|
Xa quê, chọn Đà Nẵng là nơi lập nghiệp, những người thuê trọ gặp không ít khó khăn khi liên tiếp chịu ảnh hưởng từ những đợt dịch. Sự chia sẻ, đùm bọc từ các Tổ công nhân tự quản khiến cuộc sống của họ vơi đi nhọc nhằn. |
Những khách trọ lâm cảnh cơ hàn |
Chị Nguyễn Thị Minh Tâm (SN 1990) và anh Trần Thiện Thành Đạo (SN 1987) đều sinh ra và lớn lên ở Quảng Nam. Từ tuổi đôi mươi, anh chị quyết định chọn Đà Nẵng là nơi lập nghiệp. Cũng chính mảnh đất này đã se duyên cho anh chị gặp nhau, xây dựng tổ ấm và đón hai thành viên mới (cháu lớn 3 tuổi, cháu nhỏ 7 tháng). Cuộc sống của gia đình anh chị tuy khó khăn nhưng vẫn tràn ngập tiếng cười trẻ thơ. Vậy nhưng, trong những “cơn ác mộng đáng sợ nhất” chị Tâm cũng không nghĩ gia đình mình phải lâm vào hoàn cảnh khó khăn đến vậy. |
Sinh con thứ hai được vài tháng, chị Tâm quay lại với công việc ở bộ phận Lắp ráp, Công ty TNHH Matrix Việt Nam (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) thì cũng là lúc thành phố bùng phát dịch lần thứ tư. Dịch bệnh khiến chồng chị, một lao động tự do rơi vào cảnh mất việc. Trường học đóng cửa, anh ở nhà trông con. Mọi chi phí, chi tiêu sinh hoạt của gia đình trông chờ vào khoản thu nhập ít ỏi mà chị Tâm kiếm được. |
Nhớ lại ngày nhận được tháng lương đầu tiên sau thời gian đi làm lại, chị Tâm bật khóc: “Tôi cầm gần 3 triệu trong tay nghĩ về việc mua gạo, mua sữa cho con, trả tiền thuê trọ mà nước mắt tự trào, không thể nào đủ được”. Nhìn vợ xúc động, anh Đạo an ủi: “Anh xin lỗi vì lý ra phải đỡ đần em nhiều hơn”. Không gian rơi vào thinh lặng chỉ nghe được tiếng con trai lớn chị Tâm thỏ thẻ: “Sao mẹ lại khóc?”. Câu chuyện của gia đình chị Tâm cũng là câu chuyện chung của nhiều gia đình công nhân lao động đang thuê trọ ở Đà Nẵng lúc này. Dịch bệnh khiến thu nhập của họ giảm sút. Không ít lao động bị mất việc, số may mắn còn việc thì phải giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên để cùng doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn. Trong những lúc khó khăn đó, câu chuyện về “chai nước mắm, cân gạo,…” ở các Tổ công nhân tự quản sẻ chia mùa dịch lại khiến cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn. |
Trong vòng tay sẻ chia |
Trong danh sách hơn 200 người nhận được các phần quà của LĐLĐ Đà Nẵng trao cho công nhân khó khăn phường Hoà Thọ Tây bị ảnh hưởng do dịch bệnh có gia định chị Tâm. Danh sách này được lập ra sau đợt khảo sát, nắm bắt thông tin ở các nhà trọ của Ban điều hành Tổ công nhân tự quản số 13, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ. Hằng ngày, sau 5 giờ chiều, những người thuê trọ ở đây đã quen với hình ảnh bà Lê Thị Thủy (Tổ trưởng Tổ công nhân tự quản số 13) đi nhắc nhở mọi người về công tác phòng chống dịch cũng như hỏi thăm động viên những gia đình công nhân thuê trọ khó khăn. |
Biết hoàn cảnh nhà chị Tâm, anh Đạo, mỗi khi sang thăm, bà Thủy lại mang theo mớ rau, có khi là chai mắm, cân gạo,… để giúp đỡ. “Ở đây, mọi người ai cũng biết cô Thủy, cô hay hỏi thăm, động viên hai vợ chồng, có khi cô còn cho nhu yếu phẩm, mua bánh kẹo cho các cháu. Chúng tôi rất cảm động vì sự quan tâm đó, ở nơi đất khách quê người nhưng luôn cảm giác như mình đang ở làng xóm của mình ở quê”, anh Đạo chia sẻ. Tổ công nhân tự quản số 13, phường Hòa Thọ Tây được thành lập vào cuối năm 2020. Theo cô Thủy, trước đây, khi chưa có Tổ thì các chủ trọ ở đây cũng dành sự quan tâm cho những người thuê trọ như giảm tiền, tặng nhu yếu phẩm. Vậy nhưng, tất cả các hoạt động trên chỉ mang tính tự phát. Từ khi Tổ công nhân tự quản thành lập, những hoạt động giúp đỡ người lao động, công nhân thuê trọ cũng quy củ hơn. |
“Từ khi thành lập, tôi có nhiều cơ hội được gần gũi với công nhân, người lao động khó khăn hơn vì trước đây thì chỉ có chủ trọ. Một năm, Tổ công nhân tự quản cũng sẽ có những cuộc họp với công nhân, người lao động để lắng nghe những chia sẻ. Tôi coi các em, các cháu (người lao động, công nhân thuê trọ - PV) như con, như cháu trong nhà. Của ít lòng nhiều, giúp được mình cứ giúp. Khi có các phần quà cho người khó khăn, chúng tôi cũng có danh sách cụ thể từng trường hợp, đảm bảo phần quà đến đúng địa chỉ”, bà Thủy chia sẻ. |
Là một trong những chủ trọ thuộc Tổ công nhân tự quản số 13, bà Ngô Thị Phương cũng xem việc chia sẻ, động viên những người lao động, công nhân thuê trọ là điều nên làm. “Chúng ta quý nhau là ở tình người, khó khăn, giúp đỡ các con, các cháu một chút cũng là việc nên làm. Chúng nó (công nhân, người thuê trọ - PV) đã xa gia đình, xa quê ra đây kiếm công việc mà không may gặp lúc dịch nên càng khó khăn hơn, thì tại sao không giúp nhau”, bà Phương tâm sự. Như những cánh tay nối dài của LĐLĐ thành phố Đà Nẵng đến gần hơn với những người lao động ở các khu nhà trọ, các Tổ công nhân tự quản đã lắng nghe những công nhân, người lao động khó khăn nhiều hơn. Dịch bệnh là điều mà không ai mong muốn. Vậy nhưng, những người công nhân, lao động khó khăn cũng được an ủi phần nào khi nhận được nhiều sự chia sẻ, đùm bọc của các Tổ công nhân tự quản. |
Bà Thủy (thứ 2, từ phải) thường xuyên ghé thăm, động viên gia đình công nhân lao động khó khăn trong khu vực. |
Bình Dương: Quan tâm đến người lao động và doanh nghiệp là động lực phát triển
Bình Dương là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp, luôn giữ được mức ... |
Bắc Ninh cho phép tất cả các doanh nghiệp hoạt động trở lại
Đó là một trong những nội dung quan trọng được UBND tỉnh Bắc Ninh đưa ra trong văn bản hỏa tốc về việc tiếp tục ... |
"Vẫn còn hàng chục nghìn công nhân cần chúng tôi giúp đỡ"
“Khi 67.000 công nhân phải cách ly tại nhà trọ, cách ly tập trung hay điều trị Covid-19, chúng tôi nhận nhiệm vụ phải chi ... |