Vấn đề người điên/ bệnh nhân tâm thần nặng quả là không dễ kiểm soát. Ai đó ví von, nếu không có cách quản lý chữa trị bài bản, liên tục, bao phủ được toàn bộ vấn đề trên bình diện quốc gia, thì mỗi người bị sang chấn tâm thần sẽ là mối nguy hiểm tiềm tàng thật sự. Con số thống kê quá đầy đủ ở mỗi địa phương hay Chương trình Quản lý người tâm thần của quốc gia. Chúng tôi chỉ xin minh hoạ với các nhân vật bằng xương bằng thịt… Một ngày nắng nỏ đầu tháng 3 năm 2023, từ TP Lạng Sơn, chúng tôi tìm đường gặp lại anh Hoàng Văn Ín (sinh năm 1970, thôn Cốc Sáng, xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan). Năm 2008, con gái anh - bé Hoàng Thị Duyên bị một kẻ có tiểu sử tâm thần nặng tên là Hà Văn Pẩu (sinh năm 1974) sát hại khi đang chơi ngoài sân nhà hàng xóm. Theo tập tục địa phương, không có ảnh thờ, cũng không có bàn thờ cho cháu bé. Anh Ín và vợ chỉ cho chúng tôi phía ngoài bờ rào tre, ở đó có vài nén nhang cắm vào ống nứa, là nơi làm “lễ” tưởng nhớ con gái. |
Vợ chồng anh Hoàng Văn Ín (thôn Cốc Sáng, xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan) trong buổi trò chuyện với PV Tạp chí Lao động và Công đoàn - Ảnh: LĐ & CĐ |
Mười lăm năm trước, bé Duyên đang chơi cùng một cô bé hàng xóm thì Hà Văn Pẩu bất ngờ vác dao lớn chém tới tấp. Anh Đoàn (bố cháu bé đang chơi cùng Duyên) thấy thế xông vào cứu, cũng bị Pẩu chém thương tật vĩnh viễn 23%. Khi cơ quan chức năng ập tới thì Pẩu đã kịp trốn vào rừng. Việc truy bắt Pẩu hết sức vất vả với lực lượng đặc nhiệm và thiết bị tối tân. Sau này, giám định, Pẩu được xác định có tiểu sử tâm thần phân liệt. Anh Ín nhớ lại, Pẩu lầm lì, hay chửi bới, hù doạ người khác; thấy hắn là trẻ con bỏ chạy. Pẩu còn sàm sỡ phụ nữ. Nhưng bấy giờ, ít ai nghĩ người tâm thần như Pẩu lại bỗng chốc trở nên “thú tính” và gây ra hành động như vậy. Mọi người vẫn để Pẩu sinh sống bình thường. Anh ta đi làm thuê, lấy vợ. Vợ anh ta bỏ vì anh ta mất ngủ triền miên, tâm tính thất thường... Đáng tiếc, cộng đồng không có một cảnh báo hữu hiệu nào, cũng không chữa trị kịp thời, càng ngày Pẩu càng điên loạn. Khi ra toà, anh ta khai bị mất ngủ, sinh ra ảo giác, rồi ăn năn hối cải và xin lỗi như người… tỉnh táo. Căn nhà của gia đình anh Hoàng Văn Ín - Ảnh: LĐ&CĐ |
Khi cán bộ đưa Pẩu về Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, anh ta tiếp tục trở thành nỗi ám ảnh cho các y, bác sỹ ở đây. PGS.TS Tô Thanh Phương, lúc bấy giờ là Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 đã cảnh báo: Nếu chữa xong, thả về, anh ta lại tái phát điên rồ ảo giác, vì không ai cho uống thuốc đều. Ngày Pẩu được đưa về thôn Cốc Sáng, bà con ngăn trước xóm, họ kiến nghị cơ quan chức năng tống Pẩu vào tù hoặc vào trại tâm thần. Ông Dũng, Chủ tịch UBND xã Đồng Giáp lúc bấy giờ thì bảo: Pẩu chữa trị bệnh điên rồi thả về bản, người dân sợ lắm, không dám ra khỏi nhà mà đi làm nữa đâu. Tuy nhiên, mọi lời cảnh báo tỏ ra ít tác dụng, cực chẳng đã, gia đình Pẩu phải làm một căn phòng dạng “lô cốt” tối tăm, nhốt anh ta vào đó. Họ cho ăn, cho uống và cách ly với cộng đồng. Dĩ nhiên, thuốc thang thì viên được viên mất. Thời gian sau, Hà Văn Pẩu qua đời, nhiều người dân cho biết, họ thở phào; tê tái cho một phận người! |
Theo tập tục địa phương, nơi thờ cháu Duyên là ống tre trên bờ rào phía ngoài sân của gia đình anh Ín - Ảnh: LĐ & CĐ
