Bể bơi mùa hè - An toàn nào cho trẻ?
Đời sống - 26/07/2019 11:29 Khánh Linh
Việc đảm bảo an toàn tại các bể bơi là điều rất cần thiết, bởi chỉ cần sơ sảy một vài phút là tai nạn thương tâm có thể xảy ra. (Ảnh sưu tầm). |
Tai nạn bể bơi
Năm nào cũng vậy, cứ được nghỉ hè là buổi sáng chị Nguyễn Thu Trang, sống ở khu tập thể Thành Công lại cho 2 con mình đi bơi, để rèn luyện sức khỏe, trang bị kỹ năng bơi cho các cháu. Tuy nhiên, do ở thành phố số bể bơi ít, nên chỗ nào cũng đông đúc khiến chị lo lắng về tai nạn cũng như các nguy cơ lây nhiễm bệnh cho các con của mình.
Chị Nguyễn Thị Khanh ở Ứng Hòa, Hà Nội chưa khỏi bàng hoàng khi con gái Nguyễn Quỳnh Anh, 12 tuổi vừa từ cõi chết sống lại khi cùng em trai đi bơi ngày 8/7/2019 vừa qua. Thấy trời nóng, Quỳnh Anh xin phép mẹ cho hai chị em đi bơi. Nô đùa cùng nhau, Quỳnh Anh cõng em trên lưng, do sức yếu, Quỳnh Anh cứ chìm dần, em trai không có kinh nghiệm nên không phản ứng gì. Đến khi thấy chị nằm dưới đáy bể, em mới kêu cứu, cứu hộ nhảy xuống vớt lên thì Quỳnh Anh đã tím tái hết người. Sơ cứu ban đầu, rồi Quỳnh Anh được đưa đến bệnh viện Ứng Hòa. Nước tràn màng phổi, nhưng rất may Quỳnh Anh đã được cứu sống. Sau 4 ngày, cháu xuất viện nhưng vẫn để lại nỗi sợ cho cả gia đình.
Trước đó, ngày 2/7/2019, tại bể bơi tòa nhà L4 khu đô thị Ciputra, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, cũng xảy ra một vụ việc hi hữu khi cháu Nguyễn Hằng B.A (sinh năm 2014) bị mắc kẹt cả cánh tay vào ống hút của bể bơi không thể rút ra được. Phải mất 1 giờ đồng hồ, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an hai quận Tây Hồ và Bắc Từ Liêm đục thành bể cắt phần ống hút. Cháu bé được đưa đến bệnh viện khi ống hút vẫn còn trên tay.
Ngày 12/6/2019, tại Công viên nước Thanh Hà (khu đô thị Thanh Hà Mường Thanh, Hà Đông, Hà Nội) một bé trai 6 tuổi bị đuối nước khi đi bơi. Gần đây nhất, ngày 14/7/2019, bé trai 6 tuổi ở Thanh Hóa bị đuối nước tại một bể bơi của một doanh nghiệp tư nhân, ở xã Thọ Vực, huyện Triệu Sơn.
Những vụ tai nạn do đi bơi ngày hè có ở khắp mọi nơi, từ thành phố, đến nông thôn. Điều này cho thấy cần làm tốt hơn nữa công tác đảm bảo an toàn cho trẻ em tại các bể bơi.
Chia sẻ về vấn đề này, ThS. bác sĩ Trần Sĩ Minh, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Thanh Thiếu niên Trung ương, người trực tiếp phụ trách công tác an toàn tại bể bơi ở phố Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân cho biết: Việc đảm bảo an toàn tại các bể bơi là điều rất cần thiết, bởi chỉ cần sơ sảy một vài phút là tai nạn thương tâm có thể xảy ra. Do vậy, khi cho các bé đi bơi các phụ huynh phải chú ý: Chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để các em tiếp xúc với nước.
Chuẩn bị dụng cụ cần thiết: kính, mũ, áo bơi, phao bơi, vừa với kích cỡ của con em mình. Nếu có điều kiện, bôi kem chống nắng để tránh các tia cực tím, cháy da. Lựa chọn thời gian bơi phù hợp, trẻ em có bể trẻ em. Nếu trẻ em dưới 10 tuổi phải có người lớn đi kèm. Nên bởi vào sáng sớm và chiều muộn, tuyệt đối không bơi trong thời gian từ 11 đến 15 giờ mỗi ngày. Thời lượng từ 35- 40 phút một lần bơi. Trước khi bơi phải khởi động để tránh bị chuột rút. Uống đủ nước, không nên ăn no trước khi bơi. Trước khi xuống bể phải làm ướt người trong nhà tắm để làm quen với nước, bởi nếu xuống nước đột ngột khi cơ thể đang nóng bức thì dễ bị trụy tim mạch.
Về bể bơi cần lựa chọn bể có chất lượng nước đảm bảo về vi sinh và hóa sinh, sử dụng lọc ôron là tốt nhất, ít sử dụng raven. Hành lang dạo bể bơi phải lát gạch chống trơn, tránh trẻ bị ngã đập đầu, rơi xuống nước. Bể phải có chiều nông và chiều sâu. Bể bơi phải có đầy đủ biển báo và cảnh báo. Biển báo để biết mức nước nông sâu. Biển cảnh báo để trẻ em không được vào khu vực nước sâu gây nguy hiểm. Nhắc các em tránh ống hút nước trong bể, bởi đây cũng có thể là nguyên nhân gây tai nạn.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Thể dục thể thao quần chúng cũng lưu ý thêm: Khi đưa con đi bơi phải chọn bể có đáy dốc đều, không gấp khúc, chênh lệch độ sâu không quá 1m đối với bể bơi có chiều dài từ 25m trở lên hoặc không quá 0,5m đối với bể bơi có chiều dài nhỏ hơn 25m. Nước bể bơi không quá lạnh hoặc quá nóng, nhiệt độ từ khoảng 30ºC là phù hợp với trẻ em. Nước phải trong, và phải có đầy đủ phương tiện, dụng cụ cứu đuối, bảo đảm có đủ nhân viên cứu hộ theo quy định. Sào cứu hộ, phao cứu sinh cần được đặt trên thành bể ở các vị trí thuận lợi, dễ quan sát và sử dụng. Phải bố trí nhân viên y tế trực và chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, thuốc cấp cứu để đề phòng những tình huống trẻ em gặp tai nạn, rủi ro.
