Trước hết, xin chúc mừng ông đã trở lại với cuộc sống bình thường. Tôi có cảm giác ông rất nóng lòng muốn trở lại với chuyên môn?

Tôi ở trong kia hai năm sáu tháng. Chính xác là 29 tháng 25 ngày. Đến ngày 5/6 tôi ra thì đầu tháng 7 xin đi thực tập luôn, ở nhà cũng buồn. Tôi liên hệ với Bệnh viện Hữu Nghị, họ rất ủng hộ, nói sớm nhất có thể và ký hợp đồng luôn.

Hôm đầu tiên tôi mặc lại cái áo blouse trắng xúc động lắm. Tôi đã nghĩ mình sẽ không bao giờ được mặc lại áo blouse nữa. Giờ được gặp bệnh nhân, học trò và anh em đồng nghiệp, rất thích! Nhưng trong thời gian này tôi không được ký đơn thuốc hay trực tiếp mổ xẻ cho bệnh nhân.

Nhiều người nói ông đã ở trình độ đỉnh cao rồi, là thầy rồi, bây giờ bắt đầu thực tập lại như một bác sĩ mới ra trường, ông có bị mặc cảm không?

Cũng có người nói với tôi điều này. Nhưng đấy là quy định pháp luật rồi, mình phải theo. Có thể nhiều người sẽ không vượt qua được cái đấy, họ mặc cảm, nghĩ khác, nhưng đối với tôi mọi chuyện rất là bình thường. Tôi nghĩ đến câu thơ nó giống với hoàn cảnh của mình hiện tại “Trần trùi trụi đi về không vướng víu”. Khi mà đã ở dưới đáy rồi, vượt qua rồi thì hãy chú tâm vào điều cốt lõi, là được làm nghề, là được cứu bệnh nhân.

Cái hạnh phúc vĩnh cửu và duy nhất của tôi là được trực tiếp khám, chữa cho bệnh nhân. Tôi thấy không có vấn đề gì. Học trò thì họ vui lắm, vì thực ra mình giúp được cho anh em. Ngày trước họ gặp tôi khó, vì tôi không có nhiều thời gian. Bây giờ có tôi ở bên cạnh, gặp vấn đề gì khó là trò hỏi, thầy giải đáp. Rất vui!

Vào trong đấy hơn 2 năm, ông có bị mất thông tin, kiến thức về chuyên môn không?

Cái hồi tạm giam thì không có thông tin nhưng mà khi thi hành án thì tôi có đầy đủ thông tin, cập nhật hết. Mọi người cứ gửi sách vở vào, được kiểm duyệt và sử dụng.

Tôi ở trong đội tưới cây. Hằng ngày đi tưới cây lấy thành tích để báo cáo, để còn được giảm án. Sau đó thì về nghỉ ngơi, ngồi đọc sách, viết sách. Tôi viết được một bộ sách gồm 5 cuốn - “Minh triết trong lối sống – Bí quyết phòng ngừa bệnh không lây nhiễm”, dựa trên những nghiên cứu khoa học. Hiện giờ nó vẫn còn ở dạng bản thảo, ra sách thì chắc cũng còn lâu. Bây giờ đọc lại đôi khi luận mãi không ra, vì chữ xấu. (cười).

Mấy năm ở trong đó, ông có cứu được trường hợp nào không?

Có một trường hợp là nữ quản giáo trẻ. Cô ấy bị rối loạn nhịp tim bẩm sinh, thỉnh thoảng nhịp nhanh, bị ngất. Tôi chẩn đoán được và yêu cầu chuyển đi Bệnh viện Bạch Mai sớm. Sau khi xử lý xong thì cô ấy khỏe mạnh bình thường. Sau này, tôi nghe vợ kể là hôm ông cụ tôi mất, mà tôi không được ở nhà, cô ấy có đến tận nơi thắp hương. Tôi cực kỳ xúc động.

