Những chia sẻ chân thành với tình yêu nghề tha thiết của bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn đã chạm đến trái tim người thầy thuốc 37 năm gắn bó với Bệnh viện Hữu Nghị. Ông thấy mình nên mở lòng chia sẻ với đồng nghiệp và xã hội về câu chuyện này. Dẫu sao, sự lựa chọn trở lại nghề Y của bác sĩ Tuấn "tim" cũng gắn với nơi mà ông Hà đang quản lý.

Thông qua sự kết nối của Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam – PGS. TS Phạm Thanh Bình, phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Thanh Hà tại phòng làm việc của ông ở Bệnh viện Hữu Nghị.

“Mấy chục năm theo nghề, ông đã gặp trường hợp nào tương tự chưa?”, tôi bắt đầu câu chuyện.

- Đây là trường hợp đầu tiên”, PGS.TS Nguyễn Thanh Hà chia sẻ.

Khi bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn đề nghị được thực hành tại Bệnh viện Hữu Nghị, điều đầu tiên ông nghĩ đến là gì?

Thực ra tôi và anh Tuấn cũng đã biết nhau từ lâu. Cuối tháng 6 vừa qua, anh ấy có trao đổi với tôi về việc xin vào bệnh viện thực hành khám chữa bệnh để được cấp lại chứng chỉ hành nghề, vì thời gian anh ấy thụ án kéo dài quá 2 năm, bắt buộc phải cấp lại theo quy định của Luật Khám chữa bệnh. Tôi vui vẻ đồng ý ngay. Tôi nghĩ rằng cần tạo điều kiện cho anh ấy, và nói anh ấy cần viết đơn theo quy định. Anh ấy làm đơn rất nghiêm túc.

Tôi nghĩ bất kỳ giám đốc bệnh viện nào nhận được đề nghị của anh Nguyễn Quang Tuấn thì họ cũng sẽ vui vẻ tiếp nhận. Suy cho cùng thì chúng tôi có thể tham gia công tác quản lý ở giai đoạn nào đó, nhưng mà nghề của chúng tôi vẫn là nghề bác sĩ. Tôi có nói với anh Tuấn rằng: “Dù có thế nào thì chúng ta vẫn là bác sĩ. Kể cả đến khi chết thì chúng ta vẫn là bác sĩ, còn những cái khác chỉ là nhất thời thôi”. Thế nên, cả tôi và Ban giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị cùng trò chuyện, động viên anh Tuấn cố gắng để có chứng chỉ hành nghề, lại trở về với cái công việc mà mình từng khao khát khi bắt đầu theo học ngành Y. 12 tháng cũng trôi qua nhanh thôi!

Hiện nay công việc hằng ngày của bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn tại Bệnh viện Hữu Nghị là gì, thưa ông?

Anh ấy bắt đầu công việc tại Bệnh viện Hữu Nghị từ 1/7. Chúng tôi cử một Tiến sĩ hướng dẫn, giúp đỡ và ký giám hộ. Trong thời gian thực hành, anh Tuấn không được ký vào các kết luận, sổ khám chữa bệnh, chẩn đoán, điều trị và cũng không được ký vào đơn thuốc, chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu... Và vì thực hành nên anh ấy cũng không có thu nhập. Tất nhiên anh ấy ở trình độ bậc thầy rồi nhưng các quy định chúng tôi vẫn phải làm chuẩn.

Anh Tuấn sẽ đi luân khoa 9 tháng tại các khoa nội và có 3 tháng làm ở khoa cấp cứu hồi sức. Thời điểm này chúng tôi phân công cho anh ấy thực hành khám chữa bệnh ở Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu. Đó là một khoa nội đa khoa, có phòng khám, khu điều trị nội trú. Chúng tôi vẫn thường phân bác sĩ mới ra trường vào đó để họ được cọ xát với tất cả các chuyên ngành, chuyên khoa nội. Mỗi ngày, anh Tuấn đến bệnh viện từ rất sớm, tham gia các hoạt động của khoa như khám chữa bệnh, đi buồng cùng các bác sĩ.

