Phóng viên Cuộc sống an toàn làm việc với đại diện Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội (đơn vị quản lý, vận hành tòa nhà CT1A) về tình trạng thang máy hỏng và hết hạn kiểm định. Ảnh: Ý Yên
|
Mệt nhoài sau giờ làm việc, hàng trăm công nhân thuê nhà tại tòa CT1A (Khu nhà ở công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) ngao ngán khi trở về nhà. Nhiều người ở tầng 15 hằng ngày phải đi bộ, vác bao gạo nặng, dắt theo con nhỏ... vì thang máy ngừng hoạt động gần một tháng nay. Để giải quyết nhu cầu nhà ở công nhân, giúp họ yên tâm làm việc, TP Hà Nội đầu tư Dự án thí điểm xây dựng Khu nhà ở công nhân tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh). Khu nhà ở được đưa vào sử dụng từ năm 2007, đến năm 2013 thì bàn giao 2 tòa nhà cuối cùng. Tuy nhiên, sau một thời gian vận hành chưa dài, khu nhà ở này có nhiều hệ thống, trang thiết bị xuống cấp, trong đó có thang máy. Như chúng tôi đã thông tin ở loạt bài trước về tình trạng mất an toàn thang máy ở Khu nhà ở công nhân này: 5 chiếc thang máy thuộc các tòa nhà CT1A, CT2, CT3... hư hỏng. Trong đó, các hạng mục như bo điều khiển chính, switch giảm tốc, bo nguồn telecom cứu hộ trên đầu cabin… hỏng hóc dẫn đến sự cố và bị hẫng tầng (thang máy di chuyển không đúng tầng) khiến cư dân… phát hoảng. Anh Đặng Xuân N. (công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, sống tại tầng 15, tòa nhà CT1A) mệt mỏi vác bao gạo 15kg, con gái anh xách cặp, theo bố leo cầu thang bộ. Ảnh: Văn Nguyễn |
Tại tòa CT1A, vào hồi 7h46 phút ngày 17/1/2022, cán bộ quản lý tòa nhà đã thông báo tới các cư dân: Trong thời gian đợi cấp trên phê duyệt kế hoạch kiểm định thang máy năm 2022 và để đảm bảo an toàn trong công tác vận hành cho cư dân, từ 9h00' ngày 17/1, Xí nghiệp sẽ tiến hành tạm dừng 02 thang máy. Xí nghiệp thông báo để cư dân tòa nhà nắm được, chủ động bố trí việc đi lại. Việc 2 thang máy dừng hoạt động đã khiến cuộc sống sinh hoạt của cư dân đảo lộn. Anh Nguyễn Mạnh Tiềm (thuê căn hộ số 1507) ngao ngán kể: “Mỗi ngày, tôi đi làm ca đêm 12 tiếng đồng hồ. Trong đó có tới 9 tiếng đồng hồ tôi phải đi lại, đứng liên tục. Thêm gần 1 tiếng đồng hồ di chuyển, lên xuống cầu thang bộ nữa, mệt muốn đứt hơi. Đến gạo cũng phải mua lẻ từng cân một. Hôm nay, con tôi đã bắt đầu đi học trở lại. Đi đến nửa tầng 8, cháu đã kêu mỏi chân và đòi bố bế”. |
|
Chị Trang (cư dân sống tại tầng 10 của tòa nhà CT1A) cho biết, do tính chất công việc, chị thường về muộn vào khoảng thời gian 11 – 12 giờ đêm. Giữa đêm khuya vắng vẻ, không hiểu vì sao đèn cầu thang bộ tắt. Một mình leo cầu thang bộ đến tầng 10 trong bóng tối, chị thật sự sợ hãi. Hôm nay, con chị đã đi học trở lại. Bé lớp 1 được mẹ xách cặp giúp. Bé lớp 7 phải tự mang ba lô nặng, leo cầu thang bộ khi bụng đói. "Đón con về nhà mà thương. Nếu tiếp diễn tình trạng này, thật sự là bất tiện" - chị Trang phàn nàn. Hình ảnh quen thuộc ở cầu thang bộ tòa nhà CT1A gần 1 tháng nay. Ảnh: Văn Nguyễn |