Chắc hẳn ông có rất nhiều trải nghiệm đặc biệt trong quãng thời gian hơn 2 năm vừa qua?

Nhấp một ngụm trà. Những ngón tay dài đan vào nhau trước mặt, ông Tuấn hồi ức lại quãng thời gian khó quên:

“Người ta nói rằng 30 tháng ấy chỉ là trải nghiệm thôi, thế nhưng trải nghiệm được rất nhiều cái. Kể lại nhiều khi cũng khó để người khác cảm nhận được. Đương nhiên ở trong đấy là buồn rồi, một màu đen kịt nhưng vẫn có những điểm sáng, vẫn có những cái hy vọng. Chúng tôi thường động viên nhau để vượt qua.

Điều quan trọng là mình làm trong lĩnh vực sức khỏe, rơi vào hoàn cảnh như thế mà mình không khỏe thì không thể là tấm gương cho anh em. Vào đấy mà mình suy sụp thì mình không phải là mình. Không xứng đáng là bác sĩ.

Tôi thường giảng cho anh em về tâm lý; lấy cái sự tự tin, lạc quan để lan tỏa cho mọi người. Thực ra đấy không phải là lý thuyết, mà vẫn phải trải nghiệm. Tôi động viên họ, giúp họ tập luyện để quên đi thời gian. Tập thiền, tụng kinh để có đức tin vượt qua trở ngại, coi như cái nghiệp mà mình phải trả. Nó sẽ qua thôi. Về sau một số anh em được ra ngoài, bảo rằng hồi đấy mà không có chú thì cháu đã suy sụp.

Trong ấy tôi thỉnh thoảng động viên anh em hát để giải tỏa. Có một cậu cậu giang hồ cộm cán, đi tù nhiều lần rồi nhưng lần nào hát về mẹ, giọng cậu ấy cũng da diết, rồi khóc nấc lên, hát với tất cả tấm lòng. Trong con người của cậu ấy đầy tội lỗi nhưng sâu thẳm vẫn rất nhớ thương mẹ.

Hồi xưa tôi đọc thuyết vô thường của Phật, tôi ghét lắm, bảo làm sao đang tốt thế này mà mai lại xấu được? Khi vào trong ấy rồi mới thấy được thuyết vô thường quá tuyệt vời. Rồi tôi tự nhủ bây giờ mình đang xấu nhưng ngày mai mình sẽ tốt (cười). Tôi luôn lạc quan rằng ngày hôm nay mình đang ở đáy rồi thì ngày mai lại đi lên, chẳng vấn đề gì. Ngày đó mình lại trở về với công việc của mình”.

Chúng tôi đề nghị dùng bia thay vì nước trà như lúc nãy. Ông Tuấn vui vẻ nhận lời và có thể bia đã giúp ông cởi lòng hơn .

Ngoài việc thấm nhuần thuyết vô thường, ông còn ngộ ra điều gì sau những gì đã trải qua?

Ông Tuấn trả lời không chút do dự:

“Nhân quả. Cái gì cũng có nhân và có quả. Cái đó là quy luật bất biến. Tất cả mọi việc hoàn toàn do mình lựa chọn, là cái giá mình đã trả, do vậy đừng nên trách và không nên trách. Đúng sai thì lịch sử, người đời phán xét. Nhưng quan trọng là mình trả nghiệp xong, mình trở về khỏe mạnh cả tinh thần, cả thể chất.

Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất của cuộc đời không phải có chức vụ cao hay nhiều tiền, mà là mình hữu ích, có giá trị với ai đó. Và khi làm cái nghề này thì mình có giá trị với một số người có nhu cầu cần đến mình – đó là bệnh nhân. Đấy chính là động lực cho tôi sống, để tôi vượt qua.

