Ảnh: Hải Nguyễn
|
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho công nhân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân”. Đây là chủ trương nhất quán của Đảng nhằm tạo động lực vật chất, tinh thần cho công nhân và giai cấp công nhân (GCCN) phát triển, phát huy vai trò đối với sự phát triển đất nước. |
Để phát huy vai trò, vị trí của người công nhân định hướng XHCN ở nước ta với nhiều hình thức sở hữu đã xuất hiện tình cảnh làm thuê của một bộ phận công nhân ở các mức độ khác nhau. Hiện tượng bóc lột vẫn còn tồn tại là một tất yếu trong giai đoạn này; song, để hạn chế mức độ bóc lột và dần dần xóa bỏ nó, việc chú trọng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân bằng hệ thống chính sách, luật pháp, cơ chế và những quy chế, quy định của Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội càng phải được tăng cường. Trong những năm đổi mới vừa qua, công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân đã được quan tâm đúng mức mà công đoàn là tổ chức đại diện. Nhà nước đã xây dựng, ban hành nhiều chính sách, pháp luật, quy định về việc làm, tiền lương, thu nhập, nhà ở, điều kiện làm việc, hệ thống chính sách bảo hiểm, bảo trợ thất nghiệp; các chính sách bảo đảm đời sống văn hóa, tinh thần của công nhân. Ở nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp Nhà nước, công đoàn thực sự là chỗ dựa về tinh thần của công nhân. |
Công đoàn là tổ chức đại diện trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân. Ảnh: CĐĐT Tuy nhiên, một số nội dung chính sách, pháp luật, quy định của Nhà nước còn chưa rõ ràng, không ổn định, chưa phù hợp với cơ chế thị trường và sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Khung pháp lý về quan hệ lao động, về bảo vệ quyền và lợi ích của công nhân còn nhiều bất cập, thiếu sót. Quá trình tổ chức thực hiện còn hạn chế, yếu kém, dẫn đến quyền và lợi ích của một bộ phận công nhân được hưởng chưa tương xứng với những thành tựu của công cuộc đổi mới và đóng góp của công nhân. Đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận không nhỏ công nhân còn nhiều nhất là bộ phận công nhân lao động giản đơn trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hệ quả là, một bộ phận không nhỏ công nhân có biểu hiện vị kỷ, ý thức kỷ luật, ý thức chính trị còn hạn chế. Không ít công nhân tỏ ra chán chường, bế tắc trước cuộc sống. Kết quả một khảo sát về lối sống của công nhân nước ta cho thấy, công nhân có lối sống buông thả, thực dụng chiếm 27,9%; ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân chiếm 22%; có biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống 18,7%; đua đòi, lãng phí 29,45%. Bên cạnh đó, 45,2% không sử dụng thiết bị bảo hộ lao động; 24,8% đi muộn, về sớm; 11,85% lấy đồ của công ty; 25,65% nghỉ làm không xin phép, không hoàn thành định mức công việc; 19,3% không chấp hành kỷ luật lao động3... Khắc phục tình trạng trên sẽ góp phần xây dựng GCCN hiện đại, lớn mạnh. Trước hết cần chăm lo bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân. Chỉ khi người công nhân được chăm lo đúng mức về quyền lợi vật chất, tinh thần, quyền lợi chính trị; được đặt vào trung tâm, động lực và đích đến của sự phát triển thì mới phát huy được cao nhất vai trò, vị trí của người công nhân. Khi công nhân lao động được chăm lo đúng mức về quyền lợi vật chất, tinh thần, quyền lợi chính trị thì mới phát huy được cao nhất vai trò, vị trí của họ. Ảnh: laodong.vn |
Giải pháp đẩy mạnh chăm lo, bảo vệ quyền lợi của công nhân Muốn đạt được mục tiêu trên, theo chúng tôi, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu sau: Một là, tiếp tục sửa đổi, bổ sung nội dung chính sách, pháp luật, cơ chế, quy định liên quan đến quyền và lợi ích của công nhân Đây là giải pháp mang tính then chốt nhằm mục tiêu chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân tương xứng với mức độ lao động, cống hiến của họ. Vì thế, phải tiến hành sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Luật Doanh nghiệp, Luật Công đoàn, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật Bảo hiểm… Ban hành bổ sung những quy định pháp lý liên quan đến quyền và lợi ích của công nhân. Nội dung sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, cơ chế, quy định phải giải quyết được những nhu cầu thiết yếu, bức xúc và cơ bản, lâu dài cho công nhân. Như cải cách chính sách tiền lương; chú trọng nâng cao phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, tiếp tục bảo đảm những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của công nhân về nhà ở, đi lại, giáo dục, y tế, việc làm bền vững. Nhà nước phải xác lập các nguyên tắc sử dụng và quản lý lao động, . Đổi mới chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tăng cường đào tạo và đào tạo lại cho công nhân để tham gia hiệu quả vào thị trường lao động. