Đầu tháng 3/2023, chúng tôi có dịp trở lại xã Hạnh Phúc, huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng và dành thời gian ghé thăm anh Phan Văn Cọng. Trong căn nhà sàn xiêu vẹo, những tấm gỗ mục hổng hoác, tường đất nham nhở vì nắng mưa, anh Cọng ngồi thu lu nơi góc tối. Chiếc xích vẫn cuốn trên cổ người đàn ông như cách đây gần 30 năm, lách xách kêu theo từng chuyển động của khổ chủ. |
Anh Cọng chỉ là một trong số hàng chục bệnh nhân tâm thần của xã Hạnh Phúc. Một lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 từng lên khám cho bà con ở đây nhưng cũng chỉ có thể xử lý ở mức bệnh tâm thần phân liệt và hoang tưởng của vài người vơi đi; vài người trầm trọng được đưa đi bệnh viện hay ra Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng để nhà nước chăm bẵm. Số còn lại, như anh Cọng, hiện vẫn bị xích, nhốt tại nhà còn không ít. Có người như ông Vi Long Thành, từng chục năm phục vụ trong lực lượng công an nhân dân, đeo hàm Trung úy, vậy mà lúc lên cơn, ông sát hại vợ rồi bị/được con cái và xóm mạc nhốt đã vài chục năm. Anh Phan Văn Cọng thì đã đánh nhiều người, đâm vợ, rồi tự rạch bụng mình tự sát khi lên “cơn điên”! Trong lúc ấy, anh vẫn đủng đỉnh rút bật lửa đốt căn nhà của mình. |
Anh Phan Văn Cọng đã bị xích trong góc tối căn nhà sàn của gia đình gần 30 năm nay - Ảnh: LĐ&CĐ |
Nhìn anh Cọng lúc này, chúng tôi không khỏi suy nghĩ: Bao nhiêu năm qua, cán bộ tỉnh, huyện, xã đều nỗ lực tìm cách quan tâm đến anh, Nhà nước có tiền trợ cấp cho anh hằng tháng, nhưng sao bệnh tình vẫn chưa khỏi? Anh sẽ phải gắn cuộc đời mình với sợi xích trong góc tối này đến bao giờ? Và có khi cơ hội vàng để chữa bệnh cho anh Cọng đã dần qua đi. Bệnh mạn tính rồi, cơ thể và trí não của bệnh nhân cũng tàn lụi dần. Và sau vài chục năm bị xích cổ bằng dây sắt to đùng, kèm theo cái khoá Việt - Tiệp vàng óng cồm cộm ở yết hầu, nếu thả ra, anh Cọng có lẽ cũng lạc lõng, tụt hậu với sự đời. Một người đẹp trai, khoẻ mạnh, hào hoa nổi tiếng trong xã Hạnh Phúc như anh Cọng độ ấy, giờ đây, tương lai đang mờ khép lại… Thực ra, chẳng ai muốn xích cổ anh Cọng. Cực chẳng đã gia đình và xóm bản mới phải làm thế, để cứu anh và cũng là vì sự bình an chung cho cộng đồng. Bởi mỗi khi lên cơn, anh Cọng quá hung hãn. Vợ con, hàng xóm, cán bộ cơ sở kể rằng anh Cọng từng có nhiều đặc điểm ưu tú lắm, đẹp trai, khoẻ mạnh, lấy vợ xinh, con cái đủ nếp tẻ khôi ngô, dễ mến. Đang ngời ngời tương lai, tự dưng anh Cọng phát bệnh tâm thần, anh chửi vợ, đánh vợ, gặp ai cũng gây sự. |
Đỉnh điểm, khoảng 27 năm trước, đang đêm, anh dùng dao đâm vợ - chị Lương Thị Cai. Chị mất máu nhiều nhưng cố vùng chạy thoát rồi bất tỉnh trước khi những người hàng xóm hợp sức khiêng đi bệnh viện ở rất xa... Không ai hiểu vì sao anh Cọng đâm vợ, càng không hiểu vì sao anh lại đâm vào bụng mình tự sát ngay đêm đó. Cũng may, vợ chồng anh vẫn bình an. Thế rồi người ta bàn nhau đem dây xích đến, đè anh ra và cuốn dây sắt quanh cổ; móc thêm cái khoá sắt lớn vào, giấu chìa đi. Không để vật sắc nhọn quanh bán kính bằng với chiều dài của sợi xích kia. Bấy giờ còn khó khăn, khoảng năm 1996, hiểu biết về chứng bệnh tâm thần ở vùng núi non cách Hà Nội gần 400km này còn hạn chế, việc xích vào đã tạm coi là khống chế được “con quỷ ác” trong anh Cọng rồi. Nơi gia đình anh Phan Văn Cọng sinh sống - xã Hạnh