Tất nhiên đấy là những nội dung nằm trong chương trình thực hành khám chữa bệnh để lấy chứng chỉ hành nghề, còn anh Tuấn đã ở trình độ giáo sư rồi, thừa sức vượt qua. Ở đây, anh ấy được phát huy khả năng chuyên môn của mình, sẵn sàng tư vấn, hướng dẫn cho các bác sĩ của chúng tôi về chuyên khoa tim mạch. Có rất nhiều học trò của anh ấy đang làm việc tại bệnh viện lại được thầy giúp đỡ. Có ca nào khó thì anh em bác sĩ lại mời thầy Tuấn tư vấn. Ở đây tôi không dùng từ hội chẩn, vì anh ấy chưa có chứng chỉ hành nghề, chỉ là tư vấn giúp với tư cách cá nhân. Nhưng các trò có thầy bên cạnh thì rất phấn khởi, như có chỗ dựa về mặt chuyên môn. Trong khi đó, anh Tuấn lại có điều kiện để làm những công việc của một bác sĩ như anh ấy đã từng, phấn khởi lắm!

Bác sĩ Tuấn lại khoác áo blouse – Bài 2: “Làm lại từ đầu, không bao giờ là quá muộn!”

Cảm nhận của ông về bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn trong những ngày đầu thực hành tại bệnh viện như thế nào?

Tôi thấy rằng anh Tuấn là một con người rất nghiêm túc và nghị lực. Khi quay trở lại, khoác trên người chiếc áo blouse và cái ống nghe để khám chữa bệnh cho bệnh nhân, anh ấy phấn khởi lắm. Nhìn nét mặt rạng rỡ của anh ấy, chúng tôi rất vui mừng.

Chúng tôi bố trí cho anh ấy một căn phòng nhỏ, khép kín, có đầy đủ bàn làm việc, máy tính riêng và bàn ghế để anh ấy ngồi tư vấn cho bệnh nhân, hướng dẫn học trò. Đó là điều mà chúng tôi ưu ái đặc biệt bởi không phải bác sĩ nào về đây thực hành lấy chứng chỉ hành nghề cũng được tạo điều kiện như thế (cười).

Dường như như Bệnh viện Hữu Nghị được tiếp thêm bầu không khí hứng khởi từ khi bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn về đây thực hành?

Các bác sĩ biết anh Tuấn về thực hành tại bệnh viện đều rất phấn khởi. Nhiều người trước kia được thầy hướng dẫn, bây giờ có điều kiện gần gũi, gặp vướng mắc gì thì hỏi thầy. Tiện quá! Anh em cũng vui.

Có nhiều bệnh nhân trước đây được anh Tuấn khám, giờ họ biết anh ấy về đây thực hành nên cũng tìm đến để được trực tiếp tư vấn. Họ chào đón anh ấy nồng nhiệt. Có điều tế nhị là vì anh Tuấn chưa có chứng chỉ hành nghề, thành ra chúng tôi phải phân công người hướng dẫn, người ký giám hộ và việc bác sĩ hoặc bệnh nhân đến nhờ anh ấy tư vấn thì đó hoàn toàn mang tính cá nhân. Chúng tôi luôn ủng hộ và thấy rằng tất cả đều vui.

Bản thân tôi nhận được phản hồi của nhiều người, nói rằng Bệnh viện Hữu Nghị tiếp nhận anh Tuấn về thực hành là rất nhân văn, tình nghĩa. Tôi nghĩ rằng việc làm của chúng tôi không có gì đáng kể nhưng nó thể hiện đúng bản chất của tình “Hữu Nghị”, tình người – một giá trị truyền thống được trao truyền bởi các thế hệ đi trước. Anh em đồng nghiệp yêu thương, chia sẻ, gắn kết với nhau, giúp đỡ nhau trở về với công việc đời thường của một bác sĩ, để đóng góp sức lực, trí tuệ của mình, vào sự nghiệp chung. Đó là chuyện hết sức bình thường.

Là một đồng nghiệp của bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn, ông nhìn nhận như thế nào về những sai phạm của ông ấy trước đây?

