“Bóng hồng” duy nhất trong cabin trên tuyến metro số 1 |
Khi chuyến tàu thuộc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông lần đầu lăn bánh chạy thử, lẫn trong số hàng triệu người đang dõi theo, có một cô gái trẻ nhìn theo đoàn tàu với niềm mơ ước rằng một ngày nào đó mình sẽ được đặt chân lên những chuyến tàu đường sắt đô thị. Và rồi, cô gái ấy đã bước lên tàu nhưng không phải là hành khách, mà đã trở thành người “cầm vô lăng” trên hành trình đi tới những ước mơ xa xôi… |
Tuyến metro số 1 sẽ chính thức khai thác trong năm 2024 - Ảnh: A.T |
Lớp học đặc biệt |
Tháng 7/2020, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM đã tổ chức khai giảng lớp đào tạo lái tàu cho tuyến metro số 1. Điều đặc biệt là trong số 58 học viên, chỉ có duy nhất một người là nữ, đó là chị là Phạm Thị Thu Thảo (36 tuổi, ngụ quận 2, TP HCM). Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, khi lớn lên, chị Thảo đã chọn con đường dạy học, với hơn 11 năm làm giáo viên mầm non. Đầu năm 2020, trong thời gian đi học văn bằng 2 để chuyển sang làm giáo viên tiểu học, chị Thảo nhìn thấy bản tin tuyển dụng lái tàu metro trên mạng xã hội đã vô cùng thích thú. Chị chia sẻ, từ thuở nhỏ đã có niềm đam mê mãnh liệt với nghề lái tàu đường sắt nhưng vì hoàn cảnh cuộc sống và những lý do khác nhau nên chị không thể thực hiện được ước mơ đó. Mỗi lần xem phim ảnh, nhìn thấy các tuyến đường sắt trên cao ở nước ngoài, chị lại có niềm say mê thích thú đến lạ thường. Chính vì vậy, khi đọc được bản tin tuyển lái tàu metro, chị tìm hiểu về công việc lái tàu. Sau nhiều ngày suy nghĩ, chị quyết định nộp đơn ứng tuyển rồi đậu vào lớp trung cấp lái tàu điện của Trường Cao đẳng Đường sắt. |
Chị Phạm Thị Thu Thảo thời điểm tham gia lớp học lái tàu metro. Ảnh: A.N. |
“Khi nhận được thông báo trúng tuyển, tôi đã hét lên vì sung sướng. Lúc dự tuyển, tôi nghĩ, những gì nam giới làm được thì nữ giới cũng làm được, và suy nghĩ ấy đã đúng trong trường hợp này”. Chị Thảo cho biết thêm: “Khi bàn với gia đình về chuyện chuyển nghề sang lái tàu, ai nấy đều bất ngờ. Nhưng sau đó, mọi người rất ủng hộ, và đó là niềm tin, động lực để tôi quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình”. |
Chị Thảo trong một buổi thực hành trên tàu A2 - Ảnh: NVCC. |
Để được tuyển chọn, chị Thảo đã trải qua quá trình thi tuyển, đáp ứng về trình độ chuyên môn, sức khỏe với nhiều tiêu chí khắt khe. Trong 19 tháng, học viên sẽ tiếp nhận công nghệ, cách thức điều khiển, người xuất sắc được sang Nhật Bản học, để kịp vận hành tàu metro số 1 vào năm 2024. Chị Thảo cho biết, nghề lái tàu yêu cầu khám sức khỏe theo quy định của ngành Đường sắt, chuyên môn yêu cầu có thêm bằng trung cấp lái tàu điện, bằng chuyển giao công nghệ của tuyến và thi đậu sát hạch để lấy giấy phép lái tàu. Theo ngành Sư phạm đã lâu, tiếp xúc chủ yếu với trẻ con, những kiến thức máy móc, kỹ thuật với học viên này dường như là con số 0. Tuy vậy, những trở ngại không phải là rào cản với người phụ nữ giàu đam mê và khát vọng. Ngoài việc đều đặn tham gia khoá học trên lớp, mỗi buổi tối chị dành thời gian lên mạng mày mò tìm hiểu thêm kiến thức về kỹ thuật, tra cứu những thuật ngữ lạ lẫm. |
Các thao tác điều khiển phức tạp - Ảnh: Trần Lưu |
Ngày đầu bước chân vào lớp, thấy chỉ một mình mình là nữ, chị có chút ngại ngùng, nhưng 1 tháng sau, cảm giác ấy mới dần tan biến khi chị hiểu hơn về các bạn trong lớp. Sự ngại ngùng của ngày đầu đã chuyển qua thành cảm xúc tự hào. Đặc biệt, trong lớp học có đến 57 nam, nhưng chị Thảo đã được mọi người tin tưởng bầu làm lớp trưởng. Trong 19 tháng học, thì có 15 tháng học lý thuyết, chị Thảo và các đồng nghiệp được dạy về các bộ môn kết cấu tàu, động lực hãm đoàn tàu… theo tài liệu của tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội). "Những ngày học lý thuyết nhưng tôi vẫn hay mơ về một ngày mình được cầm lái con tàu ở trên cao, ngắm nhìn thành phố xinh đẹp, và quan trọng nhất là xua đi những nỗi nhớ đợi tàu của người dân suốt mấy chục năm qua”, chị Thảo chia sẻ. |
