Cần đưa hành vi “chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội” vào Dự thảo Luật
Người lao động - 10/07/2023 16:01 ĐỖ THIỆM
| |
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cán bộ công đoàn về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) tại Đà Nẵng. Ảnh: Phan Nguyên |
Qua hơn 07 năm thi hành Luật BHXH năm 2014 (hiệu lực từ 01/01/2016) bên cạnh những kết quả đã đạt được như tỷ lệ người tham gia BHXH tăng lên, các chính sách BHXH được mở rộng, linh hoạt và phù hợp hơn với đời sống xã hội… còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập cần nghiên cứu trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Một trong số đó là tính tuân thủ pháp luật về BHXH còn chưa cao, vẫn còn tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH ở nhiều địa phương, doanh nghiệp dẫn đến những rủi ro cho không ít người lao động (NLĐ) tham gia BHXH.
Cụ thể, về các hành vi bị nghiêm cấm, Điều 17 Luật BHXH năm 2014 quy định 8 hành vi bị nghiêm cấm đã tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ, người sử dụng lao động.
Tuy nhiên, trong thực thi Luật BHXH thời gian qua, một số hành vi, thủ đoạn của cá nhân, tổ chức làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền, lợi ích của NLĐ và thân nhân, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật cũng như chủ trương bảo đảm an sinh xã hội bền vững nhưng chưa được quy định trong Luật như: Hành vi mua, bán, cầm cố sổ BHXH hoặc quá trình tham gia BHXH dưới mọi hình thức; hành vi cộng tác, bao che, giúp sức cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, hoặc cản trở người khác thực hiện nghĩa vụ đóng, không thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về BHXH...
Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến cán bộ công đoàn về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Tấn Mân |
Vấn đề trên cơ bản đã được cơ quan soạn thảo Dự án Luật BHXH (sửa đổi) đưa vào quy định của Luật lần này (bản dự thảo ngày 28/5/2023), đó là:
“Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Chiếm dụng tiền hưởng bảo hiểm xã hội.
2. Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động.
3. Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội.
4. Sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội không đúng quy định pháp luật.
5. Truy cập, khai thác, cung cấp trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội.
6. Báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin không chính xác về bảo hiểm xã hội; xuyên tạc về chính sách bảo hiểm xã hội.
7. Cộng tác, bao che, giúp sức cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội hoặc cản trở người khác thực hiện nghĩa vụ đóng, không thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về bảo hiểm xã hội.
8. Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
9. Cầm cố, mua bán sổ bảo hiểm xã hội dưới mọi hình thức”.
Với nội dung Điều 8 Dự thảo Luật BHXH như trên đã bổ sung khoản 7 và khoản 9 nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế hiện nay còn hành vi vi phạm của không ít đơn vị sử dụng lao động làm ảnh hưởng đến quá trình quản lý, điều hành chính sách của cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ tham gia BHXH, nhưng chưa có chế tài xử lý, đó là hành vi “chiếm dụng tiền đóng BHXH”.
Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng tổ chức khảo sát, lấy ý kiến đoàn viên, NLĐ về pháp luật lao động và BHXH. Ảnh: Đỗ Thiệm |
Thiết nghĩ cần bổ sung hành vi “chiếm dụng tiền đóng BHXH” vào Điều 8 Dự thảo Luật BHXH. Đây là hành vi mà các đối tượng dễ dàng thực hiện bởi quy định người sử dụng lao động trích từ tiền công, tiền lương của NLĐ để đóng BHXH thay cho NLĐ, nhưng NLĐ và cơ quan BHXH khó kiểm soát; hệ lụy của hành vi này gây thiệt hại cho Quỹ BHXH và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ. Thực tế đã có không ít NLĐ rơi vào tình trạng “tiền mất, tật mang” vì không được hưởng các chế độ về chính sách BHXH như ốm đau, thai sản, dưỡng sức, thậm chí là cả chế độ hưu trí… trong khi hằng tháng NLĐ đã đóng phần BHXH của mình thông qua người sử dụng lao động.
Một vấn đề quan trọng nữa là các chế tài xử lý đối với hành vi “chiếm dụng tiền đóng BHXH” cũng cần phải quy định cụ thể trong Luật BHXH (sửa đổi) lần này.
