Bài 4: Chỉ cần chút nghĩa đồng bào thôi đã… gần đủ! Bài 4: Chỉ cần chút nghĩa đồng bào thôi đã… gần đủ!

Quản lý, điều trị, cứu mạng sống cho những bệnh nhân tâm thần, đặc biệt là những người “điên” nặng mất kiểm soát là món nợ ân tình chúng ta phải trả cho đồng bào của mình không may mắc bệnh. Và đó cũng là bài toán thông minh nhất để chúng ta bảo vệ cuộc sống bình yên và nhân ái cho chính mình.

Bài 4: Chỉ cần chút nghĩa đồng bào thôi đã… gần đủ!

Ở nhiều quốc gia, họ mặc định không bao giờ có người bệnh tâm thần đi lang thang ngoài đường. Ở Đà Nẵng, thành phố “đáng sống” của chúng ta, cả thời gian dài, ai cũng biết đến câu chuyện không có người điên đi lang thang.

Không ít địa phương đã quy định, nếu có người tâm thần đi lang thang, thì công an và y tế cơ sở phải chịu trách nhiệm “mời” họ về nơi quản lý và chữa trị. Họ dùng từ gây ít nhiều tranh cãi nhưng đúng bản chất là đi “thu gom” người tâm thần.

Trước hết nói về tiền. Có lẽ chẳng gia đình khá giả nào lại không điều trị nổi cho thân nhân của mình và chấp nhận để họ lang bạt, điên loạn vô thức. Nói vậy không phải để phân biệt giàu nghèo mà để nói lên tình thương yêu cần phải có với người tâm thần và thân nhân của họ. Nhà có người tâm thần, nhất là các gia đình có nhiều người tâm thần (điều này khá phổ biến), thì đều là hộ nghèo; hoặc họ sớm trở nên khánh kiệt, khi mà lao động chính, ở tuổi mưu sinh bỗng trở thành bệnh nhân đặc biệt.

Khác với các bệnh khác, có thể điều trị dứt điểm nhanh qua phẫu thuật hay thậm chí có thể… chia tay cõi sống sau thời gian điều trị ngắn (rất đáng tiếc); còn bệnh tâm thần thường kéo rất dài. Có người bị vài chục năm, không lao động mà họ chỉ gây phiền phức, sợ hãi, thậm chí gây họa cho những người xung quanh, như các nhân vật đã kể ở 3 bài viết trước.

Khi họ lâm cảnh nghèo khó, thì rất khó tiếp cận thuốc “xịn”, hay rời địa phương xuống các cơ sở y tế lớn ở tỉnh và ở trung ương với phác đồ “tự nguyện” và hiệu quả nhất.

Bài 4: Chỉ cần chút nghĩa đồng bào thôi đã… gần đủ!Một người tâm thần được đưa vào Trung tâm Cai nghiện ma tuý tỉnh Cao Bằng (trong khu điều trị bệnh nhân tâm thần). Ảnh: Tạp chí Lao động và Công đoàn

Để đỡ phải ví dụ ở nhiều tỉnh khác nhau, chúng ta phân tích luôn ở Cao Bằng, nơi có ông Vi Long Thành và hành trình đau khổ; có anh Phan Văn Cọng gần 30 năm với chiếc xích cổ; có Đàm Văn Tài đâm tử vong một cán bộ khi đến giải quyết sự phá phách của Tài… Tỉnh miền núi địa đầu còn nhiều khó khăn này có khoảng 3.000 bệnh nhân tâm thần “có sổ”, chưa kể số đang ủ bệnh, dần phát bệnh và chưa được kiểm soát.

Đã từng xảy ra tình trạng, qua khảo sát, người ta giật mình phát hiện ra thuốc bên “bảo hiểm” cung cấp quá cổ lỗ sỹ, kém chất lượng, tác dụng phụ nhiều, uống vào bệnh nhân chỉ cứng mồm đơ lưỡi, ngủ li bì chứ hầu như không hiệu quả trong điều trị bệnh nhân tâm thần phân liệt hay thể nặng.