Tôi nhớ mãi hôm đầu tiên đi khám bệnh nhân ở Bệnh viện Hữu Nghị. Có ca khó là một bà cụ 86 tuổi. Cô bác sĩ bảo: Cụ ơi, nay có thầy Tuấn đến khám cho cụ nhé! Cụ tai nghễnh ngãng hỏi lại: Hả, Tuấn nào? Rồi khi nhìn thấy tôi, cụ ôm chầm lấy tôi khóc, bảo cách đây 20 năm giáo sư đặt stent cứu tôi. Rất xúc động! Đó cũng là lý do để tôi quay trở về".

Ông Tuấn "Tim" trong căn phòng làm việc tại Bệnh viện Hữu Nghị - Ảnh: Minh Khôi

Sau những biến cố vừa qua, có khi nào ông có cảm giác ý chí của mình bị nhụt đi không?

“Không hề. Bởi vì cái lõi của mình không thay đổi. Nó chỉ thay đổi cái “mũ mão” của mình thôi. Còn cái lõi của mình không phải là lãnh đạo, mà là bác sĩ khám bệnh nhân và thầy giáo giảng cho sinh viên. Trí tuệ, hiểu biết và lòng yêu nghề của tôi vẫn nguyên vẹn. Nếu thay đổi thì ở trong đấy làm sao tôi có thể viết được 5 cuốn sách. Bởi vì trong ấy nhiều khi con người ta sinh ra chán nản, bất mãn. Và nếu mà bất mãn thì sẽ mất hết. Phải tin tưởng vào ngày mai tươi sáng để mà làm lại từ đầu”.

Có thời gian người ta đồn ông tự tử trong tù, ông có biết không?

“Trong ấy tôi không biết thông tin gì cả, vì nó là một thế giới riêng. Tất cả đóng khung lại. Sau này điều tra viên có đến gặp tôi, hỏi “anh có biết tin gì không, ngoài kia người ta đồn anh tự tử, tôi phải lên tiếng cải chính thông tin”. Sau đó các anh em, học trò yêu quý cũng đến thăm, rất thương thầy.

Họ có kể lại hôm mà họ nghe tin tôi tự tử, tất cả đều khóc. Có cậu đang khám cho bệnh nhân thì quay ra khóc. Các chị em thì ôm nhau khóc.

Ông thầy tôi ngoài 70 tuổi, là Giáo sư người Pháp rất nổi tiếng, khi nhận được tin ấy thì sốc quá, gục xuống khóc nửa tiếng đồng hồ. Rồi ông trấn tĩnh lại, bảo: “Không, thằng Tuấn “tim” không thể như thế được. Một thằng như Tuấn “tim” không bao giờ tự tử”. Ông ấy bảo kiểm tra lại thông tin ngay”.

Tôi từng đi lính, 17 tuổi đã lên biên giới, vào sinh ra tử. Làm sao có thể bất mãn, mềm yếu đến mức như vậy được? Nhưng gia đình thì lo. Dù sao trong câu chuyện này, mình vượt qua chỉ là một phần thôi. Còn gia đình chịu sức ép kinh khủng, nhất là vợ con. Nhưng mọi chuyện qua rồi. Và con tim đã vui trở lại!

(Cười)... Nhấp cạn ngụm bia. Ông Tuấn cười sảng khoái:

“Nhớ hôm đầu tiên về nhà, ngủ một giấc qua đêm, sáng hôm sau vợ hỏi: Anh thấy thế nào? Tôi bảo: Anh cảm giác mình đi làm buổi sáng, xong tối về ngủ với em, chỉ hơi muộn. Muộn 30 tháng. Vợ tôi giữ mọi thứ nguyên si, nhà cửa không thay đổi gì, kể cả cốc nước bên cạnh đầu giường mỗi sáng để tôi dậy uống”.

