Trong câu chuyện tâm tình với chúng tôi, nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Sỹ Sô, một người con Quảng Trị vẫn thường hoài niệm về những sự kiện dù đã lùi xa nửa thế kỷ. Ông tâm sự: "Tôi nhớ mãi ấn tượng được giao nhiệm vụ quan trọng vào năm 1973 là đi theo và chụp ảnh sự kiện Chủ tịch Cu-Ba, đồng chí Phi-đen-Caxtro (Fiden Castro) vào thăm Quảng Trị với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, sau khi Hiệp định Paris ký kết và Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời. Đó cũng là ấn tượng sâu sắc làm tôi nhớ mãi". Cuối năm 2022 vừa qua, ông đã được Nhà nước trao tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, bộ môn nhiếp ảnh, trong đó có những bức ảnh lịch sử mà nghệ sĩ đã nhắc đến. |
Cách đây đúng 50 năm, có một sự kiện đặc biệt quan trọng được cả thế giới quan tâm là ngày 27/1/1973 Hiệp định Paris chính thức được ký kết, mở đầu cho việc lập lại hòa bình ở Việt Nam. Một sự kiện thời sự tầm vóc quốc tế như vậy lại có ảnh hưởng trực tiếp đến một mảnh đất của quê hương Quảng Trị. Sau Hiệp định lịch sử này chỉ vài tháng, tại vùng quê Cam Lộ đã diễn ra việc xây dựng khẩn trương trụ sở Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, một chính thể yêu nước và cách mạng, khát khao độc lập dân tộc và hòa bình được được nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận. Những tên tuổi quen thuộc của Chính phủ như Chủ tịch Hội đồng cố vấn Nguyễn Hữu Thọ, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình đã trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu cho lương tri và khát vọng Việt Nam. Còn nhớ chỉ sau một ngày ký kết Hiệp định Paris, ngày 28/1/1973, nhà thơ lớn Tố Hữu đã cảm khái viết rằng: |
Những câu thơ như nói hộ lòng người! Những ai trải qua nỗi đau của chiến tranh mới thấu hiểu được ý nghĩa của hòa bình, đặng hết lòng vun đắp cho chính cuộc đời mỗi người và mọi người, cho chính những ngày mình đang sống hôm nay. Quảng Trị, từ ác mộng chiến tranh, chia cắt đến khát vọng hòa bình, kiến tạo. Một giấc mơ chờ đợi từ lâu, đã lên mầm từ mùa xuân năm ấy, cách đây tròn nửa thế kỷ, khởi đầu từ ngày 27/1/1973. Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, khi về đây nhớ lại: "Tại đây, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã phát huy vai trò của mình là một Nhà nước có đầy đủ các chức năng của nó, kể cả về mặt ngoại giao. Vì vậy cho nên là tại đây, chúng tôi tiếp các đoàn ngoại giao của các nước, đặc biệt là Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và tôi là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã tiếp các đại sứ của các nước đến trình quốc thư. Cho nên, Cam Lộ không chỉ đối với chúng ta mà còn đối với bạn bè các nước là một kỷ niệm quý giá...". Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris vào ngày 27/1/1973. Hoạt động của Chính phủ lâm thời tại đây dù chỉ diễn ra trong hai năm từ 1973 đến 1975 nhưng đã để lại dấu ấn lịch sử trên quê hương đất nước. Chính phủ lâm thời không chỉ tiếp và làm việc với các nhà lãnh đạo các nước, các đại sứ đặc mệnh toàn quyền mà còn được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế mời ra nước ngoài làm việc, càng tạo nên tiếng vang và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Năm 1991, khu Chính phủ đã được công nhận là di tích quốc gia. |
Di tích Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. |
