Một vụ việc mất an toàn lao động tại một đơn vị khai thác hầm lò của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cách đây ít năm. Ảnh: T.N.D (theo LĐO) |
Theo ông Nguyễn Anh Thơ - Quyền Viện trưởng Viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), cán bộ công đoàn cơ sở hoàn toàn có khả năng trở thành giảng viên an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại doanh nghiệp. Quy định về huấn luyện ATVSLĐ còn vướng mắc, chồng chéo Huấn luyện ATVSLĐ được quy định tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật ATVSLĐ về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện ATVSLĐ và quan trắc môi trường lao động. Cụ thể, khoản 5 Điều 1 Nghị định 140/2018/NĐ-CP sửa đổi Điều 17 Nghị định 44/2016/NĐ-CP quy định về đối tượng tham dự khóa huấn luyện ATVSLĐ gồm: Nhóm 1 (người quản lý phụ trách công tác ATVSLĐ), nhóm 2 (người làm công tác ATVSLĐ), nhóm 3 (người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ), nhóm 4 (người lao động không thuộc các nhóm theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 của Điều này, bao gồm cả người học nghề, tập nghề, thử việc để làm việc cho người sử dụng lao động), nhóm 5 (những người làm công tác Y tế), nhóm 6 (an toàn, vệ sinh viên). Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp và các cấp công đoàn, quy định về huấn luyện ATVSLĐ qua thực tiễn triển khai còn khó thực hiện. Trước hết, quy định về huấn luyện ATVSLĐ chỉ phù hợp với doanh nghiệp khối sản xuất trực tiếp, chưa phù hợp với các doanh nghiệp khối dịch vụ (vận tải, du lịch, thương mại, giáo dục). Ngay cả trong các doanh nghiệp thuộc khối sản xuất trực tiếp, có đặc thù nguy cơ mất an toàn cao (Điện lực, Than - Khoáng sản, Xây dựng) thì những quy định này cũng còn có những điểm khó thực hiện. |
|
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Nghệ An và Công đoàn ngành Y tế Nghệ An thăm hỏi các nạn nhân vụ rơi thang máy. Ảnh: Đức An |
Nêu khó khăn trong việc thực hiện huấn luyện trên các công trình xây dựng, ông Lê Hồng Phong - Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Công đoàn Xây dựng Việt Nam cho biết: “Ngành Xây dựng rất cần giảng viên huấn luyện có năng lực chuyên sâu. Tuy nhiên, hiện tại, nhiều đơn vị huấn luyện chưa đủ năng lực để huấn luyện an toàn cho ngành nghề đặc thù như xây dựng". |
Huấn luyện an toàn làm việc trên cao cho người lao động |
Đối với ngành Điện, ông Vũ Văn Minh – Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật, Công đoàn Điện lực Việt Nam nêu thực tế, quy định về công tác huấn luyện đang có sự chồng chéo: Một người lao động ngành Điện cần đến 3 loại chứng nhận huấn luyện an toàn theo 3 văn bản khác nhau: Giấy chứng nhận huấn luyện an toàn theo Nghị định 44; Thẻ An toàn Điện theo Luật Điện lực; Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy theo Luật Phòng cháy và chữa cháy. Mỗi người lao động phải hoàn thành từ 3 - 4 lớp huấn luyện mới đủ điều kiện làm việc. “Pháp luật nên quy định theo hướng xây dựng khung nội dung huấn luyện, trong đó bao gồm tất cả các nội dung cần huấn luyện và chỉ cấp 1 lần, 1 loại giấy chứng nhận để giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người lao động. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều người lao động phải ở nhà, bị nhiễm Covid-19, còn trung tâm huấn luyện ATVSLĐ đóng cửa đã gây khó khăn cho doanh nghiệp. Luật ATVSLĐ cần điều chỉnh, bổ sung hướng dẫn cụ thể cho tình huống này, có cho phép kéo dài thời gian huấn luyện hay không, nếu kéo dài thì trong bao lâu" - ông Minh nêu ý kiến. |