Một người đỉnh cao và tự trọng như ông, tôi nghĩ sẽ khó có thể chấp nhận cái sự đè nén…

“Anh biết không, điều quan trọng nhất là tự trọng. Đỉnh cao thì tôi không phải quá cao, không cao bằng nhiều người, nhưng tự trọng của mỗi người là như nhau. Đó là cái đau đớn nhất. Nếu như mình có mưu đồ thì đã đành. Thực sự là do hết đồ để cứu bệnh nhân, chẳng hạn bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim mà không có stent thì họ chết. Không có thì phải vay để cứu bệnh nhân, mà vay thì mình phải hợp thức hóa để thông thầu. Thời điểm ấy thiếu thốn vật tư, thiếu thuốc triền miên. Cứu người là trên hết. Nếu tôi hy sinh một mạng tôi để cứu sống cho một nghìn người, thì quá lãi rồi. Tôi chấp nhận. Nếu không cứu người, đừng làm bác sĩ. Bởi trong lời thề của chúng tôi, phải cứu người bằng mọi giá”.

Ông Tuấn chợt im lặng. Đôi mắt đỏ hoe, giọng chậm rãi:

“Cả một đời phấn đấu miệt mài, từ bác sĩ, không phải “con ông cháu cha”, cứ mải mê học từ trong nước ra nước ngoài, từ bác sĩ, tiến sĩ lên giáo sư, rồi bỗng chốc rơi xuống mất sạch mọi thứ. Trong khi đâu có phải mình cố tình làm để vụ lợi?

Quả thực là có giai đoạn rất khủng khiếp, đó là lúc biết mình đang rơi mà chưa biết rơi tới đâu. Nhưng anh ạ, có một điều rất lạ là lúc đang rơi thì rất sợ, nhưng khi rơi xuống đáy rồi, nhìn lên bầu trời tôi tự nhủ: Vẫn sẽ còn có ngày mai”.

Ông sẽ làm gì sau 12 tháng thực hành?

Bây giờ làm ở nhà nước thì nó hơi khó, chỉ có làm tư. Nếu mà làm ở đơn vị tốt giá cả hợp lý để nhiều người dân tiếp cận được thì không khác gì nhà nước cả. Quan trọng là làm sao mình có thể mang cái kiến thức của mình cho nhiều người. Điều tôi suy nghĩ là hiện ở những bệnh viện lớn họ thu đắt quá thì bệnh nhân nghèo không thể tiếp cận được. Đó là điều tôi không mong muốn.

Ông có nghĩ là sẽ mở ra cái gì đó của mình để cho giá thấp xuống, nhiều người dân nghèo có thể tiếp cận không?

Đó cũng là một trong những phương án. Có thể kết hợp với anh em chuyên môn cao, có tấm lòng, mong muốn chính là được làm nghề y, chăm sóc người bệnh. Họ không đòi hỏi quá nhiều về mặt kinh tế, bởi cái đấy là cái cực kỳ tệ về mặt y đức. Đối với người làm kinh doanh thì coi cái lợi nhuận làm trọng, còn với bác sĩ việc cứu người là trọng. Bác sĩ lấy lợi nhuận làm trọng thì mất đi cái nhân văn trong nghề. Nhưng làm gì thì làm, vẫn phải sau 12 tháng nữa.

Ông Tuấn và một người bạn trước thời điểm ông bị khởi tố.

Trong lúc này, ông muốn chia sẻ điều gì với những người yêu quý ông?

Nhìn lại cuộc đời, tôi vẫn thấy mình thật may mắn vì được làm nghề y - một nghề nhân văn chuyên cứu người. Và có lẽ vì vậy nên những lúc khó khăn nhất tôi được bao đồng nghiệp, người thân, người bệnh chia sẻ, cứu giúp. Xin trân trọng biết ơn những tấm lòng đã yêu thương tôi!

Chúng tôi nâng ly chúc ông sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho xã hội!

Thực hiện: TRẦN DUY PHƯƠNG - ĐỖ MINH KHÔI

Thiết kế: DŨNG CHOAI