Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức ở Cửu Long (Hương Cảng - Trung Quốc) đầu năm 1930 đã nêu ra những vấn đề cơ bản đối với giai cấp nông dân: “Đảng ta phải đoàn kết được đại đa số nông dân, phải dựa vững vào nông dân nghèo làm cách mạng thổ địa đánh đổ bọn đại địa chủ và phong kiến”. Phải tập hợp nông dân vào một tổ chức dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, đấu tranh giành độc lập tự do và thực hiện cách mạng ruộng đất.
***
1. Chặng đường vẻ vang 90 năm
Công tác dân vận có vai trò to lớn trong cao trào cách mạng 1930 - 1931; phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ 1936 - 1939 và phong trào phản đế 1939 - 1941. Đặc biệt, với phong trào Việt Minh 1941 - 1945, Đảng ta đã tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân tổ chức các hình thức đấu tranh công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp, tạo nên bước phát triển mạnh mẽ trong xây dựng lực lượng quần chúng. Chỉ với khoảng 3.000 đảng viên, nhờ tin vào quần chúng, dựa vào quần chúng, Đảng đã lãnh đạo toàn dân làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám đánh đổ thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân.
Trong kháng chiến chống Pháp, với tinh thần tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính, Đảng ta phát động cuộc chiến tranh nhân dân; công tác dân vận của Đảng đã quy tụ sức mạnh toàn dân tộc thông qua các tổ chức quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là Hội Liên - Việt (thành lập tháng 5/1946), Mặt trận Liên - Việt (thành lập tháng 3/1951) và các phong trào thi đua ái quốc, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, một nửa đất nước được giải phóng, đi lên CNXH.
Phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng” của Thái Bình: Người lên đường chiến đấu, người ở lại hậu phương thi đua sản xuất dưới bom đạn (tháng 8/1964) sau khi Mỹ mở rộng đánh phá bằng không quân ra miền Bắc. Ảnh tư liệu
Trong kháng chiến chống Mỹ, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đã thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Ngày 10/9/1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời, tập hợp mọi lực lượng dân tộc, dân chủ, động viên đồng bào, chiến sĩ đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam. Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, trở thành ngọn cờ quy tụ các lực lượng yêu nước miền Nam, cùng cả nước làm nên cuộc Đại thắng mùa xuân năm 1975, đưa giang sơn về một mối.
Cả nước thống nhất, đi lên CNXH, hai tổ chức Mặt trận được hợp nhất thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã động viên nhân dân cả nước khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng đất nước trong hoàn cảnh bị cấm vận ngặt nghèo. Đến thời kỳ đổi mới, Hội nghị lần thứ 6, BCH Trung ương (khóa VI) đã ban hành Nghị quyết số 08B về “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân” nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.
Từ đó đến nay, hàng loạt chỉ thị, nghị quyết của Đảng đã được ban hành, nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; không ngừng đổi mới công tác dân vận; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương và Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trao Giải thưởng cho các cá nhân đạt giải. |
2. Tiếp tục làm tốt công tác dân vận trong giai đoạn mới
2.1. Bài học kinh nghiệm
Truyền thống vẻ vang của công tác dân vận khẳng định quan điểm sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham những, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường. Đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế là cội nguồn sức mạnh. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII cũng rút ra bài học kinh nghiệm về công tác dân vận: “Phải phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo sự nhất trí trong Đảng và đồng thuận xã hội; tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân”.
2.2. Giải pháp thực hiện công tác dân vận trong giai đoạn mới
Để làm tốt công tác dân vận của Đảng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới, Đảng ta xác định phải làm tốt các giải pháp sau.
Thứ nhất, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động về công tác dân vận của các cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị; phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đổi mới công tác dân vận theo hướng thiết thực, sáng tạo, hướng đến mục tiêu đồng thuận, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ hai, tập trung làm tốt công tác dân vận của cơ quan Nhà nước các cấp, trọng tâm là nâng cao chất lượng, vai trò, sự tham gia của nhân dân trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Hoàn thiện và thực thi đạo đức công vụ kết hợp công tác thanh, kiểm tra. Tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận đáp ứng yêu cầu. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở; tăng cường đối thoại, kịp thời giải quyết nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập trung xử lý dứt điểm, kịp thời các vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân; chống khuynh hướng mị dân, kích động dân.
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 và đoàn viên, thanh niên xã Long Thuận, huyện Bến Cầu ra quân làm công tác dân vận.
Thứ ba, Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và tổ chức của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng theo hướng có trọng tâm, thiết thực, hiệu quả; nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc việt Nam; có cơ chế động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận; kiên quyết không bố trí cán bộ thiếu gương mẫu làm công tác dân vận.
Thứ tư, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tích cực tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình về công tác dân vận.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; công tác phòng, chống tham nhũng, nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, tổ chức; kiên quyết đấu tranh với những quan điểm, luận điệu sai trái.
Thứ sáu, tăng cường phối hợp, thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; xây dựng cơ chế phối hợp giữa chính quyền, các cơ quan, tổ chức với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; tích cực đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng về công tác dân vận.
Dân vận là công tác trọng tâm xuyên suốt trong các thời kỳ cách mạng của Đảng ta, kể từ ngày đầu thành lập Đảng. Ngày 15/10/1949, với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự thật. Bài báo có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện rõ tư tưởng “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, trở thành cẩm nang của công tác dân vận; chỉ dẫn đầy đủ, sâu sắc mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp của công tác dân vận. Tháng 10/1999, kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo nói trên, theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị khóa VIII đã đồng ý lấy ngày 15/10/1930 là Ngày Truyền thống công tác dân vận của Đảng và lấy ngày 15/10 hằng năm là “Ngày Dân vận của cả nước”. |
Tài liệu tham khảo:
- Ban Dân vận Trung ương: “Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 90 năm Ngày Truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2020”.
Bài: Hải Dương
Đồ họa: Hoàng Hà