Trong khu đất ngổn ngang những đống gạch vỡ, các cư dân còn lại của khu tập thể 319 Vĩnh Hưng (Hà Nội) hằng ngày vẫn oằn mình sinh hoạt trong đầy rẫy khó khăn, bất ổn và những mối nguy hiểm tiềm tàng…
Ngày 4/12/2020, UBND quận Hoàng Mai có quyết định về việc di chuyển 72 hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất tại số 319 Vĩnh Hưng. Cơ quan này giao UBND phường Thanh Trì phối hợp với Công ty Cơ khí xây dựng giao thông Thăng Long di chuyển các hộ gia đình đảm bảo an ninh, trật tự.
Mặc dù vậy, thời điểm hiện tại có 12 hộ chưa tìm được tiếng nói chung về mức bồi thường, hỗ trợ di dời với Công ty CP Cơ khí xây dựng giao thông Thăng Long. 8/12 hộ gia đình vẫn bám trụ tại khu tập thể dù việc sinh hoạt gặp nhiều khó khăn.
Từ tháng 11/2021 cư dân khu tập thể 319 Vĩnh Hưng bị cắt nước sạch, buộc phải dùng giếng khoan để sinh hoạt, ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Đường điện cũng thường xuyên gặp sự cố, điển hình là hai vụ chập điện dẫn đến cháy, nổ rạng sáng 8/1 và tối 9/1/2022. Mặc dù lực lượng chức năng đã kịp thời có mặt khắc phục, song vụ cháy làm hư hỏng hệ thống điện, mạng internet. Điều đáng nói, suốt một tuần sau khi vụ cháy xảy ra, phía Công ty không cho nhân viên điện lực và mạng internet vào khắc phục.
"Trong suốt 1 tuần đó, người dân luôn sống trong sợ hãi, lo lắng sự cố cháy nổ lại xảy ra và lo các cháu đang phải học online ở nhà theo quy định phòng, chống dịch Covid-19 phải nghỉ học vì không có mạng internet...", đơn của người lao động nêu. Họ cho biết phải đến khi đại diện Công ty Điện lực Hoàng Mai đề nghị khắc phục sự cố, nếu không sẽ yêu cầu cơ quan điều tra làm việc thì nhân viên bảo vệ Công ty mới chấp nhận mở cửa.
Chưa dừng lại ở đó, theo phản ánh, bảo vệ Công ty còn đưa 2 thợ điện tự nhận là nhân viên Công ty Điện lực vào cắt điện nhà dân. Sau khi xác minh hình ảnh trích xuất từ camera, bà Trương Thị Minh Thanh, Phó giám đốc Công ty Điện lực Hoàng Mai khẳng định đó không phải nhân viên Công ty và Công ty cũng không cắt điện trong khu tập thể.
Các hộ dân hằng ngày sống bên những "núi" gạch trong quá trình phá dỡ khu tập thể 319 Vĩnh Hưng - Ảnh: MINH ANH |
Trong văn bản phúc đáp đơn đề nghị của cư dân khu tập thể 319 Vĩnh Hưng ngày 13/10/2022, lãnh đạo Công ty Điện lực Hoàng Mai cho biết, sau khi nhận được kiến nghị của người dân, đã cử nhân viên nhiều lần đến kiểm tra, thực hiện cấp điện trở lại nhưng vấp phải sự ngăn cản của bảo vệ Công ty CP Cơ khí xây dựng giao thông Thăng Long.
Đơn vị đã có văn bản báo cáo chính quyền địa phương và công an đề nghị phối hợp điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật và mạo danh, ảnh hưởng đến uy tín ngành Điện. Đồng thời yêu cầu Công ty CP Cơ khí xây dựng giao thông Thăng Long phối hợp cấp điện trở lại cho các hộ dân.
Tuy vậy, theo ghi nhận của PV Tạp chí Lao động và Công đoàn, hiện có 3 hộ gia đình không có điện, phải sử dụng chung đường điện với hàng xóm gây bất tiện, mất an toàn trong khu tập thể.
Từ năm 2021 các công nhân sống trong khu tập thể đã bị Công ty CP Cơ khí xây dựng giao thông Thăng Long đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Họ phải xin việc làm mới, có người làm lao động tự do hoặc công ty ở xa, luôn phải đi sớm về muộn.
Tuy nhiên, từ tháng 6/2022, giờ giấc ra vào khu tập thể 319 Vĩnh Hưng của cư dân bị kiểm soát, Công ty yêu cầu khoá cổng từ 9h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau, việc đi lại làm việc, sinh hoạt của người lao động bị ảnh hưởng.
Người lao động trèo cổng đi làm - Ảnh: MINH ANH
Mặc dù Chủ tịch UBND phường Thanh Trì có chủ trì buổi làm việc giữa các bên, yêu cầu Công ty phải đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của cư dân - từng là công nhân lao động thuộc đơn vị nhưng đến nay việc khoá cổng vẫn diễn ra, gây tâm lý hoang mang, bức xúc.
Thậm chí, UBND phường có văn bản chỉ đạo số 314/TB - UBND ngày 27/6/2022 đề nghị Công ty thực hiện các kết luận thanh tra thì vẫn phải đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cho các hộ dân tại đây. Nhưng các hành động của Công ty lại khác hẳn so với văn bản chỉ đạo của chính quyền.