Trên nhiều địa bàn, nhiều trường hợp được khảo sát, bất biết cơ địa nào, mức bệnh nào, tiền sử ra sao, vẫn đồng loạt “giã” một hai loại thuốc mà chuyên gia đã khuyến cáo là không nên dùng. Một bác sỹ phụ trách vấn đề này ở Cao Bằng thở dài: Chúng tôi biết thuốc nào tốt và hiệu quả, song, nếu kê cho bà con đi mua, họ làm gì có tiền mà mua. Còn thuốc này thì… Bác sỹ ở trung ương, khi xem các đơn thuốc chúng tôi chụp mang về, cũng kêu trời!

Lý do là tỉnh còn khó khăn, ngay cả trung tâm quản lý và điều trị cho người tâm thần còn chưa có. Cán bộ phải cải tạo, cơi nới nhiều hạng mục của Trung tâm Cai nghiện ma tuý thành… Trại tâm thần.

Nhắc lại khó khăn một chút, để thấy, nỗ lực của cán bộ tỉnh Cao Bằng gần đây trong việc quản lý bệnh nhân tâm thần là đáng trân trọng ra sao. Nhưng, bí quyết cho thành công này, có lẽ chủ yếu nằm ở nỗ lực về ý thức. Ấy là: Cứ sự quan tâm thật sự, sẽ có hiệu quả. Chỉ là nhắc uống thuốc đều, chỉ là đưa thuốc đến và hướng dẫn đúng quy tắc, thuốc thì có chương trình của quốc gia, của tỉnh cả rồi. Mà mua thêm thì cũng không hề đắt.

Việc đầu tiên mà Cao Bằng làm tốt, đó là đưa người tâm thần nặng ra khỏi gia đình họ, về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh; Trung tâm Tâm thần hoặc Bệnh viện tỉnh để điều trị. Bởi với bệnh nhân mạn tính, phải điều trị “mạnh tay” theo đúng cách, để dứt cơn, bao giờ ổn mới có thể trả về nhà. Nhiều người về nhà, nếu chăm sóc không đúng cách, uống thuốc không đủ liều và đúng giờ, thì bệnh sẽ sớm nặng trở lại. Và có thể gây thảm hoạ bất ngờ hoặc phải đi “chữa trị lại từ đầu”.

Bà mẹ già của bệnh nhân tâm thần Lý Văn Cải ở xã Hạnh Phúc phải làm gian nhà lá, khoét lỗ qua bờ tường trình rơm để thả cơm vào cho con ăn hằng bữa. Cải quanh năm không mặc quần áo, nằm cùng với gà, chó, côn trùng. Lúc Cải bẩn quá thì bà mẹ dắt sợi xích ra suối cho con tắm. Bà thả xà phòng bột (loại để giặt quần áo) lên đầu, lên cổ cho Cải tắm. Dáng cu cậu thon nhỏ, ở trần truồng trắng nhễ nhại, đi liêu xiêu qua các bờ ruộng để ra suối; phía trước là bà mẹ già cầm cái xích dắt Cải đi. Bà đội khăn kiểu mỏ quạ, lưng còng xuống, dáng đi ngậm ngùi. Hình ảnh đó đã ám ảnh chúng tôi. Và sau khi nghe “góp ý”, tỉnh Cao Bằng đã đưa Cải ra Trung tâm Bảo trợ xã hội để Nhà nước chăm lo chữa trị suốt đời. Bà mẹ gần đất xa trời kia, làm sao còn chăm được một bệnh nhân nặng như Cải nữa, dẫu tình thương bao la cỡ nào!

