|
Nửa đêm không ngủ, một công nhân quê ở huyện Lục Ngạn bày tỏ nỗi niềm phải cách ly trong khi ở nhà không có người đi bán trên mạng xã hội. Lập tức, trạng thái này nhận được hàng nghìn lượt like và bình luận, chia sẻ. Đó là tâm sự của một công nhân có nick name H.D. Nam công nhân đang cách ly tại huyệt Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) bày tỏ trên facebook: “Mình cách ly đủ 21 ngày, xét nghiệm đều âm tính 3 lần, không tiếp xúc với F0, F1, F2, F3, F4 nhưng chưa được về. Mình rất lo lắng vì không có ai bẻ vải. Cả năm trông vào vụ vải, ở nhà giờ chỉ còn bố mẹ già phải thu hoạch khoảng 10 – 15 tấn vải. Không có người phụ giúp, vải sẽ bị cháy, bị thối. Mình chỉ mong được như công nhân các huyện khác, hết cách ly được về địa phương". Một công nhân khác ở huyện Lục Ngạn có nick name L.V chia sẻ: “Mùa dịch làm thối vải rồi. Em là con một. Đi làm công nhân được ít tháng thì không may có dịch bệnh, phải cách ly. Nhà em có 400 cây vải giống Thanh Hà (Hải Dương), hơn 300 cây vải thiều, 150 cây u hồng. Năm nay được mùa thì em không về bán được. Em mong các chú, các bác trên tỉnh và huyện xét và xác nhận giấy cho em đủ hành trình cách ly để về quê bán vải”. |
3.000 công nhân trọ tại thôn Núi Hiểu (xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) được tổ chức đi cách ly trong đêm. |
Nam công nhân này còn cho biết, bản thân đi làm công nhân cũng để lấy tiền mua thuốc sâu và phân bón cho vườn vải. Dịch bệnh nên mẹ ở nhà cũng không thuê được nhân công. Nhà có một mẹ, một con, cần người đi bán vải nên đầy ắp nỗi lo. Tâm sự của hai công nhân đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, hai bạn nên “hy sinh 1 mùa vải” để “”. Và chắc chắn, cha mẹ hai công nhân này ở Lục Ngạn sẽ có chính quyền địa phương hỗ trợ. “Giữ được tính mạng đã, rồi tiền làm sau bạn ơi. Cái gì nên ưu tiên thì phải ưu tiên” - công nhân Hoàng Văn Hiệp nêu ý kiến. |
Lãnh đạo Bộ Y tế trực tiếp chỉ đạo công tác lấy mẫu xét nghiệm tại xã Quang Châu (huyện Việt Yên). |
“Chính quyền làm vậy cũng vì muốn tốt cho cộng đồng thôi mà em. Không may phát bệnh thì khổ cả huyện Lục Ngạn, cả tỉnh Bắc Giang, khổ cả nước Việt Nam” – bạn có nick name là Kin Le chia sẻ. “Vải năm nay không thu kịp thì năm sau thu hoạch cũng không sao. Giờ quan trọng nhất là cùng nhau chống dịch để cả nước được bình yên đã bạn ạ. Bạn biết không, các bác lãnh đạo ngày đêm không ngủ để gồng mình chống dịch. Các chiến sĩ áo trắng hết sức điều trị cho bệnh nhân, mẹ mất cũng không thể về chịu tang. Tại sao chúng ta không vì chiến sĩ áo trắng mà cùng chung tay chống dịch?” – một nữ công nhân cho ý kiến. |
Hiện nay, một số công nhân huyện Lục Ngạn tranh thủ thời gian đi làm tạm thời. Họ đợi vào mùa thu hoạch vải rồi về. Công nhân có nick name H.D cho biết: “Mình cũng chỉ muốn bày tỏ ước muốn sau khi cách ly 21 ngày cộng với 3 lần xét nghiệm âm tính thì công nhân ở huyện Lục Ngạn có thể được xem xét cho về quê phụ giúp gia đình. Trường hợp của mình thực sự cần về phụ giúp cha mẹ". Nhưng do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên ngày 28/5/2021, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Công văn số 2481/UBND-KGVX gửi UBND các huyện, thành phố của tỉnh về việc đưa công nhân tại thôn Núi Hiểu (xã Quang Châu) ra các khu cách ly của các huyện, thành phố và đưa về địa phương. Người nông dân huyện Lục Ngạn với niềm vui được mùa vải khi chưa có dịch Covid-19. Ảnh: ST |
Để giảm tải mật độ, số lượng công nhân tại thôn Núi Hiểu, hạn chế nguy cơ lây nhiễm, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Việt Yên phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức đưa khoảng 3.000 công nhân là những người xét nghiệm 2 lần âm tính ra các khu cách ly tập trung của huyện (đối với công nhân ngoại tỉnh). Các huyện, thành phố tổ chức đón công nhân là công dân của huyện mình và đưa về khu cách ly tập trung của địa phương. Riêng công nhân là người của huyện Lục Ngạn thì đưa về khu cách ly tập trung của các huyện Hiệp Hòa, Yên Dũng và TP Bắc Giang. Đồng thời yêu cầu tất cả các công nhân phải cách ly thêm đủ 14 ngày, 3 lần xét nghiệm âm tính. |
Theo ông Nguyễn Đức Quân - Chủ tịch LĐLĐ huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), năm nay, huyện này dự kiến thu hoạch một số lượng lớn quả vải, ước tính giá trị từ 7.000 – 8.000 tỷ đồng. Huyện đang thiết lập “vùng vải an toàn” với kế hoạch chi tiết về thu hoạch vải năm nay. Huyện Lục Ngạn đã xin chủ trương của UBND tỉnh Bắc Giang cho phép được trích ngân sách, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân để đảm bảo vải sạch, không có virus SARS-CoV-2, đưa ra thị trường tiêu thụ. “Sau khi cách ly thêm 14 ngày, công nhân huyện Lục Ngạn có thể về quê, hoặc trở lại làm việc tại khu công nghiệp đã hoạt động trở lại. Hiện nay, nhiều công nhân vẫn có thể tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Chỉ cần 1 ca dương tính là vải không sạch, không bán được. Toàn bộ 180.000 ha vải không bán được. Cuộc sống của 200.000 người dân sẽ… rất khổ”. Hiện nay, người dân địa phương đã đồng tình với chính quyền phương án trên. Thương lái vẫn được vào địa phương mua vải với các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19. “UBND huyện Lục Ngạn đã huy động 3.500 giáo viên giúp các hộ gia đình bán vải. Huyện cũng đã hỗ trợ mỗi lò sấy vải 2 triệu đồng để người dân chủ động xử lý trong trường hợp vải tươi chưa tiêu thụ hết. Do đó, công nhân là người địa phương hãy yên tâm cách ly để an toàn trở về” – ông Quân nhấn mạnh. |
||
Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Giang. Tâm sự của một công nhân quê ở huyện Lục Ngạn nhận được hàng nghìn lượt like, share, bình luận của các công nhân khác sau ít giờ chia sẻ. |
|