Có những thời điểm, người dân muốn đi làm kịp giờ chỉ có một cách duy nhất là trèo qua cổng, bởi đợi bảo vệ mở cửa thì sẽ muộn làm. Mép cổng có hàng rào dây thép gai, muốn qua được phải lách và men theo chắn song cổng để trượt xuống đất. Đôi khi muốn dậy sớm đi mua thức ăn người dân cũng phải trèo cổng hoặc nhờ người bên ngoài mua và đưa qua khe cổng. Hiện tại, những khe cổng ấy cũng đã bị quây tôn bịt kín.
“Có những hôm con đi học thêm về phải đợi hàng tiếng đồng hồ mới được mở cổng để vào nhà”, chị Nguyễn Thị Hằng, cư dân khu tập thể cho biết.
Vợ chồng chị Hằng bên mâm cơm đạm bạc - Ảnh: MINH ANH
Chị Hằng hiện đang bị ung thư, mất khả năng lao động, thường xuyên phải đến bệnh viện điều trị nhưng việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn bởi nội quy ra vào từ phía Công ty. Do không được đưa phương tiện vào khu tập thể nên mỗi lần truyền hóa chất về, chị Hằng dù kiệt sức, đau đớn vẫn cố chậm rãi lê bước vào căn nhà của mình. Chưa kể việc phải chờ đợi bảo vệ ra mở cổng, có những hôm chị lả đi vì mệt mỏi.
Chị chia sẻ: "Mỗi lần đi điều trị là một lần lo lắng. Lo vì đến khi về, không biết sẽ vào nhà thế nào".
Đường điện thường xuyên gặp sự cố khiến cư dân sinh hoạt khó khăn - Ảnh: NVCC
“Trẻ con thì lo lắng, sợ hãi, bị ảnh hưởng đến việc học hành. Bố mẹ, con cái mỗi người một nơi, người cố thủ trong này, người phải đi ở nhờ. Bản thân là trụ cột chính nhưng tôi đã phải nghỉ việc hơn một tháng nay, không thể đi làm, vì bây giờ ra ngoài là chúng tôi mất nhà”, anh Phạm Văn Chiến than phiền.
Trao đổi với PV Tạp chí Lao động và Công đoàn, ông Trần Văn Hảo – Phó tổng giám đốc Công ty CP Cơ khí xây dựng giao thông Thăng Long cho biết, sở dĩ Công ty “kín cổng cao tường”, kiểm soát giờ giấc đi lại của người dân do muốn đảm bảo tình hình an ninh trật tự, tránh xảy ra mất cắp tài sản… Ông nói thêm, phía Công ty luôn sẵn sàng mở cửa, tạo điều kiện tối đa bất cứ khi nào người dân có yêu cầu.
Nhưng, trên thực tế, bằng cách nào đó các đối tượng lạ nhiều lần vào khu tập thể chửi bới, lăng mạ và có hành động đe doạ người dân, phá hoại tài sản. Điển hình là ngày 21/7/2022, nhiều đối tượng đến xô đẩy, chửi bới cư dân bằng những lời lẽ thô tục. Họ còn dùng máy xúc cày nát đường đi, phá hỏng đường cống thoát nước thải, bể phốt và hố ga của các gia đình, khiến nước thải bị dồn ứ, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống cư dân.
Chưa hết, theo phản ánh của người dân, sáng 21/9/2022, bảo vệ Công ty khoá cổng không cho các cháu học sinh đi học và người dân đi làm. “Người lớn và trẻ em đứng ở cổng đến 8h, Công an phường Thanh Trì yêu cầu lãnh đạo Công ty mở cổng cho các cháu đi học… nhưng đến chiều các cháu đi học về bảo vệ vẫn khoá cổng, các cháu đứng vạ vật ngoài đường đến 22h sau đó phải ngủ nhờ nhà người quen”, người dân phản ánh trong đơn.
Chị Đỗ Thị Bằng kể thêm: “Tôi và con trai học lớp 4 phải ngủ ở nhà hoang vì không được bảo vệ cho vào nhà. Con sợ, khóc và sốt liền mấy hôm sau đó, tâm lý hoảng loạn”. Còn chị Bùi Thị Lê Dung cho biết con mình đang học lớp 6 cũng bị nhà trường kiểm điểm 3 lần vì giờ giấc đi học không ổn định.
Việc học hành của các cháu trong khu tập thể cũng bị ảnh hưởng - Ảnh: MINH ANH
Chấp nhận bám trụ tại khu tập thể trong sức ép phải di dời là lựa chọn cực chẳng đã của người lao động. Bởi, do điều kiện kinh tế khó khăn, người lao động mong muốn mức bồi thường thoả đáng để có thể bắt đầu cuộc sống mới.
Xuất phát từ những vi phạm của lãnh đạo Công ty CP Cơ khí xây dựng giao thông Thăng Long trong quá khứ, do đó việc di dời khu tập thể là cần thiết nhằm sử dụng đất đúng mục đích theo chủ trương của UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, việc Công ty này giải quyết di dời khu tập thể 319 Vĩnh Hưng đang bộc lộ nhiều vấn đề bất ổn, tồn tại kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống cư dân, xâm phạm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Vụ việc rất cần chính quyền địa phương và cơ quan chức năng vào cuộc, giải quyết dứt điểm để ổn định tình hình trật tự xã hội trên địa bàn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Bài viết: Ý YÊN - MINH ANH Video: Nhóm Phóng viên Thiết kế: AN NHIÊN |