Phúc, huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng - Ảnh: LĐ&CĐ Căn nhà sàn của gia đình anh Phan Văn Cọng - Ảnh: LĐ&CĐ Thuốc thang rất nhỏ giọt hoặc không có, mãi hai chục năm sau khi anh Cọng bị xích, về số lượng và cả chất lượng thuốc điều trị cho anh đều ở mức báo động. Thứ nhất, gia đình anh quá nghèo, khi mà lao động chính bị xích cổ vào cột nhà. Thứ hai, vùng quê quá nghèo. Thứ ba, hiểu biết về chứng bệnh tâm thần thể nặng còn rất hạn chế. Mãi gần đây, thuốc uống cũng chủ yếu để… ngủ cho quên cơn “bốc lên” của bệnh “điên” thôi. Hơn một lần, các chuyên gia lên tiếng cảnh báo vì chủng loại thuốc ít có hiệu quả, lại quá nhiều tác dụng phụ đối với những người tâm thần nặng như anh Cọng. |
Chị Cai thì đã mời thầy cúng đến, tìm đủ cách “đẩy con ma tà, con quỷ ám” trong anh Cọng ra. Song, vừa rồi chúng tôi đến thăm anh Cọng, anh vẫn lơ ngơ, sợi xích to đùng và phom khoá hoen gỉ ở cổ anh có vẻ chỉ cũ thêm thôi, chứ tương lai của anh vẫn ngày càng mù mịt. Anh bảo: “Tôi giờ ăn được một ít, ngủ chả ngủ được, nhưng mẹ và vợ con tôi họ thấy tôi yếu quá nên cũng… lỏng xích hơn”. “Tôi có thể tự tay tháo bỏ xích, rồi bế cháu nội hẳn hoi”, anh Cọng tự tin. Thoáng vui cho anh Cọng, lập tức, chúng tôi rùng mình lo lắng khi nhìn anh Cọng bế, ẵm một bé gái chừng hai tuổi trên tay - bàn tay ám khói của một người cứ châm hết điếu nọ sang điếu kia. Anh Cọng liên tục đốt thuốc, các đầu ngón tay đen kịt lại - Ảnh: LĐ&CĐ “Ai đã xích cổ anh thế này?” – phóng viên hỏi. Anh Cọng thủng thẳng: “Mấy thằng nó nghịch dại ấy mà, nó xích anh từ năm 1996, lâu rồi”. Vợ chồng anh ở với nhau hạnh phúc, dù thời gian không dài, họ có 5 đứa con. 3 đứa đã lấy vợ gả chồng rồi. Các đám cưới diễn ra khi ông bố ngồi trong góc nhà sàn và bị xích cổ, mỗi lúc ông cựa quậy là tiếng xủng xẻng, lách xách vang lên. Lần này gặp lại, vẫn thấy anh Cọng phóng uế từ góc anh bị xích xuống… mặt đất, qua tấm ván thủng cũ kĩ. Dưới đó có gà, lợn dọn sạch chất thải của ông chủ nhà tội nghiệp - nếu chúng không đi kiếm ăn xa. |
Chúng tôi đến, chỉ có mình bà mẹ hơn 90 tuổi của anh Cọng ở nhà. Khi cả nhóm lại gần anh Cọng trò chuyện, sờ tay vào sợi xích gỉ và lạnh toát, trơn bóng mồ hôi với tạp chất từ cơ thể anh để kiểm chứng xem anh có tự tháo được xích ra đi dạo xóm thật không, ai ngờ bà cụ ngồi trong bóng tối góc nhà rú lên. Bà nói bằng tiếng Tày, hai bọng nước ở chân mắt của bà hum húp: “Đừng dại con ơi!” – Nhà báo Tạ Hoài Phương – Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Cao Bằng phiên dịch cho chúng tôi với vẻ mặt hốt hoảng. Bà cụ thì run lập cập, thu mình vào một góc, nhắm nghiền đôi mắt đục lờ lại. Bà cụ hơn 90 tuổi ngồi trông người con trai mắc bệnh tâm thần - Ảnh: LĐ&CĐ Anh Cọng vẫn bế khư khư cháu gái vài ba tuổi, là cháu nội của anh. Lát sau cô con dâu về. Phải nhờ người đi ra nương tìm thì vợ anh - chị Lương Thị Cai mới lập cập tìm về. Chúng tôi tặng quà, thăm hỏi, chị Cai khóc nức nở kể lại chuyện bị chồng đâm gần 30 năm trước. Chị nói lúc ấy cố bỏ chạy ra khỏi nhà sàn, qua vài bậc cầu thang thì rơi xuống đất và ngất, được bà con đưa đi viện, mất cả tháng trời không đi lại được. “Tôi ra viện thì về nhà ngoại sống vì sợ anh ấy. Ở nhà, họ xích chồng tôi lại. Tôi đi cúng nhiều nơi, thầy mo về làm lễ bảo bắt con quỷ trong người anh ấy ra. Anh Cọng có cả em gái lẫn chị gái, họ đều chết cả rồi. Tôi sợ tôi già yếu thì không ai chăm sóc, giặt giũ cho anh ấy”, chị Cai buồn rầu. |
