4 chị em "Rảnh là đi" và 1000 suất ăn mỗi ngày tặng người nghèo |
23h30, khi nhiều gia đình đã tắt đèn đi ngủ thì chị Chun (tên thường gọi của chị Quỳnh Trang, 40 tuổi, sống tại Bình Thạnh, TP HCM) mới kết thúc công việc hằng ngày, lên trang facebook bắt đầu dòng thông báo: Hôm nay, nhóm đã hoàn thành 1.368 phần đồ ăn gửi các khu phong toả phường 9, 10, quận 4... |
Có Một Sài Gòn Thật Khác |
Sài Gòn đang trong những ngày gồng mình chống chọi với dịch bệnh, chính bản thân chị Chun và nhóm "Rảnh là đi" cũng không thể hình dung được Sài Gòn lại "bị thương" đến như vậy. Mỗi ngày, các chị nhận được không biết bao nhiêu tin nhắn, điện thoại nhờ hỗ trợ. Số hẻm cách ly quá nhiều, những xóm ve chai, vé số vô cùng khó khăn. "Ngay cả những gia đình có điều kiện còn xếp hàng dài chờ cả tiếng để vào siêu thị mua đồ, nói chi đến những người nghèo. Họ đang đói thực sự theo đúng nghĩa đen của nó, người già thèm một bữa cơm rau tươi, trẻ em thèm một bữa cơm có thịt", chị Chun cho hay. Chứng kiến những ông bà, cô chú bán vé số, ve chai đi cả ngày cũng không kiếm đủ tiền trọ, các chú xe ôm truyền thống cả ngày may ra được 1 cuốc xe, các xóm trọ nghèo bị cách ly luôn cần sự hỗ trợ, các chị em trong nhóm cảm thấy trăn trở, day dứt mãi. |
Hoạt động được gần ba năm, nhóm "Rảnh là đi" gồm 4 thành viên: Cô Sáu (tên thật là Kim Vân), chị Chun (Quỳnh Trang), chị Hoàng Nga và em Út Trang (Thu Trang), làm ở các lĩnh vực ngân hàng, dầu khí... Họ đều xuất phát là những phụ nữ tham gia hoạt động thiện nguyện có chung mong muốn mang đến cho các bé, các ông bà neo đơn tại các mái ấm, Trung tâm Bảo trợ xã hội hay các cô chú lao động một bữa ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng. Trước khi dịch xảy ra, nhóm thường tranh thủ thời gian rỗi cuối tuần để nấu các bữa cơm thiện nguyện tại các trung tâm hay mái ấm từ thiện. |
Tuy nhiên, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các chị em quyết định thay vì chỉ nấu suất ăn cuối tuần, họ đã triển khai nấu hằng ngày. Từ vài trăm suất đồ ăn giờ tăng lên khoảng hơn 1.000 suất/ngày. Việc nấu nướng trong giai đoạn thành phố thực hiện Chỉ thị 16 cũng cần đảm bảo an toàn nên nhóm không thể tập trung nấu tại một nơi như trước mà chia nhỏ tại nhà các thành viên, mỗi khu vực bếp chỉ từ 2-3 người. Chị Chun cho biết ngoài 4 thành viên, nhóm có thêm các bạn tình nguyện viên tiếp sức, tham gia khảo sát, vận chuyển suất ăn tới các điểm cần hỗ trợ. Nhờ thế mà các suất ăn luôn đảm bảo ấm nóng khi được giao đến người có hoàn cảnh khó khăn. |