Hôm gặp lại chúng tôi ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng, lên tận phòng Giám đốc uống nước, Cải cười hiền khô, tay đút túi quần, nói năng rành rọt: “Cảm ơn cán bộ”, rất trơn tru. Cải đã cho chúng ta hiểu rằng: Hàng nghìn ngày bị xích nhốt trong xó nhà mà anh đã trải qua là không đáng có. Bởi vì cái giá để cứu Cải không hề đắt. Cơ chế nhà nước, “biên chế” vào Trung tâm Bảo trợ xã hội đã có tỉnh đài thọ rồi. Thiếu “chỗ”, thì đã có trường hợp cán bộ nỗ lực kết nối để gửi bệnh nhân đi sang các tỉnh xung quanh (như Thái Nguyên)…

Bài 4: Chỉ cần chút nghĩa đồng bào thôi đã… gần đủ!

Đã xảy ra một chuyện cảm động mà báo chí từng đề cập, nữ nhà báo Tạ Hoài Phương - Đài PTTH tỉnh Cao Bằng, mỗi lần đi làm chương trình “Thắp sáng niềm tin” chị đều lưu ý các trường hợp cần hỗ trợ để đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội. Có khi, non nửa số trẻ em và nhiều bệnh nhân tâm thần ở đây là do “cô Phương” đem về. Nếu Cao Bằng có thêm nhiều cá nhân, tổ chức, nỗ lực kiểu này thì không quá khó để giải quyết vấn đề. Bởi, xã nổi tiếng hàng đầu Việt Nam về số lượng người tâm thần (ở Cao Bằng) cũng ở mức khoảng 20 người, trong đó ngót chục người nặng (kéo dài vài chục năm nhốt, xích). Nếu một tỉnh mà giải quyết dứt điểm các “tồn đọng” kiểu trên, không phải quá khó.

Anh Nguyễn Văn Mạnh (xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) có một người bố từng “điên hết cỡ”. Mạnh kể, khi phát bệnh vào năm 1991, bố anh – ông Nguyễn Văn Độ (1958) - đùng đùng vác quốc đào mộ của những người thân trong gia đình “phơi” nguyên một ngày đêm. Đặc biệt, ông nội Mạnh mới mất, được chôn buổi sáng thì buổi chiều ông Độ đào lên, hở cả quan tài. Ông nằm lên quan tài 3 ngày 3 đêm không ai làm gì được. Sau phải nhờ chính quyền can thiệp mới chôn lại được. Từ đó, bố Mạnh đi lang thang khắp nơi, ông lấy bãi rác… làm nơi sinh sống.

Sau khi chính quyền vào cuộc, bố Mạnh được đưa đi điều trị ở Bệnh viện Tâm thần Phú Thọ, sau đó được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Phú Thọ từ năm 2012 đến năm 2021.

Hồi bố ở trong Bệnh viện Tâm thần Phú Thọ, Mạnh làm đủ việc từ trông bệnh nhân đến phụ bà bán nước ngoài cổng bệnh viện để có tiền đóng tiền ăn cho bố; còn anh thì bữa ăn bữa nhịn. Cơ cực đến nỗi, có những lúc hết tiền chẳng vay mượn được ai, trong túi không còn một nghìn, Mạnh “cắm” bằng lái xe được 150.000 để đóng tiền ăn cho bố. Nhưng được mấy hôm là lại hết. Sau 5 tháng, bệnh tình của bố thuyên giảm, Mạnh xuống Hà Nội kiếm tiền. Cứ 10 ngày lại về đóng tiền ăn cho bố.

Giờ đây, ông Độ đã trở về nhà sống cuộc sống bình thường, biết làm lụng mưu sinh, đỡ đần con cháu. Ông Độ vẫn được uống thuốc đều đặn mỗi ngày.

Bài 4: Chỉ cần chút nghĩa đồng bào thôi đã… gần đủ!Ông Nguyễn Văn Độ đã trở về nhà sống cuộc sống bình thường. Ảnh: Tạp chí Lao động và Công đoàn.

Bài 4: Chỉ cần chút nghĩa đồng bào thôi đã… gần đủ!