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung chính sách, pháp luật khẳng định vị thế, vai trò của GCCN và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là tổ chức Công đoàn. Sửa đổi, hoàn thiện chính sách, cơ chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn và bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở; một số điều luật về đình công của công nhân sao cho hợp lý, tập hợp được sức mạnh tập thể trong đấu tranh, bảo vệ quyền và lợi ích cho họ. Giải quyết từng bước, hiệu quả những nhu cầu thiết yếu về nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, chế độ chăm sóc sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của công nhân. Đẩy mạnh chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho công nhân như nhà ở, đi lại, giáo dục, y tế, việc làm bền vững... là một trong những nhiệm vụ cần giải quyết. Ảnh: congthuong.vn Hai là, phát huy vai trò của công đoàn Chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của công nhân là chức năng chủ yếu của tổ chức Công đoàn. Trong điều kiện hiện nay, công đoàn phải hướng về cơ sở, lấy giải quyết lợi ích ở cơ sở doanh nghiệp làm mục đích hoạt động chủ yếu. Công đoàn phải phối hợp với các cơ quan chức năng chăm lo lợi ích và đấu tranh bảo vệ quyền làm chủ của công nhân. Phải đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn phù hợp với cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân và yêu cầu hội nhập quốc tế. Tập trung làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, tập thể công nhân. Định hướng, quản lý tốt sự ra đời, hoạt động của các tổ chức đại diện khác của người lao động tại doanh nghiệp ngoài tổ chức Công đoàn hiện nay. Ba là, phát huy vai trò, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp và công nhân Trên cơ sở thượng tôn luật pháp, chính sách, cơ chế, quy định của Nhà nước, hoạt động của chủ doanh nghiệp phải hướng đến xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Tổng LĐLĐ Việt Nam và các bộ, ngành liên quan phối hợp đồng bộ xây dựng chương trình, kế hoạch và thực hiện có hiệu quả mục tiêu này. Bên cạnh đó, bản thân người công nhân phải tích cực, tự giác lao động có năng suất, chất lượng, hiệu quả mới có thể tự chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động chính trị - xã hội ở doanh nghiệp, nơi cư trú. Tính tích cực, tự giác trong tự chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của công nhân phải được bảo đảm bằng những tác động đồng bộ của thể chế, cơ chế, thiết chế chính trị - xã hội, thông qua giáo dục và đào tạo, tuyên truyền và tổ chức thực hiện nhằm định hướng nghề nghiệp, bảo vệ và tôn vinh những giá trị của GCCN. Hoạt động của chủ doanh nghiệp phải hướng đến xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Ảnh: TTXVN Bốn là, phát huy vai trò của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong tổ chức thực hiện Chính quyền địa phương các cấp phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo đề ra những quyết sách cụ thể phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương mình, nhằm thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp; đồng thời bảo đảm việc làm, tiền lương, thu nhập và các lợi ích vật chất, tinh thần khác của công nhân; bảo vệ quyền làm chủ của công nhân. Các cơ quan chức năng phải đề cao trách nhiệm trong xây dựng môi trường văn hóa, nếp sống văn minh công nghiệp, văn minh đô thị, nhất là tại các khu công nghiệp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, quy định của chủ doanh nghiệp, cũng như trách nhiệm của các chủ thể khác trong chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của công nhân. Tóm lại, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân trong điều kiện hiện nay là một nhiệm vụ chính trị, tạo động lực vật chất, tinh thần xây dựng GCCN hiện đại, lớn mạnh, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới. Đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, GCCN và toàn xã hội. Tài liệu tham khảo: [1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, HN, 2021, tr 166. Chú thích: 1 Chủ nhiệm khoa, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng. 2 Học viên cao học, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng. 3 Nguyễn Mạnh Thắng, “Lối sống của công nhân ở khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay”, Tạp chí Lý luận Chính trị, số 7/2015. |
Bài viết: Đại tá, PGS. TS. Lê Xuân Thủy1 - Trung tá Lê Văn Cường2
|