70-75% doanh nghiệp và người lao động đã quay trở lại làm việc
Việc làm - tuyển dụng - 04/11/2021 09:56 Duy Chương
Toàn cảnh cuộc họp tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
Ngày 3/11 đã diễn ra cuộc họp trực tuyến giữa Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung với các địa phương trọng điểm về các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, theo đánh giá của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là “đúng, trúng, kịp thời”.
Qua theo dõi, Bộ trưởng đánh giá cao tính chủ động của các địa phương khi ban hành nhiều chính sách hỗ trợ riêng cho người dân để vượt qua đại dịch.
Các chính sách hỗ trợ của địa phương đã kịp thời, hiệu quả, góp phần rất quan trọng trong việc giữ chân và đảm bảo đời sống người lao động, cũng như đối với lao động tự do.
Theo nhận định của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, sau hơn một tháng kết thúc giãn cách xã hội, các địa phương trở lại trạng thái bình thường mới trên tinh thần "Thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả". Nhìn chung đã có 70-75% doanh nghiệp và người lao động quay trở lại làm việc, đặc biệt có những địa phương đạt tỷ lệ trên 90%.
“Các địa phương, khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp cũng đều tự nhận định rằng, nếu như tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định như hiện tại, tiến độ triển khai tiêm vắc xin được đẩy nhanh hơn, diện bao phủ rộng hơn thì có khả năng trong cuối quý I, đầu quý II năm 2022 tình hình lao động, việc làm của các địa phương sẽ được khôi phục lại như trước thời điểm bùng phát dịch.” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kết luận.
Ngoài ra, vấn đề người dân, người lao động di chuyển từ các thành phố lớn về quê cũng được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đặc biệt lưu tâm. Theo đó, lượng người trở về quê tương đối lớn, nhưng tập trung chủ yếu vào khu vực lao động phi chính thức, lao động tự do.
Bộ trưởng yêu cầu các địa phương, một mặt phải tiếp nhận người dân quay trở về quê, mặt khác cần có chính sách tạo việc làm để thu hút người lao động quay trở lại thành phố làm việc. Cùng với đó là chính sách chăm lo, tạo công ăn việc làm cho người lao động có mong muốn ở lại địa phương.
Đối với lao động chính thức trong khu vực FDI, lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng về cơ bản đã giữ chân được người lao động khi các doanh nghiệp được cảnh báo từ sớm, qua đó doanh nghiệp chủ động lựa chọn phương án hoạt động, đồng thời có chính sách khôn khéo để giữ chân người lao động thông qua việc thường xuyên giữ liên lạc, giữ mối quan hệ và hỗ trợ một phần cho những người lao động tạm ngừng việc.
Thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu khi tình hình dịch bệnh đã ổn định hơn, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người dân, đảm bảo toàn bộ những người nằm trong diện chính sách phải được hưởng chính sách.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương hoàn thiện báo cáo đánh giá đầy đủ tình hình lao động - xã hội để đề xuất ban hành các chính sách, trong đó tập trung vào 3 vấn đề lớn: Giữ chân người lao động; Hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động; Điều tiết thị trường, tập trung giải quyết cán cân cung - cầu lao động.
Bộ trưởng cũng lưu ý thêm, qua tổng hợp báo cáo của địa phương, Bộ sẽ tham mưu vào Đề án phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội của Chính phủ, trong đó tập trung giải quyết vấn đề nhà ở, nơi lưu trú cho công nhân, người lao động.
Trong khuôn khổ cuộc họp, các địa phương đã trình bày kết quả triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Nghị quyết 116/NQ-CP; Thực trạng cung ứng lao động tại địa phương và các giải pháp cụ thể phục hồi và phát triển thị trường lao động.
Theo báo cáo của đại diện Ban quản lý Khu công nghiệp, khu chế xuất TP. HCM, tính tới ngày 30/10, số lượng doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất quay trở lại hoạt động là 1.430/1.500 doanh nghiệp, chiếm 95,33%, với số lao động làm việc là 256.356 người, chiếm 76,3% so với thời điểm trước dịch Covid-19.
Đại diện Ban quản lý Khu công nghiệp, khu chế xuất TP. HCM cho biết, do các doanh nghiệp vẫn đang phải thích ứng từng bước theo bộ tiêu chí sản xuất an toàn của TP. HCM, các nhà máy, xí nghiệp vẫn chưa trở lại sản xuất 100% mà phổ biến mới đạt 50-70%.