Chúng ta có thể hiểu bản chất câu chuyện và biết về lối ra cho vấn đề này trên phạm vi cả nước, qua cuộc trò chuyện của nhóm phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn với Bác sỹ Nông Văn Quốc - Trưởng phòng Quản lý người tâm thần ở Trung tâm Cai nghiện Ma tuý tỉnh Cao Bằng. Theo đó, lối ra cho các câu chuyện “người điên” đều nằm ở sự chăm sóc thường xuyên, liên tục và không quá tồi (chưa cần xuất sắc hay đắt đỏ).

Trong tiếng ồn ào của những người tự xưng là thiên tướng nhà trời lưu lạc xuống trần gian, từng vác kiếm đi khắp nơi, thi thoảng lại rút kiếm “xoẹt” một ánh chớp quyền lực để bảo vệ Đường Tam Tạng đi lấy kinh; có cô xót xa khóc vì mình ế chồng trong khi hoàng tử của lòng mình thì đã bay vào vũ trụ lâu quá chưa thèm trở về…; Bác sĩ Nông Văn Quốc cho biết: Trung tâm hiện đang quản lý, chữa trị cho tổng số 56 bệnh nhân tâm thần. Mỗi ca có một cái khó riêng, song từng bước sẽ giải quyết ổn hết, nếu biết làm đúng cách.

Bác sĩ Nông Văn Quốc chia sẻ: “Bắt đầu từ năm 2010, tỉnh Cao Bằng có kế hoạch “truy quét, thu gom” các đối tượng là người tâm thần lang thang trên địa bàn (như thế là cơ sở được thành lập rất muộn so với các trung tâm điều trị người tâm thần ở các tỉnh khác). Sau đó, ngoài các bệnh nhân kiệt quệ đầu đường quán chợ, tỉnh mở rộng đưa những trường hợp gia đình khó khăn có đối tượng tâm thần nặng vào để quản lý và điều trị. Hầu hết các bệnh nhân ở đây có bảo hiểm y tế, hằng tháng họ được các bác sỹ khoa Tâm thần (Bệnh viện tỉnh) khám, kê đơn, cấp thuốc. Cán bộ ở Trung tâm theo dõi và cho bệnh nhân uống thuốc.

Bài 4: Chỉ cần chút nghĩa đồng bào thôi đã… gần đủ!

Đa phần các bệnh nhân đã lang thang hoặc cực kỳ nan giải ở nhà rồi thì họ mới phải bị đưa đến đây. Trước đó, vì không có khả năng đưa đi bệnh viện để khám và điều trị; thân nhân bèn nhốt các bệnh nhân tại gia đình do lo sợ họ đập phá. Do chính quyền địa phương thì cũng… chưa quản được. Bị xích nhốt ở nhà, hầu hết bệnh nhân không được uống thuốc đầy đủ.

Vào đây, sức khoẻ của họ đã dần dần ổn định, bí quyết là cán bộ ở đây cho uống thuốc… rất đều. Người điên nào cũng nói mình không điên và không chịu uống thuốc. Chúng tôi phải pha thuốc ra chén và cho từng người uống trực tiếp. Nếu là thuốc viên thì bệnh nhân hay ngậm thuốc trong đáy lưỡi, trong khoang miệng rồi tìm cách nhổ bỏ. Hậu quả là họ sẽ sớm lên cơn “điên”. Thế nên, chúng tôi phải pha các loại thuốc ra ca nước rồi cho uống. Giám sát bệnh nhân uống, uống xong là uống tiếp một cốc nước (cho trôi thuốc vào họng và xuống cơ thể) rồi mới đi “ép” người tiếp theo.

