Bài chòi ngày Tết
Kinh tế - Xã hội - 28/01/2023 14:50 TRẦN ĐĂNG
Tôi còn nhớ câu ca dao bà tôi vẫn thường hay hát mỗi dịp cận Tết: “Ba mươi mùng một dựng nêu/ Ông trùm đánh mõ miệng kêu bớ làng”. Ông trùm - người cao tuổi và có uy tín trong làng gõ mõ cho dân trong làng biết là một năm mới bắt đầu. Cây nêu được dựng lên ngày đầu năm cho đến mùng 7 tháng Giêng thì hạ xuống. Đây cũng là thời gian các hội bài chòi phô diễn ở các sân đình.
Các bô lão ở làng, khăn đóng áo dài, tiến hành các nghi lễ mở đầu cho một năm mới. Kết thúc nghi lễ cũng là lúc những tiếng trống khai hội vang lên. Anh Hiệu xướng câu mở màn: “Tối hôm qua tui đi ra gò/ Thấy anh thương chị bốn cái giò tréo ngoe/ Bà con cô bác lắng nghe/ Hội bài chòi đã mở câu hò vè vang lên”.
Anh Hiệu (bìa phải) trong hội bài chòi. Ảnh: Trần Đăng. |
M.C ở các sân đình
Ở vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi có câu ca dao rất ám ảnh: “Rủ nhau đi đánh bài chòi/ Để cho con khóc đến lòi rún ra”. Còn ở Bình Định thì: “Tết về nhàn rỗi phải chơi/Bài chòi mộ điệu nơi nơi chào mừng/Kẻ kêu người hú tưng bừng/Nghe tiếng trống giục tay bồng con thơ/Mặc cho đụng bụi đụng bờ/Để coi năm mới anh Hiệu hô câu gì”.
Điều khiến người mẹ trẻ kia quên cả con nhỏ để nó khóc đến “lòi rún ra” như thế, còn bà mẹ trẻ nọ thì hễ nghe tiếng trống giục là bế bồng con thơ, ba chân bốn cẳng chạy cho kịp giờ khai hội như thế, hẳn không phải là vì mê cờ bạc mà là muốn được đắm mình vào cái không khí của hội bài chòi, nói trắng ra là mê… anh Hiệu hát và diễn trò. “Để coi năm mới anh Hiệu hô câu gì”. Anh Hiệu trong hội bài chòi cũng na ná như các M.C bây giờ. Cuộc vui có xôm tụ hay không, phần lớn phụ thuộc vào anh M.C ở các sân đình này.
Ngày xưa ở các làng quê, sau buổi làm đồng về, những đêm trăng thanh gió mát, nam thanh nữ tú chẳng biết làm gì ngoài việc đi… hát, dĩ nhiên là không phải hát karaoke như bây giờ. Trong đám hát hố, hát đối đáp ấy, thế nào cũng xuất hiện một “nhân tài”. Anh hoặc chị này có tài ứng tác rất nhanh, phù hợp với hoàn cảnh của “đối phương”. Những cá nhân xuất sắc trong các cuộc hát đối đáp như vậy chính là những anh (chị) Hiệu tiềm tàng trong các hội bài chòi.
Tài lẻ của anh Hiệu
Xuất khẩu thành thơ là một trong những tài lẻ của anh Hiệu trong hội bài chòi, cũng là điều làm nên tính hấp dẫn của cuộc chơi. Anh tán dóc hàng trăm câu, nói liên hồi kỳ trận hàng giờ nhưng nếu những câu ấy không thành vần, thành điệu thì sức nặng của cuộc chơi sẽ giảm rất nhiều. Còn nếu tất cả những câu anh “diễn” trong hội ấy mà thành vần, theo thể thơ lục bát hoặc lục bát biến thể, thậm chí thơ 5 chữ thì cuộc vui sẽ bất tận. Người chơi sẽ “thưởng” cho anh Hiệu những tràng pháo tay không dứt. Điều này không phải ai cũng có thể làm được, kể cả những nhà thơ tài danh cũng chịu.
Anh Hiệu mời rượu người thắng cuộc trong hội bài chòi. Ảnh: Trần Đăng. |
Anh Hiệu vừa hoạt ngôn, vừa nhuần nhuyễn các thể loại thơ ca, lại vừa phải biết “cập nhật thời sự”, đặc biệt là những chuyện vừa xảy ra ở làng mình, những câu chuyện còn “nóng hôi hổi vừa thổi vừa nghe”. Anh ta dẫn dắt câu chuyện để dẫn đến tên con bài vừa rút trúng bằng những câu có vần mộc mạc nhưng ở đó ẩn chứa bao nhiêu lẽ đời, bao nhiêu bài học về đạo đức làm người. Bởi vậy, những câu mà anh Hiệu trình diễn trong hội không chỉ là những câu nói thông thường để mua vui chốc lát mà những câu như thế khiến người nghe phải ngẫm ngợi. Tính hấp dẫn, mê dụ từ anh Hiệu trong hội bài chòi chính là chỗ này.