Bản thân tôi vừa là một bác sĩ, vừa tham gia quản lý nên rất hiểu những áp lực của người quản lý. Một bên là bệnh nhân trong tình trạng cấp cứu cần ngay thuốc men, hóa chất, vật tư y tế để xử trí cho kịp thời và một bên là các quy định về mua sắm, đấu thầu, đôi lúc nó rất chậm, mà nếu chúng ta cứ chờ, thì bệnh nhân có lẽ phải trả giá đắt bằng tính mạng của họ. Do vậy tôi rất hiểu việc anh Tuấn xử lý cái chuyện mua sắm vật tư y tế vừa qua là sự thôi thúc từ phía người bệnh, với mong muốn có đủ vật tư y tế để thực hiện các thủ thuật can thiệp mạch vành, làm tốt cho người bệnh. Nhưng cũng vì thế mà anh ấy phạm phải sai lầm, vi phạm trong quản lý.

Đây cũng là một bài học cho anh em chúng tôi, những người đang ở vai trò quản lý, dù có áp lực từ phía bệnh nhân nhưng cần phải vận dụng những quy định sao cho đúng pháp luật. Bởi vì mọi việc dù xuất phát từ cái tình với người bệnh cũng không thể át được cái lý thuộc về luật pháp. Chúng tôi rất chia sẻ với anh Tuấn. Anh ấy đã phải trả cái giá đắt. Bởi thế, chúng tôi hiểu và thường động viên anh ấy. Nhưng thực ra anh ấy nghị lực hơn chúng tôi tưởng.

Đối với những người từng mắc sai lầm trong quá khứ, để họ quay trở lại với công việc chưa bao giờ là điều dễ dàng. Ông có nghĩ rằng câu chuyện của bác sĩ Tuấn “tim” sẽ truyền cảm hứng cho những người sắp tới đây họ cũng sẽ trở về, để họ có động lực được quay lại làm nghề, giúp ích cho xã hội?

Tôi hoàn toàn đồng tình với anh! Tôi nghĩ rằng một con người như anh Tuấn, đã ở đỉnh cao của sự nghiệp, thành đạt về mặt chuyên môn, quản lý cũng như về chính trị, dù vướng vào lao lý nhưng anh ấy đã vượt qua tất cả, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời một cách đầy nghị lực. Anh ấy chấp nhận thực hành 12 tháng một cách nhẹ nhàng, bình thản để trở lại với công việc của một người bác sĩ.

Và như vậy, những người từng từng vấp ngã, vướng lao lý cũng nên nhìn vào đó để cố gắng vực dậy, trở lại với cuộc sống của chính mình. Chẳng ai muốn vướng lao lý, nhưng nó đã xảy ra thì mình phải chấp nhận, và sau đó thì làm lại cuộc đời. Hãy dũng cảm lên! Ta làm lại được. Không bao giờ là quá muộn. Những sai phạm đã được pháp luật xử lý. Đảng và Nhà nước luôn tạo điều kiện để cho họ được trở lại với cuộc sống bình thường, trở thành người có ích cho xã hội. Thậm chí như trường hợp của anh Tuấn là không cấm hành nghề - điều này được nêu rõ trong kết luận của Tòa. Tôi nghĩ đây là một chính sách, đường lối rất nhân văn. Tất cả những người chẳng may vướng lao lý, cũng nên thấu hiểu chính sách nhân văn này, nhìn vào để phấn đấu, làm lại cuộc đời, thì xã hội sẽ tốt đẹp lên.

Anh Tuấn là một trong những người như thế. Cá nhân tôi tôi luôn tin rằng anh ấy sẽ đứng dậy, thành công hơn nữa trong lòng bệnh nhân và xã hội. Chúng ta sẽ chờ đợi điều ấy!

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Cách đây hơn mười năm, khi phát hiện mình mắc bệnh suy tim, ông Nguyễn Văn Bắc (73 tuổi) ở xã Tân Minh, huyện Thường Tín, Hà Nội đã trải qua những ngày tháng rất lo lắng và hồi hộp.

“Ai cũng bảo bệnh tình của tôi như vậy sẽ phải mổ khiến tôi vô cùng hoang mang, vừa lo cho sức khỏe, vừa lo xoay tiền chữa bệnh. Hơn chục năm trước, khoản tiền hơn 40 triệu để phẫu thuật thực sự là gánh nặng đối với một công nhân về hưu”, giờ nhớ lại, trong ông Bắc vẫn còn nguyên cảm giác lo sợ lúc ấy.

