Bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động theo định hướng Đại hội XIII của Đảng
Đời sống - 26/04/2024 18:08 TS ĐINH NGỌC RUẪN, HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ KHU VỰC I
Có được yêu cầu người lao động làm việc vào ngày 30/4 - 1/5 không? |
Chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về bảo đảm an sinh xã hội
Tính tới thời điểm Đại hội XIII của Đảng (2021), đất nước đã trải qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới. Công cuộc đổi mới đã dẫn tới những bước phát triển mạnh mẽ và toàn diện so với giai đoạn trước đó. Đánh giá tổng quát về vấn đề này, Văn kiện Đại hội XIII khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Trên cơ sở đó, nhằm đạt được những mục tiêu đề ra: “Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, Đảng xác định: bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế.
Cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ - bền vững. Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu và các dịch vụ cơ bản. Nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, triển khai có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2020 - 2030, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, miền, dân tộc.
Anh Phạm Văn Thới (phải), nhân viên Công ty Môi trường đô thị Cà Mau, đến làm thủ tục lĩnh tiền bảo hiểm thất nghiệp tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ BHXH ở Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau. Ảnh: Minh Hưng. |
Phương hướng, nhiệm vụ của Đại hội XIII về vấn đề an sinh xã hội tiếp tục được phát triển và hoàn thiện thông qua các kỳ Hội nghị, trong đó, đáng chú ý tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII (tháng 10/2023), với bước phát triển trong nhận thức từ hỗ trợ nhân đạo sang đảm bảo quyền an sinh của công dân, như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là phát triển xã hội từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội.
Triển khai chủ trương và định hướng của Đảng, Nhà nước sẽ thông qua các chính sách can thiệp như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, cứu trợ xã hội, trợ giúp và ưu đãi xã hội làm công cụ để thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình tổ chức thực hiện, bên cạnh vai trò chủ đạo của Nhà nước còn có sự đồng hành của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và ý chí tự lực, tự cường của người dân, nỗ lực vươn lên làm chủ vận mệnh bản thân trong quá trình thực hiện chính sách.
Chính sách xã hội, trong đó nòng cốt là chính sách an sinh xã hội được thiết kế theo hướng ngày càng đảm bảo tính toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới sự công bằng và đảm bảo quyền an sinh của công dân, bao gồm bốn trụ cột: phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro và bảo đảm các dịch vụ xã hội cơ bản.
Một số kết quả đạt được trong triển khai thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội ở Việt Nam theo định hướng Đại hội XIII
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong bối cảnh khó khăn, do chịu tác động từ nhiều nhân tố, đặc biệt là đại dịch Covid-19, những biến động phức tạp của tình hình thế giới với xung đột vũ trang bùng phát ở nhiều khu vực, kể cả tại trung tâm châu Âu, trong những năm qua, công tác bảo đảm an sinh xã hội ở nước ta đã đạt kết quả tích cực.
Cụ thể: dưới góc độ thể chế, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, ngay từ trước Đại hội XIII, trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, nhiều văn bản luật hóa liên quan đến bảo đảm an sinh xã hội của công dân được thông qua như: Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã được Quốc hội thông qua.
Từ Đại hội XIII đến nay, Quốc hội và Chính phủ đã thông qua, phê duyệt 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021- 2025 về: giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Bên cạnh đó, Chính phủ còn ban hành một số quyết định: Quyết định số 1942/QĐ-TTg ngày 18/11/2021 phê duyệt Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 quy định rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025...
Những văn bản trên tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện công tác xã hội nói chung, công tác an sinh xã hội nói riêng theo hướng gắn chặt phát triển kinh tế với đảm bảo công bằng xã hội. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP của cả nước năm 2023 tăng 5,05% so với năm trước, đưa quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD.
Đây là tiền đề quan trọng để nước ta triển khai chính sách bảo đảm an sinh xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội trong bối cảnh mới, bảo hiểm xã hội là một trụ cột quan trọng, được cải cách theo hướng đa tầng dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ - bền vững, tiến tới bao phủ toàn dân.
