40 năm vận hành Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt
Đời sống - 30/03/2024 19:17 ĐỖ LÂM
40 năm qua, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã được các nhà khoa học, cán bộ, viên chức, người lao động vận hành gần 70 ngàn giờ. Ảnh: ĐVCC |
Đồng lòng làm chủ kỹ thuật
Ông Cao Đông Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân cho biết, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt là lò hạt nhân đầu tiên ở Đông Nam Á được người Mỹ xây dựng, hoàn thành tháng 12/1962. Đến năm 1968, người Mỹ đã cho dừng vận hành.
Sau ngày đất nước thống nhất, Liên Xô giúp thiết kế kỹ thuật, khôi phục và mở rộng nâng công suất lò phản ứng. Cuối tháng 3/1984, Lò phản ứng được đưa vào vận hành với công suất 500 kW, gấp 2 lần so với lò trước đây.
“40 năm qua, các thế hệ nhà khoa học, cán bộ, viên chức, người lao động Viện Nghiên cứu hạt nhân đã đồng lòng, chung sức, phấn đấu không ngừng nghỉ xây dựng và vận hành, khai thác hiệu quả, an toàn Lò phản ứng. Đến nay, Lò phản ứng được đánh giá là lò sử dụng hiệu quả nhất trong số các lò có công suất thấp trên thế giới như lời của ông Hans Blix - nguyên Tổng Giám đốc IAEA”, ông Cao Đông Vũ khẳng định.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân, tháng 2/1985, các chuyên gia cuối cùng của Liên Xô về nước, các nhà khoa học thế hệ đầu của Viện Nghiên cứu hạt nhân đã khắc phục khó khăn, nhanh chóng tiếp cận, làm chủ kỹ thuật, đảm bảo vận hành an toàn, khai thác hiệu quả Lò phản ứng.
Các nhà khoa học, cán bộ, viên chức, người lao động quản lý, vận hành, khai thác có hiệu quả Lò phản ứng hạt nhân đảm bảo an toàn. Ảnh: ĐVCC |
Trong hoạt động nghiên cứu khoa học hạt nhân, Viện Nghiên cứu hạt nhân đã đóng góp đáng kể vào kho tàng kiến thức chung của quốc gia và quốc tế với khoảng 420 công trình khoa học trên các tạp chí quốc gia, 300 công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/SCOPUS và hàng ngàn báo cáo trong các hội nghị, hội thảo khoa học trong và ngoài nước.
PGS.TS Vương Hữu Tấn - nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân chia sẻ rằng: “40 năm trước chúng tôi đã tụ tập về Đà Lạt để tham gia thực hiện Công trình khôi phục và mở rộng Lò phản ứng. Hơn 200 anh chị em với nghề nghiệp khác nhau, quê quán khác nhau, học vấn khác nhau, sở thích cũng khác nhau tụ tập về đây để đi chung một con thuyền hạt nhân.
Từ một cậu sinh viên khi vào Viện Đà Lạt, nhưng với sự giúp đỡ của lãnh đạo, các anh chị em và sự nỗ lực của bản thân, tôi đã trở thành chuyên gia về vật lý hạt nhân, đã từng đứng đầu Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, rồi Cục An toàn bức xạ và hạt nhân trong nhiều năm”.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi Lễ kỷ niệm 40 năm ngày khánh thành công trình khôi phục và mở rộng Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Ảnh: ĐVCC |
Đồng hành xây dựng và phát triển đất nước
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Cao Đông Vũ, 40 năm qua, Lò phản ứng đã vận hành gần 70 ngàn giờ để phục vụ cho nghiên cứu khoa học, phân tích mẫu, sản xuất đồng vị phóng xạ cho y tế, công nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực.
Trung bình trong 30 năm đầu, Lò phản ứng vận hành khoảng 1,3 ngàn giờ mỗi năm, và tăng lên 3 ngàn giờ mỗi năm trong 10 năm gần đây. Đặc biệt, trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, Lò phản ứng vận hành trên 4,5 ngàn giờ mỗi năm để sản xuất đủ thuốc phóng xạ cho các cơ sở y tế trong nước và hỗ trợ Campuchia.
Cùng với đó, đội ngũ các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu hạt nhân đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, có giá trị ứng dụng thực tiễn cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đơn cử như nghiên cứu công nghệ và điều chế các chất đồng vị phóng xạ, phát triển thành công các công nghệ sản xuất thuốc phóng xạ chẩn đoán và điều trị bệnh như thuốc phóng xạ chứa I-131, Tc-99m, P-32 và một số đồng vị khác.
Nhiều loại KIT đánh dấu phóng xạ dùng trong chẩn đoán bệnh về não, ung thư xương, các bệnh lý về gan mật, bệnh Parkinson giai đoạn sớm, khối u thần kinh nội tiết... đã được nghiên cứu, sản xuất thành công.
Đến nay, đã có 9 loại sản phẩm của Viện Nghiên cứu hạt nhân được đưa vào danh mục thuốc của Việt Nam, được Bộ Y tế chứng nhận đạt "Thực hành tốt trong sản xuất thuốc phóng xạ" WHO-GMP.
Viện Nghiên cứu hạt nhân đã cung cấp khoảng 17,5 ngàn CI thuốc phóng xạ các loại cho các bệnh viện trong nước, phục vụ chẩn đoán, chữa trị cho khoảng 500 ngàn lượt bệnh nhân mỗi năm. Sản phẩm của Viện Nghiên cứu hạt nhân còn xuất khẩu sang Campuchia, giúp nước bạn phát triển ngành y học hạt nhân.