Năm 2022, sau 50 năm trở lại Quảng Trị từ mùa hè 1972, các nhân chứng lịch sử như một cuộc hành hương về nguồn: Vui mừng và xúc động trên quê hương Cam Lộ - Quảng Trị. Những người đã đóng góp hết sức mình cho độc lập và hòa bình hôm qua thì hôm nay vẫn gửi gắm tấm lòng thành bằng những kỷ vật góp phần tái hiện lại lịch sử của đất và người Quảng Trị. GS.TS Trình Quang Phú, nguyên Trợ lý Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ khi về thăm lại nơi này, chân tình chia sẻ: "Những năm đó, tôi từng công tác ở đây, mảnh đất Cam Lộ, giúp việc cho đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, đồng chí Nguyễn Thị Bình. Trong những năm qua, chúng tôi đã trở lại đây và trao nhiều kỷ vật. Và lần này nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Trị, chúng tôi cũng đã tiếp tục gởi tặng hai kỷ vật, kỷ vật tuy nhỏ nhưng tình cảm thì rất lớn. Vì chúng tôi trân quý những năm tháng ấy, những năm tháng mở đầu cho cách mạng miền Nam..." . Di tích này đã thành một địa chỉ đỏ để người dân, các em học sinh và du khách gần xa đến tham quan, tìm hiểu lịch sử quê hương đất nước, ngõ hầu hiểu thêm những sự kiện đã từng diễn ra dù thời gian đã qua xấp xỉ nửa thế kỷ. |
Những bức ảnh được lưu giữ tại Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời. |
Được biết di tích này sẽ được quan tâm để được lan tỏa sâu rộng hơn trong đời sống hàng ngày, càng có cơ hội trở thành một dấu ấn rất đáng tự hào trên quê hương Quảng Trị, để tôn vinh những giá trị của ngày hôm qua và động viên tinh thần, trở thành một nguồn lực của ngày hôm nay và cả ngày mai. Ông Nguyễn Thanh Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết: "Để tiếp tục phát huy di tích lịch sử đáng nhớ này, huyện Cam Lộ sẽ cùng với tỉnh Quảng Trị xúc tiến làm việc khẩn trương để trùng tu, nâng cấp di tích, để góp phần giáo dục chủ nghĩa yêu nước và cách mạng, tạo thành nguồn lực tinh thần xây dựng địa phương ngày càng phát triển”. Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ nói thêm: "Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Cam Lộ nguyện làm hết sức mình để xây dựng quê hương ngày càng ấm no và hạnh phúc, riêng với di tích Khu Chính phủ, chúng tôi sẽ nỗ lực xây dựng và quảng bá thành một địa chỉ của khát vọng hòa bình, hòa hợp của dân tộc Việt Nam". Đại sứ Liên Xô trình Quốc thư tại Khu Chính phủ vào năm 1973. Ông Đào Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị thì tâm đắc: "Thắng lợi của Hiệp định Paris là thắng lợi của sự phối hợp tuyệt vời của các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, của Nhân dân Việt Nam với bạn bè quốc tế yêu chuộng hòa bình và tiến bộ, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam: Hòa bình, thống nhất và tái thiết quê hương đất nước. Thế hệ đi sau cần tiếp tục truyền thống tốt đẹp vì một quốc gia cường thịnh". Cam Lộ bây giờ đã và đang là huyện nông thôn mới. Những thành tựu rất đáng tự hào đã là con đường đi tới tương lai, một tương lai được tạo lập từ trong khói lửa chiến tranh, một tương lai được hoài thai từ khát vọng hòa bình cháy bỏng, từ những tháng năm cam go nhất của mỗi đời người; đi trong Cam Lộ hôm nay sẽ cảm nhận nhiều hơn những trăn trở dựng xây quê nhà từ những đổi thay trong mỗi làng quê, góc phố, trong mỗi ngày cần lao đã qua và đang đến; vùng quê này đang cùng các địa phương khác của tỉnh Quảng Trị ra sức xây dựng quê hương thành một vùng quê no ấm, hạnh phúc và đáng sống. Nhưng cho dù làm gì thì trong sâu xa đất đai và tâm khảm con người, những di tích luôn sống động và thôi thúc con người viết tiếp những trang sử bằng mồ hôi và tâm lực của mình. |