Đã già yếu, nghèo khó song người phụ nữ này vẫn một mực lo cho chồng. Anh Cọng được Nhà nước trợ cấp mỗi tháng 405 nghìn đồng. Đều đặn hằng tháng, chị Cai xuống trạm y tế lấy thuốc về cho chồng uống. Trước, thuốc kém, giờ Nhà nước cho thay thuốc. Chẳng biết thuốc tốt hay kém, chỉ biết là uống vào thì anh Cọng ngồi im hơn, ít chửi hơn, chỉ đốt thuốc lá liên tục và lảm nhảm nhè nhẹ. Dẫu vậy, việc anh Cọng khỏi bệnh, được tháo xích “trở lại cuộc sống” bình thường vẫn là thứ chưa một ai dám bàn đến. Chúng tôi từng kiểm tra đơn thuốc mà hằng tháng gia đình ra cơ sở y tế lĩnh về cho anh Phan Văn Cọng uống, bấy giờ, thuốc được cấp chỉ đơn giản là “Aminazin”, thuốc khác bổ trợ hầu như không có tác dụng cho điều trị người bệnh tâm thần nặng và mạn tính gần 30 năm như anh. Theo các chuyên gia và tài liệu chính thức đã được công bố: Thuốc trên có tác dụng phụ quá nhiều và quá “cũ kĩ cổ điển”, không thể chữa được các triệu chứng của tâm thần phân liệt. “Aminazin có nhiều tác dụng phụ và đặc biệt làm nặng thêm các triệu chứng âm tính của tâm thần phân liệt. Vì thế làm bệnh kéo dài, bệnh nhân mãi uống và mãi vẫn bị xích như vậy là… dĩ nhiên” - Thầy thuốc Nhân dân, PGS.TS Tô Thanh Phương, người trong vai trò là Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 từng lên tận xã Hạnh Phúc khảo sát, điều trị bệnh nhân tâm thần trăn trở nói. PGS.TS Tô Thanh Phương - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 - Ảnh: LĐ&CĐ Khảo sát rộng hơn, chúng tôi từng có kết quả tương tự. Khuyến cáo phân tích của chuyên gia nổi tiếng, như lời TS Bùi Quang Huy, trong tư cách Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) đã đăng trên tờ Sức khoẻ và Đời sống (Bộ Y tế) cũng thể hiện điều trên. Nghĩa là các bệnh nhân tâm thần từng “được” cho uống các liều thuốc không hiệu quả cho mức độ bệnh tật của họ, thế nên, việc họ có thể khỏi bệnh hay tiến triển tốt để lao động và cống hiến được là quá xa vời. Đấy là chưa kể, nhiều đấng sinh thành mắt mờ chân chậm của nhiều người tâm thần nặng như Lý Văn Cải - cũng là cư dân xã Hạnh Phúc, trong một khảo sát của chúng tôi, vì tỉnh có yêu cầu gia đình phải ra cơ sở y tế ngoài huyện để lấy thuốc hằng tháng cho bệnh nhân, nên mẹ Cải không thể vượt núi đèo đi nổi. Không có thuốc, bệnh Cải càng ngày càng nặng, quanh năm suốt tháng anh bị xích sợi dây sắt vào cổ, ở truồng trong căn nhà làm bằng tre đắp đất. Bữa đến, mẹ già mở cái lỗ nhỏ rơm rạ, thả thức ăn vào cho con. Chiều về, bà cầm sợi xích (buộc ở cổ con), dắt Cải nồng nỗng ra suối tắm. Cho đến khi chúng tôi có ý kiến, mọi “trái ngang” trên mới được cải thiện. |
“Hồi tưởng” lại quá trình một chút, để thấy: Có lẽ, khó khăn về kinh tế, thiếu hiểu biết về bệnh tật và cách chữa trị, cái khó lại bó thêm cái khôn, là vấn đề căn cốt để những người như anh Cọng, anh Thành hay Lý Văn Cải rơi vào thảm cảnh như thế! Vậy đâu là nguyên nhân để những người như anh Cọng không được đưa đi chữa trị kịp thời, thậm chí hơn 20 năm uống thuốc thì “xích vẫn hoàn xích”, “điên vẫn là điên”? Đâu là giải pháp mấu chốt cho vấn đề này, để quản lý chữa trị nhân văn và hiệu quả được cho nhiều vạn bệnh nhân tâm thần của Việt Nam? Gợi ý cho câu trả lời sẽ có ở phần sau. Mời độc giả đón đọc bài 2: Ông cụ 91 tuổi và những người con “điên” - Thảm hoạ vì đâu? |