Chỉ trong vài tháng của năm 2021, lần lượt 10 công nhân lao động lành nghề, có thâm niên của Công ty CP Cơ khí xây dựng giao thông Thăng Long (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bất ngờ mất việc. Dù Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ – TB & XH) TP Hà Nội kết luận Công ty này đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật và yêu cầu bồi thường người lao động nhưng đến nay quyền lợi của họ vẫn đang bị xâm phạm.
Trong lá đơn tập thể gửi Tạp chí Lao động và Công đoàn, 10 công nhân lao động (thợ hàn, thợ tiện, chuyên viên…) từng làm việc từ 12 năm đến gần 30 năm tại Công ty CP Cơ khí xây dựng giao thông Thăng Long phản ánh một vấn đề nghiêm trọng liên quan trực tiếp đến quyền lợi: “Công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với chúng tôi và hơn 1 năm nay không giải quyết chế độ bồi thường…”.
Cả 10 người nói trên đều ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với Công ty CP Cơ khí xây dựng giao thông Thăng Long. Họ là những công nhân có tay nghề cao nhưng từ tháng 4 đến tháng 9/2021 lần lượt nhận thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động từ phía Công ty.
Trong các thông báo này, ngoài căn cứ liên quan đến tổ chức, hoạt động của Công ty, còn ghi nhận “căn cứ vào tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, Công ty buộc phải thu hẹp sản xuất, di dời nhà xưởng ra khỏi nội đô, do thiên tai, dịch bệnh…”.
Anh Bùi Quang Dền (SN 1979) là thợ sắt thuộc Xí nghiệp Xây dựng dân dụng – dịch vụ - thương mại nhận thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động từ tháng 4/2021. Anh cho biết: “Sau khi buộc phải nghỉ việc, hầu hết anh chị em đi làm tự do, ai thuê gì làm nấy, cuộc sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn”.
Trong 2 tháng (7-8/2021), nhóm công nhân gửi 2 đơn khiếu nại tới Công ty, nội dung không đồng ý với lý do chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 mà Công ty đưa ra. Họ cho rằng Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.
Tuy nhiên, trong các văn bản trả lời, phía Công ty đều khẳng định không trái luật, căn cứ Điều 36, Khoản C Bộ luật Lao động 2019 vì lý do thu hẹp sản xuất, kinh doanh, di dời nhà xưởng, do dịch bệnh dẫn đến không có việc làm...
Nhóm công nhân sau đó gửi đơn khiếu nại đến Thanh tra Sở LĐ - TB & XH TP Hà Nội và được thụ lý giải quyết.
Ngày 3/12/2021, bà Võ Thị Ngọc Yến, Chánh Thanh tra Sở LĐ - TB & XH TP Hà Nội ký ban hành quyết định về việc giải quyết khiếu nại, trong đó nhận định: “Các căn cứ và lý do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty ghi chung chung, không cụ thể, không ghi rõ lý do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phù hợp, đúng với tình hình thực tế của Công ty và quy định của pháp luật là do thiên tai hay do dịch bệnh, hay do di dời, thu hẹp sản xuất… để đưa ra căn cứ chứng minh hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty là đúng”.
Thanh tra Sở LĐ - TB & XH TP Hà Nội cũng chỉ rõ, dù Công ty nêu lý do gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng trên thực tế theo báo cáo của Ban Tổng giám đốc, năm 2020 lợi nhuận sau thuế của Công ty tăng 89% so với năm 2019.
“Kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty trong thời gian từ khi có dịch bệnh đến hết quý III/2021 không đủ cơ sở để khẳng định Công ty gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh”, văn bản nêu, đồng thời cho biết trong 2 năm (2020-2021), ngành nghề kinh doanh chủ yếu của Công ty là cơ khí vẫn có các hợp đồng để sản xuất kinh doanh.
Hơn nữa, trong thời gian dịch bệnh, Công ty không có thêm biện pháp khắc phục khó khăn và cũng không có có tài liệu chứng minh đã triển khai thực hiện đầy đủ các biện pháp, nhất là thời điểm trước khi buộc phải đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với các công nhân.
Dựa trên bảng chấm công, thanh toán lương năm 2020-2021, Thanh tra Sở LĐ - TB & XH TP Hà Nội nhận định thời gian có dịch bệnh, Công ty vẫn thuê thêm người lao động khác làm việc. Thậm chí, việc này còn diễn ra trong khoảng thời gian mà 10 công nhân làm đơn khiếu nại nói trên không có việc làm, không được trả lương.