Đối với quy định về huấn luyện an toàn, vệ sinh viên, các cấp công đoàn cũng phản ánh vướng mắc: Nghị định số 44/2016/NĐ-CP của Chính phủ xếp an toàn, vệ sinh viên thành một nhóm đối tượng huấn luyện riêng (nhóm 6), được huấn luyện 2 nội dung (nội dung về ATVSLĐ và nội dung về kỹ năng, phương pháp hoạt động của an toàn, vệ sinh viên). |
Đồng thời Khoản 5 Điều 19 Nghị định này quy định thời gian huấn luyện nội dung về kỹ năng, phương pháp hoạt động của an toàn, vệ sinh viên ít nhất là 4 giờ (không kể thời gian huấn luyện nội dung về ATVSLĐ). Tuy nhiên, Điều 22 của Nghị định chỉ quy định tiêu chuẩn người huấn luyện ATVSLĐ mà không quy định tiêu chuẩn người huấn luyện kỹ năng, phương pháp hoạt động của an toàn, vệ sinh viên. Thêm vào đó, Phụ lục IV của Nghị định cũng chỉ có Chương trình khung huấn luyện cho 5 nhóm 1,2,3,4,5 mà chưa có Chương trình khung huấn luyện cho nhóm 6. Do vậy, nhiều doanh nghiệp và đơn vị có chức năng huấn luyện ATVSLĐ cũng bỏ qua phần huấn luyện này. Đào tạo giảng viên huấn luyện ATVSLĐ cho công đoàn Thông tin về quy định của Luật ATVSLĐ liên quan đến huấn luyện ATVSLĐ, TS. Nguyễn Anh Thơ - Quyền Viện trưởng Viện Khoa học ATVSLĐ cho biết: “Pháp luật cho phép doanh nghiệp được tự huấn luyện ATVSLĐ, thể hiện ở Điều 14 Luật ATVSLĐ". Khoản 2 điều 14 quy định: “Người sử dụng lao động tổ chức huấn luyện cho người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ và cấp thẻ an toàn trước khi bố trí làm công việc này". Khoản 5 Điều 14 quy định: "Việc huấn luyện về ATVSLĐ quy định tại Điều này phải phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng ngành nghề, vị trí công việc, quy mô lao động và không gây khó khăn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động chủ động tổ chức huấn luyện riêng về ATVSLĐ hoặc kết hợp huấn luyện các nội dung về ATVSLĐ với huấn luyện về phòng cháy, chữa cháy hoặc nội dung huấn luyện khác được pháp luật chuyên ngành quy định". Căn cứ vào 2 điều khoản trên, doanh nghiệp không khó để tự tổ chức huấn luyện ATVSLĐ. Doanh nghiệp có thể được cấp giấy chứng nhận tự đào tạo, huấn luyện, nhưng cần tổ chức khóa đào tạo giảng viên. Luật ATVSLĐ quy định theo hướng giảm bớt thủ tục cho doanh nghiệp nhưng kiểm soát chất lượng bằng giảng viên và thực tế. Các doanh nghiệp, cơ sở có thể chia nhỏ thời gian huấn luyện, làm sao trước một tháng đến kì huấn luyện cộng dồn đủ số giờ quy định. Tại nhiều công trình xây dựng, doanh nghiệp đang áp dụng hình thức huấn luyện 15 phút trước giờ làm việc. “Pháp luật đã có những hướng dẫn linh hoạt, cụ thể hơn về công tác huấn luyện ATVSLĐ: Bổ sung hướng dẫn về đào tạo an toàn số, đào tạo online nhưng cần giám sát và có bài kiểm tra để lưu lại kết quả... Do đó, việc đào tạo đội ngũ giảng viên là cán bộ công đoàn cũng rất thuận lợi nếu Viện Khoa học ATVSLĐ phối hợp với các công đoàn ngành, LĐLĐ tỉnh, thành phố tổ chức các lớp đào tạo giảng viên. Cán bộ công đoàn cơ sở có thể trở thành giảng viên an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp" - TS. Nguyễn Anh Thơ cho biết. |