|
Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội nước ta nói riêng và thế giới nói chung. Khảo sát năm 2020 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, dịch Covid-19 tác động đến doanh nghiệp Việt Nam ở 3 khía cạnh: Tiếp cận khách hàng, dòng vốn và người lao động (NLĐ). Bài viết dưới đây xin đề cập đến tác động dịch Covid-19 đến NLĐ trong doanh nghiệp. |
Phần lớn doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cựcTheo khảo sát VCCI và WB, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến 87,2% doanh nghiệp ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực,” trong đó có 72,6% doanh nghiệp cho biết ảnh hưởng của dịch Covid-19 “phần lớn là tiêu cực” và 14,6% lựa chọn mức “hoàn toàn tiêu cực”. Chỉ 11% doanh nghiệp cho biết không bị ảnh hưởng và gần 2% doanh nghiệp cho biết ảnh hưởng của dịch với doanh nghiệp họ ở mức “phần lớn tích cực” (1,3%) hoặc “hoàn toàn tích cực (0,5%)1 Các doanh nghiệp tư nhân và đều chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Có 87,1% doanh nghiệp tư nhân và 87,9% doanh nghiệp FDI cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực” bởi dịch Covid-19. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới các doanh nghiệp trên nhiều mặt. Đa số doanh nghiệp cho biết dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, tiếp đến là bị ảnh hưởng về dòng tiền và công nhân lao động. Chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn. Một số doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư, thậm chí huỷ dự án đang, sẽ thực hiện. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư, thậm chí huỷ dự án đang, sẽ thực hiện. Nguồn: ebh.vn Các doanh nghiệp cũng bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch Covid-19. Không ít doanh nghiệp gặp khó khăn do chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam làm việc. Một số các doanh nghiệp cũng không thể ra nước ngoài tiến hành các hoạt động giao thương theo kế hoạch. Nhiều trường hợp giảm cầu đột ngột, dẫn tới giảm doanh thu cũng như vấp phải những rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán... Với các doanh nghiệp tư nhân, 50% gặp khó khăn về tiếp cận khách hàng và 46% phải đối mặt với vấn đề về dòng tiền; 38% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng về lực lượng lao động và 33% là về chuỗi cung ứng. Đối với các doanh nghiệp FDI, những khó khăn chính là về tiếp cận khách hàng (63%) và dòng tiền (42%). Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn về chuỗi cung ứng và về lực lượng lao động lần lượt là 41% và 34%. |
Tác động đến lao động trong doanh nghiệpKhảo sát trên cũng cho thấy 35% doanh nghiệp tư nhân và 22% doanh nghiệp FDI đã phải cho NLĐ nghỉ việc vì dịch bệnh Covid-19. Song, vẫn có một bộ phận đáng kể doanh nghiệp duy trì được lực lượng lao động (hình 1). Hình 1 - Tỷ lệ doanh nghiệp phải cho NLĐ nghỉ việc do dịch bệnh Covid-19 Nguồn: Khảo sát của VCCI – WB năm 2020 Các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ, siêu nhỏ là nhóm có tỷ lệ phải thực hiện biện pháp cho NLĐ nghỉ việc cao nhất, lần lượt ở mức 36% và 35%. Trong khu vực FDI, 26% doanh nghiệp quy mô vừa và 32% doanh nghiệp quy mô lớn phải thực hiện biện pháp này, cao đáng kể so với các nhóm doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ (hình 2). Đối với các doanh nghiệp tư nhân, nhóm ngành sản xuất có tỷ lệ doanh nghiệp phải cho NLĐ nghỉ việc cao nhất là thông tin - truyền thông, sản xuất xe có động cơ và sản xuất chế biến đồ da. Với các doanh nghiệp FDI, nhóm ngành có tỷ lệ doanh nghiệp phải thực hiện biện pháp này bao gồm thông tin - truyền thông, sản xuất chế biến đồ da và sản xuất, chế biến gỗ. Hình 2 - Tỷ lệ doanh nghiệp phải cho NLĐ nghỉ việc theo quy mô và khu vực kinh tế Nguồn: Khảo sát của VCCI – WB năm 2020 Vùng duyên hải miền Trung có tỷ lệ doanh nghiệp FDI phải cho NLĐ nghỉ việc cao nhất (28%). Đây cũng là vùng có tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân phải cho NLĐ nghỉ việc cao thứ hai (37%), chỉ sau khu vực miền núi phía Bắc (43%). Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có tỷ lệ doanh nghiệp phải cho NLĐ nghỉ việc ít nhất, song cũng có tới 29% doanh nghiệp tư nhân và 14% doanh nghiệp FDI buộc phải thực hiện biện pháp này do tình hình kinh doanh suy giảm gây ra bởi dịch Covid-19 (hình 3). Dịch Covid-19 cũng tác động đến hai ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất là dệt may và du lịch Hình 3 - Tỷ lệ doanh nghiệp phải cho NLĐ nghỉ việc theo vùng Nguồn: Khảo sát của VCCI – WB năm 2020. |