Đứng ở góc độ nhân văn, người điên không có tội và cũng không thể bắt đi tù với mức án như dành cho người “tỉnh” (có đầy đủ nhận thức pháp luật). Bằng chứng là sau khi bị TAND tỉnh Lạng Sơn tuyên án tử hình với mức bồi thường 32 triệu đồng cho gia đình nạn, Pẩu cũng không phải đi ở tù. Anh ta bị ép đi chữa bệnh tâm thần phân liệt. Nhìn lại cả quá trình, trước khi gây án, Pẩu – bệnh nhân tâm thần phân liệt không được chữa trị; sau khi gây thảm án, nếu không có cái cũi của gia đình, không ai lường trước được anh ta sẽ còn gây ra những điều gì tồi tệ. Anh Ín tỏ ra buồn bã: “Giá mà… Giá mà…”. Chợt chúng tôi nhớ lời Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn - Đại tá Trần Đăng Yến, năm 2008 nói: Trước tình trạng người tâm thần gây án, qua vụ của Hà Văn Pẩu, có thể thấy, với gần 700 đối tượng “nguy cơ cao”, cần phải có quyết sách hiệu quả để ngăn chặn đại hoạ trước khi quá muộn. |
Từ Lạng Sơn, vượt hơn 150km, chúng tôi có mặt ở xã Hạnh Phúc, huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng. Ông Vi Long Thành tuổi đã cao, gặp chúng tôi luôn nở nụ cười, dù hơi ngơ ngẩn. Con gái ông – chị Vi Thị Thuỳ, sinh năm 1984, nhiều năm qua đã chăm sóc bố rất hiếu đễ. Ông Thành vốn làm công an, từng rất yêu nghề và yêu bà con trong toàn khu vực. Rồi ông mắc chứng bệnh tâm thần, đánh chửi mọi người vô tội vạ. Rồi một ngày, người vợ của ông mất mạng sau một cơn điên loạn của chồng. Lúc bấy giờ, chừng 30 năm trước, chị Vi Thị Thuỳ mới vài tuổi, vẫn nhảy chân sáo bên dòng suối vắt qua bản nghèo của xã Hạnh Phúc, chảy qua cả nhà mình. Dòng nước trong lành đến mức có thể nhìn thấy từng viên sỏi vân vi dưới đáy. Qua khe cửa luôn khóa kín, ông Vi Long Thành nở nụ cười đón khách - Ảnh: LĐ & CĐ Ông Thành từng nhiều năm phục vụ trong lực lượng Công an Nhân dân - Ảnh: LĐ & CĐ Chúng tôi chứng kiến nhiều “giai đoạn điên” của ông Thành. Có lần vào, ông hăm doạ, chúng tôi đến tặng quà mà phải ngó qua kẽ nhà sàn. Cửa khoá chặt, không ai dám mở, vì ông Thành hung hãn lắm. Xích sắt khoá một đầu ở chân ông và khoá đầu kia vào cột nhà sàn. Ông lảm nhảm nói gì đó như “ma nhập”. Dăm bảy năm sau, nhà dột nát, 5 người con ông bèn xây một ngôi nhà gạch, lợp tôn, qua loa tạm bợ nhưng vững chắc, để tránh bố mình phá “ngục” đi gây án tiếp. Nhà mới, có khu vệ sinh xối nước tự hoại; có tường trát xi măng để ông vẽ đủ thứ chữ nghĩa, câu đối, khẩu hiệu, hình hoạ kì dị, pa-nô áp-phích thời cũ; có ô cửa nhỏ để con gái ông (người duy nhất không sợ ông tấn công) thò tay vào phía trong và mở khoá khi cần. Thường thì họ ít khi mở khoá, mà lật tấm tôn, thả thức ăn và nước uống vào cho ông sống qua ngày. Ông Vi Long Thành vẽ và viết đủ thứ trên bốn bức tường trát xi măng - Ảnh: LĐ & CĐ Lần nào gặp, chị Thuỳ cũng khóc: “Em yêu mẹ! Nhưng em không giận bố được!”. Váy Tày, khăn xanh, dáng vâm váp và chân chỉ hạt bột, sơn nữ Tày cặm cụi chăm bố. “Mỗi ngày 3 bữa cơm và hai viên thuốc anh ạ!”, chị Thùy nói. Điều vô cùng thú vị: Chị Thuỳ và gia đình khơi nước suối Hạnh Phúc vào trong sân nhà để nuôi cá. Cá ao nhưng gần như cá tự nhiên, nước trong, cá lớn. Nhìn góc ao nối liền với suối, chiếm góc sân nghèo, lại càng giống cái bể cá cảnh cỡ đại. |
Chị Vi Thị Thùy liên tục gạt nước mắt khi chia sẻ về bi kịch của gia đình - Ảnh: LĐ & CĐ
Thế là có ngày chị Thuỳ nghĩ: Nên để ông đội mũ, mặc áo (của lực lượng vũ trang mà ông giữ được từ lâu) rồi ra ngoài xem sao? Chị Thuỳ rút ra kết luận rằng, nếu uống thuốc đều, chăm sóc và quan sát kĩ để điều chỉnh ăn uống, thuốc thang, cộng thêm cho nghỉ ngơi thư giãn, kể cả “người điên hết cỡ” như bố chị cũng có thể thành người thường!