Sự uyển chuyển của những câu thai
Câu thai là câu được xướng lên trong hội bài chòi để chỉ tên một con bài. Nếu như hội bài chòi buổi sơ khai, anh Hiệu bốc con bài nào thì chỉ hô tên của nó mà thôi. Thí dụ con tứ cẳng thì anh chỉ hô: “Đây là con tứ cẳng”. Ai có con tứ cẳng ở các chòi thì giơ lên. Nhưng chỉ hô mỗi cái tên con bài như thế thì sẽ đơn điệu và nhàm chán ngay. Để cuộc chơi thêm phần hồi hộp, anh Hiệu buộc phải lấy trong ca dao tục ngữ hoặc sáng tác ra các câu vè, câu thơ tương ứng với tên con bài. Chẳng hạn đây là câu thai tương ứng với con nhứt trò:
Không ngon thì cũng bánh ít lá gai
Dù anh có dại cũng trai học trò
Hoặc con bát bồng:
“Em ơi! chầu rày đã có trăng non
Để anh lên xuống có con em ẵm bồng”
Câu thai ấy không chỉ là để nói về con bát bồng - có dính đến chữ “ẵm bồng”, cái tài của anh Hiệu ở đây còn là việc “tán gái” quá dẻo nữa. Không uốn éo vòng vo, anh ta nói thẳng luôn thời điểm “trăng non” cho bên kia biết là anh ta đi đêm không sợ… ma, không sợ vấp ngã vì tối trời nữa. Và táo bạo hơn là không chỉ tán suông mà… anh ta còn tặng cho đứa con nữa đấy! Bạo miệng bạo mồm không chê vào đâu được nhưng “đàng gái” cũng rất khó trách chàng là sàm sỡ sỗ sàng. Những tràng pháo tay tán thưởng của người chơi hội bài chòi vang lên cũng nhờ những câu như thế.
Trẻ con cũng tham gia chơi bài chòi. Ảnh: Trần Đăng. |
Từ chỗ hát các câu thai ấy lên miễn sao có dính một chữ đến con bài đang có trong tay, anh Hiệu tiến thêm một bước, có vẻ nhuốm màu “tượng trưng” hơn:
“Tối qua tui đi ra gò
Thấy anh thương chị bốn cái giò tréo ngoe (con “tứ cẳng”)
Câu thai trên hoàn toàn không có chữ “cẳng” nào nhưng người chơi vẫn hiểu đó là con “tứ cẳng”, vì có “bốn cái giò tréo ngoe”. Sự uyển chuyển này cũng là một bước tiến của anh Hiệu khi dẫn dắt cuộc chơi. Nghe câu thai trên, lại phải khen cho anh Hiệu lần nữa. Tả cảnh sex mà rất gợi, rất hình ảnh như anh ấy, các nhà văn cũng chào thua!
Bài chòi đã được vinh danh là di sản phi vật thể của nhân loại, nhờ nó cắm rễ vào đời sống của người dân dù bài chòi ngày nay đã có những cải tiến chứ không còn nguyên bản như buổi sơ khai. Chẳng hạn như bài chòi đã có kịch bản, người diễn dưới ánh đèn sân khấu, có nội dung cốt truyện hẳn hoi. Anh Hiệu cũng lẫn vào đám đông diễn viên chứ không còn “đi chân đất” trong các sân đình một thuở nữa
Tuy nhiên, nhắc đến hội bài chòi, người dân quê vẫn cứ thích anh Hiệu chân đất. Anh đã bước vào đời sống buồn vui của họ từ bao đời nay mà không phải … phủi chân cho khỏi lấm đất!
Thói phô trương ngày Tết Tết là dịp mọi người đoàn tụ. Đây cũng là thời điểm, nhiều người đã rất cố gắng “gồng” để chứng minh bản thân sau ... |
Xưa trò chơi dân gian đón Tết, nay đón Nguyên đán với game 4.0 Việc chúc Tết, chơi trò chơi dân gian mỗi dịp xuân về không chỉ mang đến niềm vui, sự may mắn mà còn là nét ... |
Công việc thời vụ kiếm tiền triệu/ngày cận Tết Cận Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng lên. Kéo theo đó, nhiều công việc thời vụ nở rộ, ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 14/09/2024 13:45
Hai tay đua và hai thành viên hỗ trợ thuộc Hai Phong Motorsports Club đã xuyên Việt ba ngày từ Hải Phòng vào tới Đại Nam để tham dự Giải đua Ô tô Gymkhana Vô địch Miền Nam PVOIL Cup 2024.
Kinh tế - Xã hội - 14/09/2024 13:10
Đặng Công Minh (sinh năm 1989), đến từ Bình Phước, thi hạng FWD cùng chiếc xe Toyota Altis 1.8 MT tại Giải đua Ô tô Gymkhana Vô địch Miền Nam PVOIL Cup 2024.
Kinh tế - Xã hội - 14/09/2024 12:06
Mitsubishi Xfroce tiếp tục là mẫu xe bán chạy nhất tháng lần thứ hai liên tiếp, xếp ở vị trí thứ hai và ba lần lượt là Ford Ranger và Mazda CX-5.
Kinh tế - Xã hội - 14/09/2024 11:00
Giải đua Ô tô Gymkhana Vô địch Miền nam PVOIL Cup 2024 sẽ tìm ra các vận động viên tham dự thi đấu tại giải vô địch quốc gia.
Kinh tế - Xã hội - 13/09/2024 18:46
Các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng cử nhân lực và vận động thành công nhiều hàng hóa và tiền; người lao động ủng hộ 1 ngày công hỗ trợ các tỉnh, thành miền Bắc khắc phục hậu quả thiên tai.
Kinh tế - Xã hội - 13/09/2024 13:12
Tay đua trẻ nhất tại Giải đua Ô tô Gymkhana Vô địch Miền Nam PVOIL Cup 2024 sẽ mang Toyota Corolla Altis 2005 tới trường đua Đại Nam (Bình Dương) thi đấu trong ngày 14/9 tới.