Trước khi bơi, trẻ cần học các kỹ năng cần thiết để đảm bảo an toàn tính mạng. (Ảnh eboi). |
Nguy cơ lây nhiễm bệnh luôn hiện hữu
Bể bơi ngày hè là địa chị hấp dẫn đối với trẻ em. Tuy nhiên, nếu không có những hiểu biết nhất định, bể bơi lại là nguồn lây nhiễm bệnh cho mọi người, đặc biệt là trẻ em khi sức đề kháng của các bé còn yếu ớt.
Chị Đào Thị Hạnh, thôn Phượng Đồng, xã Phụng Châu (Chương Mỹ, Hà Nội) thì bức xúc khi con gái đi bơi về thì bị ngứa hãi mẩn hết cả người, có chỗ gãi nhiều quá da loét thành nốt, sợ sau này sẽ thành sẹo, da thâm. Còn cháu Nguyễn Tuấn Tú con chị Nguyễn Thị Luyến, ở Phùng Khoang thì đau mắt đỏ gần 1 tuần chưa khỏi mà nguyên nhân là do cháu đi bơi ở bể bơi nước không sạch.
Không chỉ bị đau mắt, da mẩn ngứa, nhiều trẻ em đi bơi còn bị viêm nhiễm về tai, mũi, họng hay bị nhiễm lạnh, nhất là những ngày mà hôm trước trời mưa. Nói về nguyên nhân của những bệnh này, bác sĩ Nguyễn Văn Hùng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: Do lượng người đến bể bởi quá đông nên nguồn nước rất dễ bị ô nhiễm cho chất bẩn cơ thể và lượng mỹ phẩm của khách đến bơi. Cùng với đó, một số bể bơi thường có nồng độ chất tẩy rửa cao. Trong môi trường nước không được sạch đó, trẻ em lại ngâm mình hàng tiếng đồng hồ, các bộ phận mắt, mũi, họng, da vùng bẹn, nách, phía trong cánh tay và đùi của các cháu là những bộ phận dễ tổn thương nhất.
Bác sĩ Hùng khuyên, đảm bảo an toàn cho trẻ, phụ huynh nên tránh những bể bơi có mật độ đông người. Trước khi bơi nên quan sát kỹ môi trường, nguồn nước tại bể. Nếu thấy nước nặng mùi, chứng tỏ lượng hóa chất tẩy rửa cao. Còn thấy nước có màu tối, đáy bể có nhiều cặn hoặc có nhiều vật thể lạ chứng tỏ nguồn nước không an toàn.
Để giữa vệ sinh chung thì khi bởi, người lớn cũng như trẻ em cần tắm sạch sẽ trước khi xuống bể. Nếu bị các bệnh lây nhiễm tuyệt đối không đi bơi, tránh việc gây bệnh cho người khác. Những trẻ em có tiền sử hen phế quản, viêm họng không nên đi bởi. Khi đi bơi, cần trang bị cho các trẻ đầy đủ nút bịt tai, kính bơi. Sau khi bơi xong, cần tắm lại ngay bằng nước sạch, xà phòng và nhỏ mũi tai bằng nước muối sinh lý để phòng bệnh.
Ông Lê Đức Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm An toàn lao động, Viện ATVSLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam, đã đưa ra một số góp ý ... |
Với chức năng quản lý súng pháo, khí tài, đạn dược, lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao, Cục Quân khí đã ... |
Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình có trụ sở tại phường An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, chuyên sản xuất ... |
Tin cùng chuyên mục
Đời sống - 21/10/2024 18:14
Một nhóm chủ nhà trọ ở Vĩnh Phúc vừa tổ chức cuộc thi văn nghệ sân khấu hóa “Công nhân nhập cư sẵn sàng ứng phó dịch bệnh”, hôm 20/10.
Đời sống - 17/10/2024 05:47
Trước nhu cầu lớn về nhà ở cho công nhân, TP. Đà Nẵng đã có nhiều chủ trương chính sách nhằm hỗ trợ để công nhân nghèo có một chỗ “an cư” để làm việc.
Đời sống - 16/10/2024 10:39
Bộ Y tế đề xuất tăng phụ cấp trực tại các cơ sở y tế công lập, tăng phụ cấp chống dịch - một chính sách được mong chờ từ lâu nhằm cải thiện đời sống của nhân viên y tế trên cả nước.
Đời sống - 14/10/2024 20:59
Với các thầy, cô giáo Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Tả Ngảo (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), hạnh phúc là khi thấy học trò đến lớp mỗi ngày và trở thành người có ích cho xã hội.
Đời sống - 07/10/2024 16:30
Tính chung 9 tháng năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Đời sống - 04/10/2024 16:31
Nhiều người trẻ có xu hướng thay đổi công việc với những lý do như: thử sức môi trường mới, tìm chế độ tốt hơn,... Song, quá trình tìm kiếm công việc mới gặp nhiều rào cản do hầu hết các nhà tuyển dụng ngày càng đưa ra nhiều yêu cầu cho các ứng viên.