Thực hiện cải cách bảo hiểm xã hội, thời gian qua, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện về cơ bản có xu hướng tăng đều hằng năm, đạt 36% tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tính đến cuối năm 2021 và 38% tính tới thời điểm 31/12/2022. Năm 2023, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 39% - 40%.
Hạnh phúc đám cưới tập thể của các cặp đôi công nhân trong chương trình “Lễ cưới tập thể” năm 2023 do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Công nhân TP Hồ Chí Minh thực hiện. Ảnh: Tư liệu. |
Theo định hướng xã hội chủ nghĩa và chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực sự đã tạo sự gắn kết, sẻ chia khó khăn cho người tham gia, đồng thời còn góp phần tích cực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và người lao động khi gặp phải những khó khăn về tài chính, mất việc làm hoặc trong giải quyết chế độ, chính sách.
Nhà nước chú trọng đầu tư cho lĩnh vực y tế trên nhiều phương diện, từ xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng trạm y tế, bệnh viện và cán bộ y tế đến nâng cao chất lượng chăm sóc y tế với nhiều cải tiến trong tiếp cận các dịch vụ, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm y tế. Tính đến ngày 30/6/2022, cả nước đã hỗ trợ cho 35.873.422 người lao động, người dân, 394.445 đơn vị sử dụng lao động và 508.391 hộ kinh doanh với tổng số tiền 45.662.502 tỷ đồng.
Năm 2023, 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời, không người dân nào bị đói, trên 90% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, được chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời; trên 90% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời.
Trong những năm gần đây, mỗi năm đã có bình quân hơn 2 triệu lượt người nghèo và đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều quốc gia là 4,3% và tiếp tục giảm xuống còn 2,7 % trong năm 2023. Kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên bố trí từ ngân sách trung ương năm 2023 là trên 20.000 tỷ đồng.
Bác sĩ hướng dẫn chăm sóc trẻ sơ sinh tại nhà cho đồng bào dân tộc ở xã Hố Quáng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Ảnh: TTXVN. |
Một số vấn đề đặt ra và định hướng giải pháp trong thực hiện công tác bảo đảm an sinh xã hội thời gian tới
Những kết quả trên đây đã góp phần khẳng định chủ trương của Đảng tại Đại hội XIII đang được triển khai tương đối hiệu quả trong thực tiễn. Tuy nhiên, việc bảo đảm chính sách an sinh xã hội của chúng ta vẫn còn tồn tại một số vấn đề. Đó là khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng; khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền vẫn còn lớn; kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo vẫn hiện hữu; phạm vi bao phủ của bảo hiểm xã hội còn thấp so với tiềm năng.
Bởi lẽ, có đến 20,8% lao động làm công hưởng lương có ký hợp đồng lao động trong khu vực chính thức không được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và có tới 97,8% lao động phi chính thức không tham gia vào bất kỳ một loại hình bảo hiểm nào, 35,5% trong số họ là lao động làm công hưởng lương. Tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội diễn ra khá phổ biến. Nhà ở cho người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, các đô thị, lao động di cư, người có thu nhập thấp chưa được bảo đảm.
Để thực hiện tốt hơn nữa chính sách bảo đảm an sinh xã hội theo định hướng Đại hội XIII và mục tiêu phấn đấu cụ thể như: phấn đấu mở rộng diện bao phủ tham gia bảo hiểm xã hội đến năm 2025 khoảng 45% người lao động tham gia, năm 2030 đạt 60%; bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân; đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia tiên phong về an sinh xã hội và việc làm thỏa đáng; xóa nhà tạm, nhà dột cho người dân, đặc biệt ở vùng nghèo, vùng khó khăn với mục tiêu không còn nhà tạm, cùng với đó sẽ xây dựng 1 triệu căn hộ giá rẻ cho công nhân, trong thời gian tới cần bám sát các quan điểm sau: Thực hiện chính sách xã hội nói chung, trong đó có chính sách an sinh xã hội phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý chặt chẽ, hiệu quả của Nhà nước, sự giám sát thường xuyên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.