Mâm cơm đạm bạc của anh Nguyễn Thanh Chương và người vợ mắc bệnh hiểm nghèo - Ảnh: MINH ANH
Thanh tra Sở LĐ - TB & XH TP Hà Nội nhấn mạnh: “Không đủ cơ sở khẳng định Công ty đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc theo quy định tại điểm c, Khoản 1, Điều 36 Bộ luật Lao động 2019. Các căn cứ được Công ty sử dụng để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nêu trong các thông báo là không có cơ sở thực tế và pháp lý”.
Cơ quan này khẳng định "khiếu nại của người lao động là đúng". Đồng thời yêu cầu Công ty CP Cơ khí xây dựng giao thông Thăng Long thực hiện bảo đảm đúng quy định tại Điều 41 Bộ luật Lao động 2019 (Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật) và quy định khác có liên quan của pháp luật lao động.
Mặc dù quyết định số 628/QĐ-TTr ngày 3/12/2021 do Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội ban hành, chỉ rõ nghĩa vụ phải thực hiện của Công ty CP Cơ khí xây dựng giao thông Thăng Long nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Đơn phản ánh của 10 người lao động gửi Tạp chí Lao động và Công đoàn cho hay: “Công ty đột ngột đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, lại không chi trả trợ cấp theo đúng quy định của pháp luật, không trả sổ bảo hiểm cho chúng tôi, đã đẩy chúng tôi vào hoàn cảnh mất việc nhưng lại không thể đi làm thủ tục để được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của Nhà nước, khiến cho cuộc sống bấp bênh, vô cùng khó khăn”.
Sau khi mất việc, chị Nguyễn Thị Hương bán rau vỉa hè - Ảnh: MINH ANH
Thậm chí, có 2 trường hợp là anh Nguyễn Hữu Tân và chị Bùi Thị Lê Dung đã phải “xuống nước” bằng cách chấp nhận mức trợ cấp mà ban đầu Công ty đưa ra song cũng bị từ chối.
Trao đổi với PV Tạp chí Lao động và Công đoàn hôm 25/10 vừa qua, ông Trần Văn Hảo, Phó tổng giám đốc Công ty CP Cơ khí xây dựng giao thông Thăng Long nói: “Tôi công nhận đúng luật là chúng tôi phải trả nhưng chúng tôi bây giờ không có tiền… Căn cứ vào tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty, tôi nói luôn nếu Công ty không làm ăn được, không có tiền lấy đâu ra trả? Nhà nước có cho chúng tôi cái tiền đấy để trả không?”
Tuy nhiên, theo chia sẻ của anh Bùi Quang Dền - đại diện nhóm công nhân, nhiều lần yêu cầu Công ty giải quyết quyền lợi nhưng không được đáp ứng, “họ bảo bao giờ chúng tôi chấp nhận lấy tiền bồi thường di dời nhà thì mới trả một cục”.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn, 10 công nhân nói trên đều là cư dân được phân nhà, nhập hộ khẩu và sinh sống ổn định trong khu tập thể 319 Vĩnh Hưng (phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội). Khu tập thể đang được Công ty tiến hành di dời, giải toả từ 2 năm nay.
Điều trùng hợp là 10 công nhân bị chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật lại thuộc nhóm cư dân không chấp nhận phương án bồi thường di dời từ phía Công ty.
"Tôi công tác tại Công ty gần 26 năm, cũng vì nhà cửa mà Công ty chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Từ ngày đó, chúng tôi cứ lang thang đi làm ngoài, thỉnh thoảng kiếm được việc thì đi làm, không thì loanh quanh ở nhà. Lắm lúc nhận được việc mà không đi làm được, phải ở nhà trông nhà, sợ họ phá nhà phá cửa", anh Nguyễn Hữu Tân, từng là công nhân Công ty CP Cơ khí xây dựng giao thông Thăng Long chia sẻ.
Vậy, khu tập thể 319 Vĩnh Hưng được mọc lên từ khi nào, và tại sao lại phải di dời?
Mời quý độc giả đón đọc kỳ 2: Xây nhà ở cao tầng trong nhà máy.
Bài viết: Ý YÊN - MINH ANH Video: Nhóm Phóng viên Thiết kế: AN NHIÊN |