Các biện pháp ứng phó của Chính phủ và doanh nghiệp về lao độngCác biện pháp ứng phó của doanh nghiệp Biện pháp mà nhiều doanh nghiệp thực hiện là cấp đồ bảo hộ phòng dịch cho NLĐ, với 57% doanh nghiệp tư nhân và 71% doanh nghiệp FDI. Kế đến là việc doanh nghiệp triển khai phương thức, mô hình làm việc mới, linh hoạt hơn (37% doanh nghiệp tư nhân và 40% doanh nghiệp FDI). Dự trữ hàng hoá và nguyên vật liệu là giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn tiếp theo (20% doanh nghiệp tư nhân và 24% doanh nghiệp FDI). Một số doanh nghiệp đã tìm kiếm các giải pháp mới thay thế chuỗi cung ứng (16% doanh nghiệp tư nhân và 24% doanh nghiệp FDI). Đáng chú ý, có 13% doanh nghiệp tư nhân và 15% doanh nghiệp FDI đã tiến hành hoạt động đào tạo kỹ năng số cho NLĐ để triển khai phương pháp làm việc trực tuyến2. Một ví dụ điển hình, tỉnh Vĩnh Phúc là địa phương từng chịu tác động dịch Covid khá nặng nề trong giai đoạn đầu của đại dịch, thế nhưng các doanh nghiệp ở đây đã có các biện pháp khá linh hoạt và từng bước vượt qua khó khăn trong năm 2020. Các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp Ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/03/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với đại dịch Covid-19. Chính phủ cũng ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Nghị quyết số 154/NQ-CP và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg… Ảnh hưởng của đại dịch, nhiều doanh nghiệp đã xin tạm dừng đóng BHXH, BHYT, BHTN. Nguồn: ktv.org.vn Theo rà soát của VCCI, các Bộ ngành, địa phương đã nhanh chóng vào cuộc và ban hành khoảng 95 văn bản về các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều chính sách đã được ban hành, với các gói hỗ trợ lớn bao gồm: Chính sách tiền tệ, trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng với quy mô 250 nghìn tỷ đồng, chính sách hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng; chính sách tài khóa, trọng tâm là gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với quy mô 180 nghìn tỷ đồng và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho NLĐ 16 nghìn tỷ đồng...Đó là các chính sách như giảm lãi suất, giãn thời gian cho vay, vay vốn lãi suất 0% để trả lương cho NLĐ, gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng, gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn nộp tiền thuê đất, tạm dừng đóng BHXH, BHYT, BHTN và lùi thời điểm đóng phí công đoàn. Các doanh nghiệp đánh giá cao về mức độ hữu ích của những chính sách hỗ trợ này. Tuy nhiên, trên thực tế, một vài chính sách có số lượng doanh nghiệp thực sự tiếp cận được còn rất ít so với mục tiêu của các bộ, ngành đưa ra khi hoạch định chính sách hỗ trợ. |
ĐỀ XUẤT CỦA DOANH NGHIỆPKhảo sát cho thấy các kiến nghị của doanh nghiệp tập trung vào các nhóm nội dung sau: Miễn giảm thuế là kiến nghị phổ biến nhất khi có tới 1.560 lượt doanh nghiệp đề cập đến và duy trì chính sách này thêm trong ít nhất 1 năm nữa. Các loại thuế được đề nghị gia hạn nộp gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và cả các loại thuế thu nhập của hộ kinh doanh Kiến nghị về giảm lãi suất và tạo điều kiện thuận lợi hơn về tiếp cận vốn vay được 1.270 doanh nghiệp đề xuất. Một số doanh nghiệp cũng đề nghị các thủ tục tiếp cận tín dụng nên được đưa ra với điều kiện dễ dàng hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Giảm lãi suất và tạo điều kiện thuận lợi hơn về tiếp cận vốn vay ngân hàng cho doanh nghiệp ảnh hưởng bởi đại dịch được nhiều doanh nghiệp mong muốn và kiến nghị . Nguồn: vietnamplus.vn Các doanh nghiệp cũng đề nghị các cơ quan Nhà nước cho phép giảm hoặc gia hạn các khoản đóng góp BHXH và phí công đoàn. Đối với BHYT, một số doanh nghiệp cho rằng cơ quan Nhà nước cần linh hoạt cho phép doanh nghiệp có thể mua BHYT riêng lẻ cho NLĐ trong thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động… Chú thích: 1Toàn bộ số liệu trong bài được dựa trên số liệu khảo sát của VCCI -WB “Tác động của dịch bệnh Covid 19 đối với doanh nghiệp Việt Nam. Một số phát hiện chính từ điều tra doanh nghiệp 2020”. 2Khảo sát của VCCI – WB năm 2020. |
Bài viết: TS. Trần Thị Hằng Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
|