Hướng tới hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia tiên phong về an sinh xã hội và việc làm thỏa đáng như đã đề cập ở trên, chúng ta cần tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục từ phổ thông đến đại học và giáo dục nghề nghiệp, tăng cường xã hội hóa giáo dục, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp trong đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, gắn với quá trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Khơi dậy và phát huy khát vọng phát triển đất nước, ý chí tự lực, tự cường của nhân dân trong bảo đảm các vấn đề an sinh xã hội. Đặc biệt, bảo đảm và phân bổ nguồn lực hợp lý cho ba chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội thông qua và đang triển khai thực hiện, trong đó cần tập trung vào các trọng tâm như: giảm nghèo bền vững, các chương trình nhà ở xã hội, bảo đảm đủ nhà ở theo tiêu chuẩn tối thiểu cho người dân.
Trong bối cảnh kinh tế số cần thực hiện chuyển đổi số một cách mạnh mẽ, toàn diện trong hệ thống an sinh xã hội, nhất là trong các quy trình nghiệp vụ an sinh xã hội theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
2. Bùi Sỹ Lợi (2023), “Bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong xây dựng và thực hiện chính sách xã hội ở Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản, Số 1.021.
3. Nguyễn Xuân Thắng (2023), “Tín dụng chính sách xã hội với việc thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội ở Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản, Số 1.022.
4. Hoàng Bá Thịnh (2023), “Một số vấn đề giới trong chính sách bảo đảm an sinh xã hội ở Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản, Số 1.019.
Những lưu ý quan trọng cho người lao động khi quyết định mua nhà ở xã hội Trước khi quyết định mua nhà ở xã hội (NƠXH), người lao động cần biết rằng người mua NƠXH không được phép thế chấp (trừ ... |
Chi tiết những quyền lợi về lao động và bảo hiểm xã hội của lao động nữ Lao động nữ khi tham gia quan hệ lao động có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người lao động, đồng thời, được ... |
Góp ý về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội để tăng quyền lợi cho lao động nữ Những ý kiến của công đoàn nhằm đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội phù ... |
Tin cùng chuyên mục
Đời sống - 26/09/2024 07:44
Từ đầu năm đến nay, Công đoàn và Công ty HBI Huế ở Khu công nghiệp Phú Bài (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và những buổi chia sẻ cân bằng cuộc sống nhằm tạo môi trường làm việc năng động, gắn kết đoàn viên và người lao động trong công ty.
Đời sống - 25/09/2024 16:46
Dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và hưởng các phụ cấp khác, giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm.
Đời sống - 25/09/2024 12:45
Hôm qua (25/9), các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt đưa tin về cuộc chia tay giữa lực lượng làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả bão số 3 với cấp ủy, chính quyền, nhân dân làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) đã cho thấy giá trị cao đẹp của tình quân dân cá nước và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thời bình.
Người lao động - 24/09/2024 12:56
Thời gian gần đây, giá vàng nhẫn liên tục lập đỉnh, lần đầu vượt mốc 81 triệu đồng/lượng. Với mức tăng này, liệu mức thu nhập của công nhân, người lao động có đủ khả năng để mua?
Người lao động - 23/09/2024 20:57
Ít nhất 2 ngôi làng với 211 nhân khẩu ở hai huyện Nam Trà My, Nam Giang, tỉnh Quảng Nam phải di dời khẩn cấp khỏi vùng sạt lở. Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo xử lý tình trạng sạt lở, sớm ổn định đời sống người dân.
Đời sống - 23/09/2024 15:57
Đồng bào ở trong và ngoài nước đang hướng về Làng Nủ, sẻ chia mất mát với những người còn sống...