Tuy nhiên, tia hy vọng lóe lên khi ông biết mình được bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn trực tiếp thăm khám. Theo sự tư vấn của bác sĩ Tuấn, ông Bắc không phải phẫu thuật mà chỉ tuân thủ đúng chỉ định. Hằng tháng, ông Bắc đều đặn lên viện khám lại, kiên trì, kỷ luật theo hướng dẫn của bác sĩ Tuấn, sức khỏe ông cải thiện đáng kể và duy trì ở trạng thái ổn định.

Mở túi hồ sơ khám bệnh, ông Bắc đưa cho chúng tôi tờ kết quả chụp động mạch vành vào ngày 19 tháng 8 năm 2014 do bác sĩ Tuấn xác nhận. Tờ giấy kết quả vẫn còn mới nguyên do được ông giữ gìn cẩn thận và luôn mang theo trong túi hồ sơ khám bệnh.

“Có thể sức khỏe tôi bây giờ đã thay đổi, tờ kết quả khám này cũng không có ý nghĩa để làm căn cứ kê đơn thuốc hay chỉ định phương pháp điều trị, nhưng tôi vẫn giữ nó như giữ một phần ký ức đẹp về người bác sĩ tận tâm” - với ông Bắc, bác sĩ Tuấn không chỉ là người chữa bệnh, mà còn là người đã mang lại cho ông cuộc sống mới.

“Tôi rất bất ngờ và mừng cho bác sĩ Tuấn đã trở lại công việc sau biến cố. Tôi chỉ mong ông ấy sớm vượt qua khó khăn, để có thể tiếp tục công việc của mình, tôi sẽ tìm ông ấy để khám lại cho mình”, ông Bắc bày tỏ.

Bà Hà Thị Q.T ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội thường xuyên đến khám và điều trị ở Bệnh viện Hữu Nghị do đăng ký BHYT tại đây. Vốn có tiền sử bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn, loạn nhịp tim, bệnh tăng huyết áp vô căn… nên khi nghe tin bác sĩ Tuấn đang thực hành tại bệnh viện, bà mừng lắm. Nhờ người bạn đăng ký khám từ hôm qua, sáng nay bà có mặt tại viện từ 8h30 mà “vẫn phải chờ 1 người vì họ đến trước mình”, bà Q.T. kể.

Cái tên bác sĩ Tuấn Tim - một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tim mạch đã trở nên quen thuộc và đáng tin cậy với người dân trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, ngày trước họ rất khó gặp vì ông không có nhiều thời gian.

“Lần đầu được gặp bác sĩ Tuấn khiến tôi rất hồi hộp, nhịp tim tăng cao, nhưng bác sĩ rất nhẹ nhàng, tận tình hỏi tôi về tiền sử bệnh, xem xét kỹ các kết quả xét nghiệm cũ của tôi. Bác trấn an và động viên tôi cứ an tâm điều trị, ngoài ra còn tặng tôi cuốn sách “Thay đổi lối sống – Bí quyết để phòng chống các bệnh không lây nhiễm” do chính bác sĩ viết, tôi cảm động lắm”, bà Q.T vui mừng “khoe” với chúng tôi về cuốn sách.

Khi chúng tôi ngỏ ý chia sẻ câu chuyện của bà lên báo chí thì bà Q.T lắc đầu nguầy nguậy, bà bảo chỉ sợ các nhà báo viết không đúng lại làm ảnh hưởng đến công việc của “bác Tuấn”.

Mời độc giả xem thêm bài 1:

Bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn - Tuấn "Tim" lại khoác áo blouse: "Và con tim đã vui trở lại!"

Sau buổi thực hành chuyên môn tại Bệnh viện Hữu Nghị, ông Nguyễn Quang Tuấn (Tuấn “tim”) nhận lời phỏng vấn của phóng viên Tạp ...

Thực hiện: MINH KHÔI - THẢO VÂN

Thiết kế: DŨNG CHOAI