Cái quan trọng là ngay từ lúc bắt đầu vào trung tâm, là cán bộ phải khám phân loại bệnh nhân rất bài bản. Rồi mình cũng cho thuốc theo từng người - tuỳ theo mức độ và chủng loại bệnh. Ví dụ, bệnh nhân hoang tưởng, ảo giác phải có thuốc riêng. Lúc đầu mới vào thường họ bị kích động (hò hét, đập phá, nói gì cũng “không vào tai”) là mình cho uống thuốc liều cao hơn, rồi giảm dần. Cái khó nhất là phải chăm chút thực sự, để ý từng chi tiết nhỏ nhất để hiểu bệnh tình và diễn biến tâm lý của họ. Ví dụ, người nào uống thuốc; bệnh nhân nào bỏ thuốc; anh nào có biểu hiện nó hát hò, hung bạo, mất kiểm soát; hoặc lúc lên cơn họ ăn ít đi; hoặc họ lén đổ bỏ đồ ăn; hoặc ăn vãi ra ngoài… Tất cả các biểu hiện đó, quan sát là chúng tôi biết cách xử lý. Bệnh nhân này đang lên cơn ra sao? Cần đề phòng họ tấn công mình thế nào? Nghề này của chúng tôi, sơ sẩy là cực kỳ nguy hiểm. Đây là anh Đ.V.T, đã giết cán bộ thôn bản, rồi vào đây điều trị...”

Nhiều ý kiến cho rằng sau khi điều trị ổn, thì phải đưa bệnh nhân về cho gia đình chăm sóc. Trung tâm Bảo trợ xã hội thì có tiền và chế độ chăm sóc của Nhà nước, bệnh nhân trong diện được xét duyệt, sẽ ở đó suốt đời (nếu hoàn cảnh thực tế cần phải như thế). Còn với trung tâm điều trị hay bệnh viện nói chung, điều trị ổn là bệnh nhân có thể phải ra về, để còn chữa trị cho người khác nữa. Cũng có người ở trung tâm đến lúc chết...

Câu hỏi đặt ra là: Đưa bệnh nhân về với gia đình có phải là cách hay nhất? Và phải làm gì để họ không “tái khởi động” lại các trò điên loạn, giết chóc, gây tai hoạ cho họ và cộng đồng?

Bài 4: Chỉ cần chút nghĩa đồng bào thôi đã… gần đủ!Mỗi bệnh nhân tâm thần được điều trị với phác đồ riêng tuỳ theo tình trạng bệnh. Thuốc được để riêng theo từng lọ. Ảnh: Tạp chí Lao động và Công đoàn

Anh Nông Văn Quốc phân tích rất thực tế và chí tình: “Như đã nói, các bệnh nhân tâm thần đã đi lang thang, đã bệnh nặng phải “thu gom” vào đến đây thì đều là… mạn tính rồi. Cho nên phải uống thuốc đều đặn, đúng cách thì mới duy trì được sự ổn định (sau điều trị chuyên sâu), để tránh tái phát “lên cơn”. Thường thì, rời cơ sở điều trị, bệnh nhân (nghèo, ở vùng sâu vùng xa) luôn uống rượu, hút thuốc, uống nước chè rồi là bỏ cơm. Lại thêm không uống thuốc đều, đủ, đúng cách. Thế là, họ tái lên cơn rất đáng sợ. Theo nhiều chuyên gia, nhất định phải có một cái trung tâm quản lý và điều trị người tâm thần để quản lý, theo dõi và “ép” uống thuốc đều đặn thì mới “ổn” được.

Về nguyên tắc, thì gia đình mà có người giám sát, quản lý chặt chẽ bệnh nhân tâm thần thì sẽ ổn. Khi đó, mọi việc chẳng khác gì nhiều so với khi bệnh nhân đang ở trung tâm chỗ chúng tôi. Nhưng, thường thì, ít khi gia đình quản lý nổi. Về nhà là bỏ bê, người thì bố mẹ già, người thì chỉ có anh em nghèo khó và thiếu kiến thức về chăm sóc người bệnh. Ai cũng bận mưu sinh, thậm chí vắng nhà hầu hết thời gian. Bệnh nhân sớm… tái “điên” là dễ hiểu.