Thấy trách nhiệm mình lớn hơn |
Và rồi, sau 15 tháng học lý thuyết, chị Thảo đã lần đầu tiên được ra Hà Nội cùng lớp học thực hành. “Các anh chị ở ngoài đó, hỗ trợ chúng tôi rất nhiều, giúp các học viên được lên tàu chạy tuyến thử. Bên trong cabin của tàu metro có nhiều thiết bị hiện đại, như màn hình điện tử, hệ thống loa, nút bấm điều khiển..., phía trước chia thành 2 màn hình điều khiển. Khi trực tiếp chạm vào các thiết bị điều khiển như một người lái tàu thực thụ, mỗi âm thanh chuyển động khi đoàn tàu lăn bánh là mỗi phút giây vô cùng hồi hộp, lo lắng. Nhưng khi điều khiển tàu chạy được rồi thì bản thân cảm thấy rất sướng. Bởi bao niềm mong ước bấy lâu nay giờ đã thành hiện thực. Lúc ra thực tập, tuyến Cát Linh – Hà Đông đang được khai thác, nên mọi người không có thời gian để tập lái nhiều. Hơn nữa, lớp đông người nên phải chia ca. Tôi nhớ có lần dừng tàu, rồi đỗ không đúng chỗ. Qua nhiều lần cố gắng đã thành công, nắm được cơ chế vận hành, có thể canh, đậu đúng chỗ”, chị Thảo kể. |
Tuyến metro số 1 nhìn từ trên cao - Ảnh: A.T. |
Bằng những nỗ lực không ngừng, chị Thảo đã được mục tiêu đề ra là lọt vào “top” 10 về thành tích học tập của lớp, để tiếp tục được sang Nhật học tập chuyên sâu. Mới đây, nhóm học viên lớp Kỹ thuật viên Điều độ đường sắt đô thị tham gia đợt 1 chương trình đào tạo thực tế tại Nhật Bản (trong đó có chị Thảo) đã về nước. “Ở Nhật, tàu điện là phương tiện thân thuộc, được người dân sử dụng hằng ngày. Nó cũng là biểu trưng ở những quốc gia có hệ thống giao thông hiện đại. Mình hy vọng sau này ở TP HCM tàu điện sẽ tiếp tục phát triển để người dân đi lại thuận tiện hơn”, chị Thảo chia sẻ. |
Chị Thảo chia sẻ về việc đến với nghề lái tàu đường sắt đô thị. Ảnh: N.T. |
Trở về nước, chị Thảo nhớ nhất là những lần ngồi tàu metro ở khoang hành khách khi tàu chạy thử trên tuyến Bến Thành - Suối Tiên. Đó là những hình ảnh thân quen mỗi ngày, với góc phố, bến sông, những dãy nhà cao tầng… nhưng khi được ngắm nhìn từ trên cao, lại có cảm giác vô cùng thích thú và mới lạ. Nhiều lần chị Thảo tự nói rằng: “Không ngờ thành phố mình đẹp đến như vậy”. Theo chị Thảo, Lái tàu metro khó nhất là dừng, đỗ đúng vị trí. Với ô tô, khi dừng xe, người điều khiển có thể cho dừng bất cứ đâu, nhưng với tàu metro, lái tàu phải dừng đúng vị trí trong sân ga thì cửa tàu mới mở, hành khách mới có thể lên xuống. Chị Thảo là nữ lái tàu duy nhất trên tuyến metro số 1 - Ảnh: A.T. “Khác với lúc ngồi ở khoang hành khách, có thể ngắm cảnh hoặc tự do làm những việc mình thích, như chụp ảnh, ngắm cảnh…; khi ở trong buồng lái, mọi thao tác của mình lúc này không còn của riêng ai, mà đều liên quan đến sự an toàn của toàn bộ hành khách. Nó đòi hỏi người lái phải tập trung và vận hành bằng tối đa khả năng của mình. Nghề lái tàu đã dạy tôi: “Khi mình thấy mình bản lĩnh hơn thì trách nhiệm của mình cũng lớn hơn”, chị Thảo bày tỏ. “Niềm hạnh phúc nhất của chúng tôi là khi kết thúc chuyến tàu, nhiều người đã khen ngợi và cho biết họ cảm thấy không có gì khác biệt so với các chuyến tàu khác. Đó là bằng chứng cho thấy phụ nữ vẫn có khả năng thực hiện các nhiệm vụ giống như nam giới. Đến giờ, bản thân tôi rất tự hào khi được tuyển chọn để học lái tàu và cũng là nữ học viên duy nhất trong lớp học. Tôi sẽ phải cố gắng rất nhiều trong quá trình học tập và làm việc để trở thành người lái tàu giỏi”, chị Thảo nói thêm. |
Ước mơ về những hành trình vươn xa |