Các công nhân thuê nhà ở đây phản ánh, Xí nghiệp vẫn chưa cho biết khi nào thang máy hoạt động trở lại vì phải chờ Sở Xây dựng Hà Nội phê duyệt kế hoạch sửa chữa, thay thế, kiểm định lại. "Cán bộ quản lý tòa nhà trả lời chúng tôi rằng đã trao đổi với Phòng Kế hoạch kỹ thuật (Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội) - đơn vị quản lý trực tiếp khu nhà ở này. Cụ thể, đơn vị quản lý cho biết, vấn đề chủ yếu là do linh kiện và vật tư của thang máy chập chờn, không ổn định nên bên kiểm định không dám tiến hành kiểm định. Muốn có kết quả kiểm định thang máy thì phải sửa chữa và thay thế linh kiện với chi phí rất lớn (ước tính tiền trăm triệu). Ngoài ra còn có chi phí kiểm định thang máy 3 triệu đồng/tháng. Tôi nghĩ Xí nghiệp và công ty cho ngừng 2 thang máy này cùng lúc để bảo dưỡng, bảo trì trong thời gian ngắn nhằm đảm bảo an toàn cho cư dân đi lại trong dịp Tết. Nhưng đến nay đã gần tháng trời mà tình trạng vẫn tiếp diễn không có động thái gì. Dịp trước và sau Tết, công nhân đã quá khổ vì việc đi lại, mua sắm Tết… đến nay học sinh các cấp quay lại trường học, các cháu làm sao có thể leo lên tầng 15 thang bộ?" - anh Nguyễn Văn Thăng (công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long), một cư dân sống tại đây cho biết. “Xí nghiệp phải cho tất cả các hộ ở đây biết ngày giờ cụ thể có thang máy. Chứ 1, 2 tháng rồi nửa năm không có thang máy, cả tòa nhà phải chịu đựng à? Đi làm về 12 tiếng mệt rụng rời. Sau Tết, nhà ai cũng mang đồ từ quê lên. Không có thang máy, lại có con nhỏ, vợ chồng thay nhau gánh đồ đạc lên tầng cao. Có người, vợ còn chuẩn bị sinh em bé nữa" - chị Mùi cho biết. |
|
Công nhân gồng gánh, vừa đi vừa thở để vượt qua thử thách leo cầu thang bộ. Ảnh: Văn Nguyễn |
Chưa hết khổ vì thang máy ngừng hoạt động, công nhân thuê nhà tại đây còn phản ánh, trời mưa rét mướt, cha mẹ vẫn phải dắt díu con nhỏ đi bộ hàng chục tầng cầu thang bộ, đi thêm 300m nữa mới tới nơi để xe bên ngoài tòa nhà vì hầm để xe… không hoạt động. Khu nhà ở công nhân Kim Chung hiện có 5 chiếc thang máy đã hết hạn kiểm định, cùng với đó là hàng loạt các thiết bị hư hỏng của hệ thống thang máy hiện chưa được thay thế. Lãnh đạo Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội giải thích: "Do quy trình, thủ tục quản lý, vận hành nhà ở công nhân phức tạp nên đơn vị đang rất khó khắc phục, chờ phê duyệt và cấp kinh phí tốn nhiều thời gian". Thang máy tại 4 tòa nhà 15 tầng (bao gồm tòa CT1A) thuộc Khu nhà ở công nhân Kim Chung được lắp đặt từ năm 2012. Đơn vị trực tiếp lắp đặt và bảo trì là Công ty CP Thang máy TID. Mỗi tòa nhà có 2 thang máy, trong đó tải trọng của 2 thang lần lượt là 1.350 kg và 1.150 kg. Công ty CP Thang máy TID hiện đã phá sản. Từ năm 2018 đến nay, đơn vị bảo trì là Công ty CP Thiết bị thang máy FUJI-VINA. Trước đó, trao đổi với phóng viên Cuộc sống an toàn, bà Lê Thị Minh Hường - Quyền Giám đốc Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội cho biết, hằng năm đơn vị vẫn thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng thang máy và đều có đề xuất thay thế thiết bị đã hỏng nhưng các thiết bị của thang máy này không dễ mua và phải đặt ở nước ngoài rất lâu, vì vậy xí nghiệp chưa kịp khắc phục, thay thế. |
Bài viết: HÀ VY - SỸ CÔNG |