Để phục hồi và phát triển thị trường lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM đã phối hợp với Ban quản lý Khu công nghiệp, khu chế xuất , Ban quản lý Khu công nghệ cao thành phố nắm bắt nhu cầu lao động trong các doanh nghiệp để triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu lao động như: Tìm kiếm nguồn lao động thông qua phối hợp với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tham gia các sàn giao dịch việc làm trực tuyến trong tháng 10 và tháng 11; Tư vấn, giới thiệu chỗ ở đối với người lao động tỉnh khi tham gia tìm kiếm việc làm.
Theo đại diện tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh hiện có 4.504 doanh nghiệp đăng ký và hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 địa điểm”, “3 xanh” với tổng số lao động làm việc trên 724.000 người.
Với cơ chế thông thoáng, thuận lợi về đăng ký phương án hoạt động sản xuất, đi lại của người lao động, dự kiến trong thời gian tới (giữa tháng 11), số doanh nghiệp trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt trên 80% (khoảng trên 1.059 triệu lao động sẽ trở lại làm việc).
Tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đang tích cực triển khai các giải pháp như: tiếp tục rà soát, nắm tình hình người dân, người lao động thật sự khó khăn, cần trợ giúp do ảnh hưởng dịch Covid-19 để có chính sách hỗ trợ bổ sung nhằm ổn định cuộc sống; Đẩy nhanh tổ chức tiêm vắc xin; Các giải pháp về kết nối cung - cầu lao động: tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, kết nối thông qua các ứng dụng trực tuyến cung cấp thông tin tuyển dụng đến cấp xã, phường; kết nối thông tin tuyển dụng lao động với các tỉnh thông qua hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, hệ thống LĐLĐ tỉnh, các Hội, Đoàn thể để vận động người lao động về quê quay trở lại Bình Dương làm việc, thu hút người lao động mới đến làm việc,...
Tổng LĐLĐ Việt Nam làm việc với Bình Dương về việc xây dựng thiết chế công đoàn Chiều 2/11, Đoàn công tác của Tổng LĐLĐ Việt Nam do đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ... |
Hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị nợ lương Hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh (thuộc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam), trong đó có ... |
200 nhà máy của Nike và chuyện “quay lại” của doanh nghiệp Bên lề Hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland, Giám đốc Phát triển bền vững Nobel Kinder của Tập đoàn Nike thông báo với Thủ tướng ... |
Tin cùng chuyên mục
Việc làm - tuyển dụng - 22/10/2024 16:49
Để mở rộng hoạt động kinh doanh sản xuất, Công ty Cổ phần Xi măng Sông Gianh vừa có thông báo tuyển dụng 07 vị trí việc làm, với 55 lao động có chuyên môn.
Việc làm - tuyển dụng - 19/10/2024 17:53
Nhất Tín Logistics, một trong những đơn vị vận chuyển uy tín hàng đầu tại Việt Nam, đang mở rộng quy mô tuyển dụng với nhu cầu hơn 100 nhân sự làm việc tại Hà Nội, mức lương từ 12-16 triệu đồng/tháng.
Việc làm - tuyển dụng - 11/10/2024 18:27
Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại và Đoàn Kinh tế quốc phòng 79 vừa có thông báo tuyển dụng 330 công nhân cao su tại Quảng Bình.
Việc làm - tuyển dụng - 05/10/2024 10:14
Hệ thống phòng khám chuyên khoa da liễu Maia&Maia đang tuyển dụng 50 nhân sự cho 24 vị trí làm việc tại Hà Nội và Bắc Ninh. Ông Nguyễn Phương Linh, Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp cho biết, Công ty yêu cầu trình độ tối thiểu từ THPT trở lên cho các công việc giản đơn, đồng thời cam kết đào tạo và có lộ trình thăng tiến rõ ràng cho người lao động.
Việc làm - tuyển dụng - 27/09/2024 20:00
Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn vừa ra Quyết định số 87/QĐ-LĐCĐ ngày 26/9/2024 về việc công nhận kết quả tuyển dụng viên chức đợt 1 năm 2024.
Việc làm - tuyển dụng - 27/09/2024 17:27
Để đáp ứng nhu cầu hoạt động, đầu tháng 10/2024, Công ty TNHH Y dược Minh Anh (TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) sẽ tuyển dụng 22 nhân sự với nhiều vị trí việc làm hấp dẫn cho người lao động trên địa bàn tỉnh.