Quy định về hành vi “Trốn đóng BHXH bắt buộc” tại Điều 43 và xử lý vi phạm về trốn đóng BHXH tại Điều 44 Dự thảo Luật BHXH cũng cần nghiên cứu, bổ sung một số hành vi và chế tài xử lý phù hợp, đảm bảo không bỏ sót đối tượng, hành vi vi phạm và tính nghiêm minh của pháp luật
Theo đó, nên nghiên cứu bổ sung 1 điều mới về hành vi “chiếm dụng tiền đóng BHXH” tương tự như hành vi “trốn đóng BHXH bắt buộc”. Đồng thời tại Điều 43 cũng nên nghiên cứu bổ sung đối tượng và hành vi “trốn đóng BHXH bắt buộc” của NLĐ để đảm bảo tính bình đẳng trước pháp luật giữa người sử dụng lao động và NLĐ.
Cán bộ, đoàn viên, NLĐ ở Lâm Đồng kiến nghị với Đại biểu Quốc hội về chính sách BHXH. Ảnh: Đỗ Thiệm |
Mặt khác tại Điều 44 xử lý vi phạm về trốn đóng BHXH mới chỉ quy định hành vi của người sử dụng lao động; cần bổ sung thêm chế tài xử lý đối với hành vi “trốn đóng BHXH bắt buộc” của NLĐ và chế tài xử lý hành vi “chiếm dụng tiền đóng BHXH”. Trong đó đối với hành vi “chiếm dụng tiền đóng BHXH” cần phải có những chế tài cả về hành chính và kinh tế “đủ mạnh”, nghiêm khắc hơn so với hành vi “trốn đóng BHXH bắt buộc” bởi hành vi này thuộc về ý thức chủ quan, cố tình của đối tượng vi phạm.
Các hành vi “trốn đóng BHXH bắt buộc” và “chiếm dụng tiền đóng BHXH” trong thời gian qua không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợp ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ tham gia BHXH; hơn thế các hành vi này đã để lại hệ lụy không nhỏ trong xã hội, nhất là những đơn vị trốn đóng BHXH kéo dài, số tiền lớn rồi lợi dụng quy định về ngừng hoạt động để thành lập pháp nhân mới; làm giảm niềm tin của người tham gia BHXH và Nhân dân vào chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta. Xây dựng Dự án Luật BHXH (sửa đổi) lần này cần nghiên cứu, xem xét bổ sung để kịp thời ngăn ngừa, xử lý nghiêm minh các vi phạm trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Tin cùng chuyên mục
Người lao động - 13/09/2024 15:40
Sau bão, đi kèm với lũ và ngập lụt, người dân và người lao động đặc biệt cần nước sạch để sinh hoạt. Vậy trong điều kiện thiếu thốn nguồn nước an toàn, cần xử lý nước thế nào để làm sạch nước, có nguồn nước đảm bảo sử dụng, phòng chống dịch bệnh?
Người lao động - 13/09/2024 11:26
Ngay sau khi nhận thông tin Gojeck sẽ rút khỏi thị trường từ ngày 16/9, nhiều tài xế đã ngỡ ngàng, bởi với nhiều người, đây là công việc đem lại thu nhập chính, lo toan cho cả gia đình.
Người lao động - 12/09/2024 18:17
Cuộc thi “Chung tay vì an toàn giao thông” năm 2024 nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho mọi người dân, nhất là thế hệ trẻ, công nhân, người lao động.
Đời sống - 11/09/2024 07:48
Từ một công nhân lái xe mang bản chất của người lính Bộ đội Cụ Hồ, sau nhiều năm công tác, anh Trần Ngọc Vĩ đã trở thành Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí - Xây lắp thuộc Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế có nhiều sáng kiến, sáng tạo từ thực tiễn công việc và được áp dụng vào hoạt động của công ty.
Đời sống - 10/09/2024 20:28
Nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp ở miền Trung đã hỗ trợ nhân lực, miễn phí vận chuyển hàng hoá ra Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc để khắc phục hậu quả bão số 3.
Người lao động - 09/09/2024 18:21
Sau sự cố sập cầu Phong Châu (Km18+300, Quốc lộ 32C), Công an tỉnh Phú Thọ đã nhanh chóng ra thông báo phương án phân luồng giao thông, đảm bảo đi lại, phục vụ đời sống, kinh doanh, sản xuất của người dân và người lao động khu vực.