An toàn và vệ sinh lao động là hoạt động gắn liền với hoạt động sản xuất công nghiệp nhằm bảo vệ người lao động (NLĐ) khỏi các mối nguy và các yếu tố có hại, phòng tránh tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp (BNN). Bài viết dưới đây nhằm giới thiệu vai trò, vị trí, ý nghĩa và những khái niệm cơ bản của công tác bảo hộ lao động trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn hiện nay. |
Sứ mệnh của ngành bảo hộ lao động |
Theo thống kê, trên thế giới, hàng năm có khoảng 350.000 người chết do TNLĐ và khoảng 2 triệu người chết do BNN, gây thiệt hại to lớn về kinh tế và xã hội. BNN tuy không gây ra cái chết bất ngờ nhưng tạo số lượng tử vong lớn gấp nhiều lần so với TNLĐ. Chính phủ các nước và các cơ sở sản xuất công nghiệp đều rất quan tâm đến các biện pháp an toàn để giảm thiểu những thiệt hại do TNLĐ và BNN gây ra. Đây là sứ mệnh của ngành bảo hộ lao động và cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Bảo hộ lao động (tiếng Anh là Labour protection) hay an toàn và vệ sinh lao động (Occupational safety and health, OSH) là lĩnh vực hoạt động của người sử dụng lao động nhằm đảm bảo an toàn và sức khỏe cho NLĐ tại nơi làm việc (workplace health and safety, WHS). Lĩnh vực này bao hàm toàn diện các hoạt động nhằm mục tiêu tạo môi trường làm việc an toàn và lành mạnh, trực tiếp cải thiện điều kiện lao động, ngăn ngừa TNLĐ, đảm bảo an toàn và sức khỏe cho NLĐ, hạn chế việc bị mắc BNN. Bảo hộ lao động bao gồm an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, vấn đề lao động và nghỉ ngơi, vấn đề lao động nữ, vấn đề bồi dưỡng độc hại, bảo hiểm lao động, các chế độ, chính sách, pháp luật đối với NLĐ. An toàn lao động là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm đảm bảo không xảy ra thương tật, tử vong cho NLĐ. Vệ sinh lao động là giải pháp phòng chống tác động của các yếu tố có hại gây BNN, làm suy giảm sức khỏe cho NLĐ. Việc đảm bảo ATVSLĐ là một chính sách kinh tế - xã hội lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng của NLĐ, cải thiện điều kiện lao động, phòng chống TNLĐ và BNN, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và đời sống xã hội, bảo vệ môi trường gắn với văn hóa doanh nghiệp góp phần thúc đẩy quá trình phát triển chung của đất nước. Đây là chính sách có ý nghĩa rộng lớn, nhân văn gắn với thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. |
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Đào Ngọc Dung phát động Tháng Hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân 2020 |
Những nội dung chủ yếu của ATVSLĐ |
Điều kiện lao động là các yếu tố về tự nhiên, xã hội, kinh tế mà NLĐ làm việc trong quá trình sản xuất và tình trạng tâm lí, sức khỏe, tinh thần của NLĐ. Trước khi đưa ra các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, bảo vệ sức khỏe cho NLĐ, người làm công tác ATVSLĐ phải khảo sát, đánh giá, phân tích các công cụ, phương tiện làm việc, đối tượng lao động, loại hình sản xuất, quá trình công nghệ, môi trường lao động và sự tác động, ảnh hưởng của chúng tới NLĐ. TNLĐ là sự tác động đột ngột từ bên ngoài của các yếu tố nguy hiểm khiến NLĐ bị thương hoặc tử vong. Yếu tố nguy hiểm là yếu tố gây mất an toàn, làm tổn thương hoặc gây tử vong cho NLĐ. Các loại tai nạn thường gặp là sét đánh, điện giật, ngã cao, sập hầm lò, vật cứng rơi, vật nặng đè, cháy nổ, nhiễm độc cấp tính do hóa chất hoặc hơi khí độc… BNN là bệnh phát sinh do ảnh hưởng và tác động thường xuyên, kéo dài của các yếu tố có hại trong sản xuất tác động lên các bộ phận cơ thể người, mang đặc trưng nghề nghiệp. Các loại BNN thường gặp là bệnh bụi phổi, bệnh về đường hô hấp, bệnh điếc do tiếng ồn, bệnh cơ xương khớp do rung động, bệnh da/mắt do nhiễm độc chì, thủy ngân, amiang, ung thư do nhiễm xạ… Phương tiện bảo vệ cá nhân là trang bị mà công nhân, kĩ sư làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, công trường… sử dụng để giảm thiểu rủi ro TNLĐ và ảnh hưởng của các yếu tố có hại. Các phương tiện bảo vệ cá nhân gồm dây an toàn khi làm việc trên cao, quần áo bảo hộ chống cháy, chống thấm, phản quang; giày chống rung toàn thân hoặc cách điện, mũ bảo hộ bảo vệ vùng đầu, kính bảo vệ vùng mắt, găng tay cách nhiệt hoặc chống rung cục bộ, bao tai hoặc nút tai chống tiếng