Dự án tuyến metro số 1 được khởi công từ năm 2012 với tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Tuyến metro này dài 19,7 km, trong đó 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao. Công trình có 14 nhà ga, gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Khi đi vào vận hành, tốc độ tối đa của tàu là 110 km/giờ (đoạn trên cao) và 80 km/giờ (đoạn hầm). |
Chị Thảo ước mơ sẽ đưa thành phố vươn xa trên những chuyến tàu - Ảnh: Tr.L. |
Đến nay, dự án metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên hiện hoàn thành trên 95% tổng khối lượng, trong đó có gói thầu đã đạt trên 98%, được lên kế hoạch đưa vào khai thác thương mại vào tháng 7/2024, sau 17 năm triển khai. Hệ thống metro tại TP HCM gồm tất cả 8 tuyến. Đó là: Tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên, tuyến số 2 Bến Thành – Tham Lương, tuyến số 3a Bến Thành – Tân Kiên, tuyến 3b Lăng Cha Cả - Hiệp Bình Phước, tuyến số 4 Thanh Xuân – Hiệp Phước, tuyến số 4b công viên Gia Định – Lăng Cha Cả, tuyến số 5 bến xe Cần Giuộc – cầu Sài Gòn, tuyến số 6 Bà Quẹo – Phú Lâm. Trong 8 tuyến này, tuyến số 1 sắp hoàn thành và khai thác thương mại; tuyến số 2 vừa khởi công gói thầu đầu tiên di dời hạ tầng kỹ thuật (vào cuối tháng 6/2023 vừa qua); tuyến 3a và tuyến số 5 đang trong giai đoạn chờ phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, huy động vốn,… Các tuyến còn lại chưa khởi động. Cuối tháng 8 vừa qua, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM (MAUR) cùng nhà thầu Hitachi đã chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, bao gồm cả đoạn trên cao và đoạn đi ngầm, từ ga Bến xe Suối Tiên đến ga trung tâm Bến Thành dài gần 20 km. Đây là sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng của dự án sau hơn 10 năm khởi công. Đối với tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, theo nhận định của Ban Quản lý Dự án Đường sắt đô thị TP HCM (MAUR) - chủ đầu tư, tuyến có vai trò rất quan trọng, là tuyến bổ sung phương thức vận chuyển khối lượng lớn từ trung tâm thành phố đến cửa ngõ Đông Bắc của thành phố. Khi đưa vào khai thác, ngoài việc phục vụ cho sự phát triển chung của thành phố về phía Đông, dự án còn kết nối với Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP), các khu dân cư, đô thị mới và Đại học Quốc gia TP HCM. |
Cận cảnh tuyến metro số 1 - Ảnh: A.T. |
Tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương đang triển khai gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật để chuẩn bị chính thức khởi công vào năm 2025, dự kiến hoàn thành vào năm 2030. Thời điểm này, thành phố cũng sẽ xúc tiến các tuyến số 5 Bà Quẹo – Phú Lâm giai đoạn 1 nối Tân Phú đi công viên Phú Lâm, quận 6 (tuyến xuyên Bắc Nam) và tuyến số 2 giai đoạn 2 (Bến Thành – Thủ Thiêm). Thành phố cũng sẽ xúc tiến triển khai từ 1 đến 2 tuyến khác còn lại trong hệ thống metro TP HCM. Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM, trước đây, các kĩ thuật viên lái tàu chỉ được thực hành trên tàu A2, với cơ chế vận hành có phần khác với tàu dùng cho tuyến metro hiện tại. Sắp tới, các lái tàu sẽ được thực hành trên tuyến metro số 1 để sớm quen với phương thức vận hành của tàu. Như những đồng nghiệp khác, khi xác định theo nghề lái tàu là họ đã sẵn sàng đối diện với những khó khăn, vất vả trên những khúc cua, những ngày tháng xa nhà... Chị Thảo vẫn nhớ như in hình ảnh những gương mặt phấn chấn của hành khách khi được trải nghiệm tuyến đường sắt đô thị metro trong những lần chạy thử. Với họ, đó không chỉ là sự thích thú khi trải nghiệm chuyến đi, mà còn là niềm hạnh phúc về một sự đổi thay, một diện mạo mới cho bộ giao thông của thành phố. Chị mong chờ tuyến metro sẽ được đưa vào khai thác vận hành vào tháng 7 năm sau theo kế hoạch dự kiến, để bản thân mình có thể được cầm lái trên những hành trình vươn xa, góp phần giúp thành phố xua đi những hình ảnh đợi tàu, kẹt xe, mở đầu cho những chặng đường mới phát triển…
|
TRẦN LƯU |