tích này sẽ cho sản lượng 40 đến 50 nghìn tấn hạt, trị giá khoảng hơn 3.000 đến 4.000 tỷ đồng.

“Chúng tôi đang cho trồng thử nghiệm một loại giống mới có khả năng chống chịu rét, sâu bệnh”, dẫn chúng tôi ra mảnh vườn nhỏ ngay trước văn phòng công ty, anh chỉ vào những cây cà phê hai năm tuổi xanh tốt, nói thêm: “Tỉnh Sơn La đang có chiến lược xây dựng thương hiệu cà phê địa phương. Chúng tôi rất tán thưởng định hướng này. Hiện cà phê Sơn La đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới, song tiềm năng còn rất lớn. Tôi tin cà phê Sơn La sẽ vươn xa, sẽ khẳng định chỗ đứng và danh tiếng của mình. Những cây cà phê này nếu thành công có thể sẽ góp phần vào mục tiêu ấy”.

Trở lại gặp bà Quàng Thị Cu, tôi hỏi: “Bà thấy làm cà phê giờ có đỡ vất vả hơn trước kia không?”. “Đỡ nhiều chứ”, bà Cu lại cười, vẫn nụ cười sảng khoái: “Giờ máy móc làm thay nhiều, an toàn nhiều, tiền cũng nhiều”.

Tôi nói: “Có nơi còn đang thử nghiệm giống cây mới đấy, chịu được cả sương giá và sâu đục thân. Bà có thích không?”. Bà Cu nhướn mày lên với vẻ ngạc nhiên: “Có chuyện đó thật à?”

Tôi đọc thấy ở ánh mắt bà có chút hoài nghi, song vẫn ánh lên niềm vui, niềm hy vọng của một người từng lăn lộn, sống chết với cây cà phê, và truyền ngọn lửa tình yêu đất, tình yêu cây cho con cháu...

Video: Trò chuyện với mẹ con bà Quàng Thị Cu về nghề trồng cà phê

Bài viết: DUY PHƯƠNG - HẢI DƯƠNG

Ảnh, Video: DUY PHƯƠNG

Đồ họa: NGUYỄN HÀO