|
Ông Vi Long Thành trong ngày được con gái cho ra ngoài đi lại - Ảnh: LĐ & CĐ
Chị Thuỳ thì bảo, mấu chốt là uống thuốc đều, cán bộ đưa thuốc đến hoặc mình tự đi lấy thuốc cũng được. Chị kể, hồi bố mới sát hại mẹ, công an bắt ông đi một hai năm. Sau biết ông là người điên, họ trả về. “Nhưng không ai cho ông uống thuốc, ông lại chửi bới và hung hãn như xưa. Vài năm gần đây, ông được cung cấp thuốc và em được cán bộ dặn phải cho uống thuốc đúng giờ, đúng liều. Thế là bố em nhẹ nhàng hơn, vui vẻ hơn, dù vẫn hoang tưởng ít nhiều. Ông vẫn luôn nghĩ mình sẽ bị giết, bằng cách đầu độc (khoa học gọi là “hoang tưởng bị hại” - PV). Cơm em nấu thì ông ăn, ai cho gì ông không ăn. Lúc bệnh nặng, cho ông thuốc, ông bảo nó đầu độc đấy, ông không uống. Có khi ông ngậm thuốc rồi lừa lừa phì ra ngoài và đắc chí vì mình vừa thoát khỏi một “mưu hãm hại”. Nhưng bỏ thuốc vài tháng là bệnh lại tái phát, có khi nằm bẹp không dậy được…”, chị Thùy kể. |
Chị Thuỳ, một người phụ nữ Tày dành cả thanh xuân chăm người bố tâm thần, đã có những đúc rút quý báu. Đó cũng là chân lý khoa học trong điều trị bệnh tâm thần mà khi tham vấn các y, bác sỹ và chuyên gia, chúng tôi đã nhiều lần nghe nói. Vậy, câu hỏi đặt ra là: Từ khi ông Thành bỗng nhiên phát bệnh tâm thần phân liệt và ảo giác đáng sợ, nếu có thuốc và được quản lý, chữa trị kịp thời; làm gì có án mạng kinh khủng kia? Làm gì có sự “tàn úa” và ám ảnh suốt đời trong cả một gia đình đang phơi phới tương lai như thế, khi mà trụ cột, lao động chính bỗng dưng bị xích, nhốt, bỏ vào cũi giam cầm theo đúng nghĩa đen! Hơn thế, cuộc đời ông Thành cũng không đến mức như bây giờ. Tất cả nguyên nhân, nằm ở những viên thuốc đủ chất lượng, dù bé xíu nhưng có khả năng chữa trị, nếu được uống đủ, uống đúng giờ và đúng cách. (Có thời kỳ, bà con uống thuốc do bảo hiểm cung cấp, dù uống đều và đúng cách, song, vì thuốc quá “cổ điển”, cũ kỹ, nên uống vào bệnh nhân chỉ ngủ thiếp đi cho khỏi phá phách, chứ có khi uống 10 năm “điên vẫn hoàn điên”. Điều này các chuyên gia đã kiểm tra và kết luận). Bên cạnh đó, sự quan tâm, chung sức của cộng đồng cũng là một vấn đề căn bản trong bài toán “người điên”.
Mời độc giả đón đọc bài 4: Chỉ cần chút nghĩa đồng bào thôi đã… gần đủ!
|