8 doanh nghiệp trong 4 khu công nghiệp: Vân Trung, Song Khê - Nội Hoàng, Đình Trám, Quang Châu được phép hoạt động trở lại từ sáng nay phải đảm bảo yêu cầu về giãn cách và xét nghiệm cho công nhân. 8 doanh nghiệp nói trên gồm: Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang (Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng), Công ty TNHH Sản xuất Sanwa Việt Nam (Khu công nghệp Đình Trám); Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology (Khu công nghiệp Vân Trung); Công ty TNHH Fuhong Precision Component Bắc Giang (Khu công nghiệp Đình Trám và lô P thuộc Khu công nghiệp Quang Châu); Công ty TNHH Công nghệ Chính xác Fuyu; Công ty TNHH New Hope; Công ty NHH Đặc khu Hope; Công ty TNHH Si Flex Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Châu). Để hoạt động trở lại, các doanh nghiệp đã nâng cấp nhà xưởng, chỗ ở cho công nhân bảo đảm quy định phòng, chống dịch. Trong đó, Công ty TNHH Sản xuất Sanwa Việt Nam đã đầu tư hơn 200 triệu đồng cải tạo các phòng ở, mua đồ dùng sinh hoạt cho công nhân trở lại làm việc; đồng thời khử khuẩn, bảo đảm thông thoáng nhà xưởng. |
Quản lý Nhà máy Fuhong đang trình bày về việc bố trí giãn cách công nhân khi hoạt động trở lại. |
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm Công ty Fuhong Precision Component (KCN Quang Châu). |
Còn Công ty TNHH Đặc khu Hope và Công ty TNHH Si Flex Việt Nam ngoài , bếp ăn còn mua hàng trăm que test nhanh để kiểm tra, sàng lọc cho công nhân trước khi vào làm việc. Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology, Công ty TNHH Fuhong Precision Component Bắc Giang cũng trang bị một số máy phun khử khuẩn cho các xe đưa, đón công nhân. Theo ông Ngô Đức Thắng, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho biết: “Ban Quản lý cũng đã thành lập các tổ đi kiểm tra điều kiện an toàn phòng, chống dịch của từng công ty, có thành phần là tổ chức Công đoàn. 4 khu công nghiệp hoạt động trở lại góp phần giảm tải cho các khu cách ly tập trung và dần ổn định việc làm, thu nhập và đời sống cho công nhân, người lao động”. |
Khu công nghiệp Vân Trung (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Ảnh: ST |
Trước khi trở lại hoạt động, các doanh nghiệp cam kết tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, phương án tổ chức sản xuất của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh. Trong đó, phải thực hiện nghiêm giãn cách trong sản xuất và xét nghiệm cho công nhân. Về xét nghiệm, trước mắt, các doanh nghiệp nói trên chỉ được đưa lao động đã có cho kết quả âm tính với Covid-19 vào làm việc. Trong đó, lần gần nhất là 1 ngày trước thời điểm quay lại làm việc. Công nhân được bố trí chỗ ở tại doanh nghiệp hoặc ký túc xá riêng biệt của doanh nghiệp. Lao động ở trọ ngoài ký túc xá của doanh nghiệp phải không được tiếp xúc cộng đồng. 3 ngày trước khi tổ chức sản xuất lại, doanh nghiệp phải đón công nhân đến nơi ở tập trung của doanh nghiệp, thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ công nhân và bố trí khu nhà ở làm nơi cách ly tập trung cho công nhân khi cần thiết. Xét nghiệm tầm soát Covid-19 với toàn bộ công nhân, mỗi lần cách nhau 7 ngày trong tháng đầu tiên. Tháng tiếp theo mỗi tháng xét nghiệm 50% công nhân trước ngày 15 hằng tháng. |
Công ty may tại huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) chưa đảm bảo giãn cách trong sản xuất. |
Về giãn cách, doanh nghiệp quy mô dưới 500 lao động sẽ được sử dụng toàn bộ lao động. Quy mô 500 - 1.000 lao động được sử dụng 85% số lao động. Quy mô 1.000 - 5.000 lao động được sử dụng 675 lao động cộng với 25% số lao động còn lại. Quy mô trên 5.000 lao động được sử dụng 1.756 lao động cộng với 20% số lao động còn lại. Ngoài 8 doanh nghiệp trên, Bộ Y tế cũng đã kiểm tra, đánh giá các doanh nghiệp trong và ngoài các khu công nghiệp, nếu đáp ứng điều kiện sẽ đưa vào sản xuất. Trong đó, huyện Hiệp Hòa tuy không phải điểm nóng về dịch Covid-19, nhưng có một số doanh nghiệp dệt may, với số lượng mỗi xưởng sản xuất thường có từ 1.000 đến 4.000 lao động. Theo ông Dương Chí Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), với việc sản xuất tập trung với mật độ cao, nếu không may xuất hiện một ca F0, việc giải quyết sẽ vô cùng phức tạp, không kém gì một Hosiden thứ 2… Bộ Y tế yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm giãn cách xã hội để đủ điều kiện an toàn phòng, chống dịch. Tại Công ty Philko Vina - doanh nghiệp chuyên gia công hàng dệt may xuất khẩu, hàng ngàn công nhân đang tập trung sản xuất trong một phân xưởng, chỉ đeo khẩu trang và không có giãn cách. Nhiều doanh nghiệp nêu khó khăn, về đảm bảo giãn cách sản xuất có thể bố trí được, còn thực hiện xét nghiệm thường xuyên sẽ là một gánh nặng tài chính đối với doanh nghiệp. “Về xét nghiệm, hiện doanh nghiệp phải tự trả phí. Chúng tôi phải trả 235.000 đồng/người/lần xét nghiệm. Nếu việc xét nghiệm 1 tuần/lần cho vài nghìn lao động thì công ty sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không thể đảm đương được” – ông Kyu Nam Jeon, Giám đốc Công ty Pan Pacific bộc bạch. Trước tình hình trên, Tổ giám sát Bộ phận thường trực đặc biệt (Bộ Y tế) đề nghị các doanh nghiệp cần lập kế hoạch giãn cách sản xuất, chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó khi phát hiện đối tượng F0, F1. Về khâu xét nghiệm, Tổ giám sát cũng đề nghị các doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm toàn bộ công nhân 1 tuần/lần trong tháng cao điểm, sau đó có thể giãn dần. Bộ Y tế sẽ xem xét phương án gộp mẫu để giảm chi phí cho các doanh nghiệp. Nếu không đáp ứng được, các doanh nghiệp không thể trở lại hoạt động.
|
Bài viết: Duy Minh Thiết kế: Duy Minh |