Tổng thống Ai Cập tiếp Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Bình. |
Muốn Khu di tích Chính phủ lâm thời trở thành điểm nhấn trong Festival Vì hòa bình ở Quảng Trị xin có mấy lưu ý và đề xuất cụ thể như sau: Một là, cần chú ý đến sự tiện lợi trong giao thông của di tích quốc gia này để phát huy tác dụng. Di tích ở thị trấn Cam Lộ nằm giữa hai trục giao thông chính là Quốc lộ 9 và đường Hồ Chí Minh, nên nếu từ hướng Đông Hà lên theo Quốc lộ 9 hoặc theo chiều ngược lại từ Lao Bảo về đều thuận tiện, nếu từ Nghĩa trang Trường Sơn đi vào cũng vậy, còn từ cầu Hiền Lương vào đến Ngã Tư Sòng rẽ trái đi lên đều dễ dàng ghé lại. Trong Festival Vì Hòa bình của Quảng Trị, nên kết nối các điểm đến với di tích, đặc biệt là với di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải để tạo thành điểm nhấn ước muốn thống nhất non sông và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam, cụ thể hóa tinh thần hòa bình, hòa hợp và hòa giải như chủ trương của Bộ Chính trị đã đề ra và tích cực thực hiện. Cảnh quan bên trong dãy nhà làm việc của Bộ ngoại giao tại khu di tích. Hai là, cần tìm lại các nhân chứng sống, hiện vật, câu chuyện để tiếp tục bổ sung cho tư liệu về di tích, cũng như tăng cường thêm phần thuyết minh bằng phim tài liệu (tư liệu), ảnh tư liệu, tranh minh họa, bài hát... để tạo nên sự cộng hưởng phong phú, đa dạng của các loại hình báo chí, nghệ thuật trong giới thiệu di tích, kể cả phần quảng bá một số thành tựu tiêu biểu và tiềm năng văn hóa, du lịch của tỉnh Quảng Trị để du khách gần xa được biết. Hình thức quảng bá nên cô đọng, sinh động, xúc động, dễ tiếp thu, dễ nhớ, nên chú trọng xây dựng một cuốn phim gói gọn được quá khứ và hiện tại một cách thông minh, chân thực và sâu sắc. Ba là, nên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử di tích, sáng tác về di tích chẳng hạn các cuộc thi viết bài, sáng tác văn nghệ như: nhiếp ảnh, vẽ tranh, viết ca khúc...; cần tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin chính thống và mạng xã hội để mọi người biết, hiểu rõ hơn về di tích. Chú trọng đến người Quảng Trị xa quê, nhất là các hội đồng hương hoạt động hiệu quả ở các thành phố lớn. Khu vực lưu giữ những hình ảnh các nhà lãnh đạo các nước, các đại sứ đến thăm và làm việc. Bốn là, tăng cường đối ngoại Nhà nước và đối ngoại Nhân dân để giới thiệu, nhắc lại về di tích với bạn bè quốc tế. Thông qua các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, của tỉnh Quảng Trị cũng như đối ngoại Nhân dân từ con đường hợp tác văn hóa, thể thao, du lịch, gọi mời du khách nước ngoài, trước hết là các nước trong khu vực, các du khách Pháp, Mỹ, Cu Ba,... đến với di tích. Cần chuẩn bị cho các tour du lịch địa phương Cam Lộ như du lịch từ Hiền Lương đến Khu di tích Chính phủ rồi đến di tích Tân Sở - Cần Vương cũng ở Cam Lộ cách đó 10 ki-lô-mét và một số địa danh lịch sử khác với du lịch sinh thái Cam Lộ nói riêng và Quảng Trị nói chung. Muốn phát huy được di tích thì yếu tố đầu tiên là phải có được kinh phí trùng tu, tôn tạo di tích, đổi mới cách giới thiệu, quảng bá về di tích. |
Khu di tích trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật để người dân, du khách mỗi lần đến tham quan có thể tìm hiểu. |
|
PHẠM XUÂN DŨNG Ảnh: X.D - T.S Đồ họa: TRƯỜNG SƠN |