Có ý kiến cho rằng, đưa “bài toán” này về địa phương quản lý. Tức là cán bộ y tế cơ sở sẽ theo dõi, cho uống thuốc, xử lý các tình huống cần kiến thức y học cho từng người bệnh. Theo tôi, cái này… hơi khó. Vì bây giờ y tế xã/ phường cũng đông cán bộ hơn rồi đấy; nhưng vì mỗi người một công việc đã quá tải rồi. Cùng lắm thì họ chỉ phát thuốc hằng tháng cho bệnh nhân thôi; chứ không ai quản cho uống thuốc hằng ngày, đúng giờ, đúng liều (và giám sát cả việc họ có uống hay thật hay ngậm rồi nhổ bỏ nữa!) được.

Đấy là chưa kể, bây giờ có thuốc bên bảo hiểm rồi nhưng thuốc của bệnh nhân tâm thần không phải bao giờ cũng đầy đủ. Có khi trong quá trình điều trị, chúng tôi vẫn phải mua thêm thuốc bên ngoài bổ sung vào. Một số thuốc, bệnh nhân uống thuốc vào thì lại có tác dụng phụ là hội chứng ngoại tháp, nó gây cứng hàm cứng lưỡi, nhỏ nước dãi rề rề, gây đau đầu; trong tình huống đó, phải có thuốc tăng cường và xử lý tình huống. Cái này ở nhà hầu như bà con không tự lo được, nhất là các hộ nghèo ở vùng sâu vùng xa.

Có khi, lúc bệnh nhân nặng đang uống thì lại lên cơn. Nên là phải mua thuốc để tiêm. Không uống thì phải tiêm, về nhà bệnh nhân, không uống thuốc, lại không có thuốc tiêm. Thế là lên cơn “điên”, càng lên cơn càng bỏ thuốc, bệnh càng nặng!”.

Phân tích của Bác sĩ Nông Văn Quốc – người bao năm gắn bó với bà con chẳng may bị giời đày nhìn đời “nghiêng nghiêng” (bệnh nhân tâm thần), có thể khiến chúng ta “tỉnh ngộ”!

Bài 4: Chỉ cần chút nghĩa đồng bào thôi đã… gần đủ!Bà Nông Thị Thư - Giám đốc Trung tâm Cai nghiện ma tuý tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Tạp chí Lao động và Công đoàn.

Bà Nông Thị Thư - Giám đốc Trung tâm Cai nghiện ma tuý (trong đó có đơn vị quản lý bệnh nhân tâm thần) tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh:

“Hầu hết bệnh nhân chúng tôi tiếp nhận, ban đầu đều có biểu hiện kích động, đập phá, họ mắc chứng bệnh tâm thần thể nặng. Nếu để họ ở ngoài xã hội thì rất dễ gây nguy hiểm cho gia đình cũng như là cộng đồng xã hội. Hầu hết các tỉnh trong cả nước đều có trung tâm người tâm thần riêng để mà quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các bệnh nhân đặc biệt này trên trên địa bàn, nhưng mà đối với tỉnh Cao Bằng, hiện nay chưa có trung tâm tâm thần riêng. Trung tâm của chúng tôi đang quản lý cả bệnh nhân cai nghiện lẫn với bệnh nhân tâm thần. Số bệnh nhân tâm thần nặng đang phải chăm sóc tại các hộ gia đình nghèo là trên dưới 1.000 người. Bà con rất mong muốn được đưa vào trung tâm để điều trị chuyên nghiệp và hiệu quả hơn, để có thể cứu giúp người bệnh và cả cộng đồng một cách nhân văn nhất”.

Bài 4: Chỉ cần chút nghĩa đồng bào thôi đã… gần đủ!Các bệnh nhân tâm thần trong Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng - Ảnh: Tạp chí Lao động và Công đoàn.

Bài viết: NHÓM PHÓNG VIÊN LĐ & CĐ

Thiết kế: TRƯỜNG GIANG