Công tác diễn tập ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân luôn được quan tâm, đảm bảo an toàn. Ảnh: ĐVCC |
Đồng thời các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu hạt nhân còn nghiên cứu chế tạo thiết bị hạt nhân, chế tạo thành công nhiều thiết bị đo đạc, phân tích phóng xạ. Năm 2023, đã chế tạo 2 máy đo độ tập trung I ốt đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng và bệnh viện NewLife của Lào; nghiên cứu ứng dụng thành công các kỹ thuật điện tử mới như FPGA, DSP để chế tạo các thiết bị điện tử hạt nhân hiện đại, có khả năng tích hợp và nội địa hóa cao.
Nghiên cứu phát triển các kỹ thuật phân tích hạt nhân và hóa lý, đạt TCVN ISO/IEC 17025; có khả năng phân tích hơn 80 nguyên tố và hợp chất trong các đối tượng mẫu khác nhau với độ nhạy và độ chính xác cao.
Mỗi năm trung bình trên 4 ngàn mẫu các loại được phân tích, phục vụ đắc lực cho việc tìm kiếm khoáng sản, tài nguyên nước, dầu khí, nghiên cứu khảo cổ, đánh giá thổ nhưỡng, ô nhiễm môi trường, kiểm soát chất lượng an toàn lương thực - thực phẩm...
Đội ngũ cán bộ, viên chức Viện Nghiên cứu hạt nhân cũng nghiên cứu, quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường với các phương pháp phân tích có độ nhạy cao, cho phép phân tích được hầu hết các đồng vị phóng xạ tự nhiên và nhân tạo có trong mẫu môi trường. Thực hiện quan trắc phóng xạ trên đất liền cho vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, quan trắc phóng xạ môi trường biển khu vực phía Nam.
Cùng với đó, nhiều nghiên cứu của cán bộ, viên chức Viện Nghiên cứu hạt nhân về công nghệ bức xạ và công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp, chọn tạo giống bằng đột biến phóng xạ, đã tạo được nhiều dòng cây có tính vượt trội về năng suất và chất lượng, được ứng dụng vào thực tiễn, góp phần tạo bước đột phá cho nông nghiệp Lâm Đồng. Trong đó có các giống rau, hoa, cây ăn quả, quy trình kỹ thuật nuôi trồng các loại nấm thực phẩm, nấm dược liệu, kỹ thuật nuôi cấy mô các giống hoa, giống lan…
“Viện Nghiên cứu hạt nhân đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba; Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ cho Cụm công trình “Nghiên cứu đảm bảo vận hành an toàn và khai thác hiệu quả Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt” và nhiều giải thưởng khoa học khác”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Cao Đông Vũ chia sẻ.
Video Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi Lễ kỷ niệm 40 năm ngày khánh thành công trình khôi phục và mở rộng Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.
Đồng chí Tôn Đức Thắng: Từ người thợ máy đến thủ lĩnh công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn Đồng chí Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 30/3/1980) sống 92 năm tuổi đời, có gần 70 năm hoạt động cách mạng, 17 năm bị thực ... |
Cán bộ công đoàn góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội Cán bộ công đoàn cho rằng, cần điều chỉnh một số quy định trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) để phù ... |
Đà Nẵng: Hàng trăm lao động được công đoàn tư vấn pháp luật Khoảng 400 đoàn viên, người lao động tham gia buổi đối thoại, tư vấn pháp luật do LĐLĐ TP Đà Nẵng tổ chức ngày 28/3. |
Tin cùng chuyên mục
Đời sống - 07/09/2024 13:09
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia vừa phát đi thông báo khẩn về cơn bão số 3 đang đổ bộ vào đất liền. Người lao động và người dân đặc biệt lưu ý, nếu thấy đột nhiên lặng gió không nên ra ngoài ngay lúc này.
Người lao động - 06/09/2024 19:17
Những ảnh hưởng đầu tiên của “siêu bão” Yagi (bão số 3) đã gây mưa lớn cục bộ tại nhiều tỉnh phía Bắc. Để phòng ngừa tình huống phải trú ẩn trong nhà nhiều ngày, người lao động tại Hà Nội và các vùng lân cận đã vội vã đến các siêu thị, chợ dân sinh để tích trữ lương thực, thực phẩm cần thiết.
Đời sống - 06/09/2024 10:54
Theo cơ quan khí tượng, cơn bão số 3 đang mạnh lên rất nhanh và vẫn còn tăng cấp trong hôm nay. Theo bản đồ dự báo đường đi của cơn bão, trong ngày 7/9, bão số 3 sẽ đổ bộ khu vực Nam Định - Thái Bình với cấp độ khoảng cấp 13, giật cấp 16.
Đời sống - 06/09/2024 09:57
Theo dự báo, “siêu bão” Yagi có cường độ mạnh nên người dân cần có biện pháp bảo vệ nhà cửa để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Dưới đây là những cách gia cố nhà cửa để đảm bảo an toàn trước bão.
Đời sống - 05/09/2024 18:04
Để chủ động công tác triển khai, ứng phó với bão số 3 đang tiến vào đất liền, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn gửi các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng bảo vệ an toàn tuyệt đối cho công nhân, cán bộ nhân viên, người lao động.
Người lao động - 05/09/2024 15:49
Dù vừa mới bắt đầu sự nghiệp cầm phấn, hay đã gắn bó với nghề giáo qua nhiều thập kỷ, khai giảng năm nào cũng để lại trong mỗi thầy, cô những xúc cảm đặc biệt.