ồn, mặt nạ chống tia tử ngoại hoặc mạt sắt nóng đỏ… Sập hầm lò là yếu tố nguy hiểm khiến NLĐ bị thương hoặc tử vong. Các yếu tố vi khí hậu của môi trường lao động gồm nhiệt độ không khí, độ ẩm tương đối, tốc độ gió, bức xạ nhiệt. Lao động ở nhiệt độ nóng sẽ gây mất nước qua mồ hôi, gây rối loạn điều hòa nhiệt độ cơ thể dẫn đến bệnh say nóng gây hôn mê, nếu không được cứu chữa kịp thời có thể dẫn tới tử vong. Ngoài ra, NLĐ còn có thể mắc các bệnh như thần kinh, tim mạch và bệnh ngoài da. Lao động ở nhiệt độ lạnh sẽ gây bệnh thấp khớp, đường hô hấp, bệnh về da hoặc thần kinh ngoại biên. Người làm việc ngoài trời nắng có bức xạ nhiệt cao trong thời gian dài có thể bị say nắng. Tia tử ngoại có thể làm giảm thị lực và làm đen da. Phòng chống cháy nổ là tổng hợp các biện pháp kĩ thuật nhằm hạn chế các nguy cơ cháy nổ, tạo điều kiện thuận lợi cho thoát nạn, cứu người, cứu tài sản và chữa cháy khi xảy ra cháy nổ, giảm thiểu các thiệt hại do cháy nổ gây ra. |
Hội thi “Cán bộ an toàn, an toàn vệ sinh viên giỏi” là dịp để cán bộ, công nhân viên, NLĐ học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Trong ảnh: Các an toàn vệ sinh viên Công ty Thủy điện Bản Vẽ tham gia Hội thi “Cán bộ an toàn, an toàn vệ sinh viên giỏi và Lễ biểu dương An toàn vệ sinh viên, công nhân viên chức, công nhân lao động giỏi năm 2020” do Tổng công ty Phát điện 1 tổ chức tại thành phố Đà Nẵng. |
Các biện pháp kĩ thuật và tổ chức quản lí |
Người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp cần quan tâm lãnh đạo chỉ đạo và đầu tư kinh phí cho công tác ATVSLĐ nhằm tạo ra môi trường làm việc tốt, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh lao động; bố trí cán bộ chuyên trách về ATVSLĐ, xây dựng quy chế ATVSLĐ, xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động, tổ chức đào tạo và huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho NLĐ; quy định chính sách, chế độ bảo hộ lao động đến toàn thể NLĐ; kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở NLĐ thực hiện các quy định về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ, sử dụng trang bị bảo hộ cá nhân trong quá trình làm việc; khám sức khỏe định kì cho NLĐ; điều dưỡng, phục hồi chức năng cho NLĐ làm các công việc nặng nhọc, độc hại hoặc mắc BNN; thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với NLĐ làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại… Người làm công tác bảo hộ lao động trong doanh nghiệp có trách nhiệm quản lí hồ sơ sức khỏe NLĐ, sổ ghi chép TNLĐ, kiểm tra, giám sát các yếu tố có hại trong môi trường làm việc, hướng dẫn NLĐ thực hiện các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ; huấn luyện an toàn lao động cho người vận hành máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (thiết bị áp lực, thang máy, thiết bị nâng chuyển, hóa chất độc hại…); đưa ra các khuyến cáo, biển báo về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; nâng cao ý thức tự giác của NLĐ trong việc tự bảo vệ mình và đồng nghiệp, xây dựng văn hóa an toàn, ưu tiên biện pháp phòng ngừa, gắn mọi hoạt động sản xuất với công tác ATVSLĐ và bảo vệ môi trường; phối hợp với người sử dụng lao động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATVSLĐ. Đơn vị tổ chức huấn luyện có trách nhiệm cấp thẻ an toàn lao động cho NLĐ làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sau khi kiểm tra sát hạch đạt yêu cầu. |
Đào tạo, huấn luyện công tác an toàn lao động cho CNLĐ. |
Đảm bảo an toàn lao động là trách nhiệm chung |
Mọi hoạt động lao động sản xuất luôn gắn liền với công tác ATVSLĐ. Việc thực hiện và làm tốt công tác ATVSLĐ sẽ đảm bảo một môi trường làm việc, điều kiện làm việc tốt nhất cho NLĐ an tâm khi làm việc, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí khắc phục hậu quả TNLĐ và điều trị BNN. Công tác ATVSLĐ đặt NLĐ ở vị trí trung tâm của sự phát triển nên mang tính nhân văn sâu sắc. Việc đảm bảo an toàn lao động là trách nhiệm không chỉ của cán bộ làm công tác bảo hộ lao động mà còn là trách nhiệm của người sử dụng lao động và bản thân NLĐ, được quy định cụ thể trong Luật số 84/2015/QH13 ngày 25/6/2015 của Quốc hội khóa XIII về ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành. |
TS. Nguyễn Đắc Diện (Trường Đại học Công đoàn) Đồ họa: Hoàng Hà |