Công việc nấu ăn tưởng như quen thuộc với chị em phụ nữ nhưng khi chuẩn bị cho một số lượng lớn thì lại không hề đơn giản. Chị Chun luôn cảm thấy may mắn khi nhóm nhận được sự hỗ trợ từ nhiều anh chị em, bạn bè, từ người thân trong gia đình, đồng nghiệp, bạn trên mạng xã hội, hay cả những bạn chưa một lần gặp, như bạn của bạn, bạn của đồng nghiệp… Chị Chun kể: "Nhiều anh chị cứ nhìn số dư quỹ rồi gửi kinh phí ủng hộ, có bạn nhà trồng được rau củ gì cũng gửi ủng hộ nhóm. Các bạn sinh viên thì đăng ký tình nguyện viên tham gia nấu cùng mọi người. Đặc biệt là các tiểu thương các chợ nơi nhóm mua đồ, cứ nói mai nấu là ai cũng dúi cái này tặng cái kia, rồi toàn lấy giá gốc hoặc tìm mua hộ sao cho rẻ nhất có thể. Nhóm thực sự biết ơn và trân quý sự ủng hộ của mọi người". |
Bữa Ăn xoa dịu Nỗi Buồn |
Với suy nghĩ “Một bữa ăn ngon giúp xoa dịu nỗi buồn” nên nhóm luôn nấu những bữa ăn không chỉ đầy đủ chất dinh dưỡng mà còn hấp dẫn, thay đổi thực đơn thường xuyên cho mọi người. "Nếu là sáng hay trưa mấy chị em thường nấu những món như bánh hỏi heo quay, bún đậu chả chiên, bánh ướt chả lụa… kèm theo ly sương sáo hạt é hay ít trái cây. Còn chiều thì nhóm chọn những món ăn chắc bụng chút như xôi gà chiên nước mắm, xôi thập cẩm, cơm sườn ram, cơm thịt kho cải chua… ", chị Chun cho biết. |
Vốn toàn là phụ nữ nên nhóm có những nguyên tắc khá tinh tế trong công việc thiện nguyện để đảm bảo suất cơm ngon, đủ chất của nhóm sẽ được trao đến tay những người nghèo khổ. Đó là ưu tiên nấu cho các ông bà, cô chú cao tuổi đang phải bươn chải kiếm sống. Sau đó là lựa chọn những tuyến đường nhỏ vì khu vực đó ít được phát suất cơm từ thiện. Ngoài ra, nhóm cũng hạn chế nấu món nước do các cô chú lao động thường phải cầm theo, khi xong việc mới được ăn nên để lâu sẽ dễ bị nguội, mất ngon. |
Sài GÒn Những ngày thật Ấm áp |
Những lần đi trao phần cơm, điều ấn tượng nhất của nhóm là được lắng nghe các câu chuyện cuộc đời của người lao động. Có rất nhiều điều khiến họ phải cảm động rơi nước mắt như ông cụ quê Bình Định, có 4 đứa con nhưng ai cũng khó khăn nên hơn 70 tuổi vẫn vào Sài Gòn bán vé số, rồi tới chú xe ôm truyền thống 68 tuổi nuôi đứa con tâm thần, chú bảo không đưa con vào Trung tâm Bảo trợ xã hội vì dù sao vẫn còn có bố có con… Tuy cuộc sống còn thiếu thốn, khó khăn, nhưng các cô chú lao động luôn khiến nhóm phải bất ngờ trước sự quan tâm đầy tình cảm, ấm áp. "Mình nhớ có chú bảo vệ gần 70 tuổi góc gần ngã 4 Hàng Xanh, cứ chiều thứ 6 mình tranh thủ đi làm về là đi phát cơm, lần nào gặp chú cũng bảo mua tặng cây kem vì sợ mình khát. Rồi nghĩ chắc mình sợ chú tốn tiền, chú còn chỉ vào cái bảng trong cửa hàng bảo nay giảm giá còn 5000 thôi. Hay hồi mồng 1 Tết đi phát lì xì gặp chú bán vé số khiếm thị, chú nhất định đưa mình 1 tờ vé số với lời nhắn, may mắn cần được chia sẻ và lan toả. Có bà cụ bán rau cứ dúi thêm vào 1 bó rau muống và bảo, bà không có gì, chỉ có thế này gửi con, cũng nấu được mấy bịch canh cho mọi người… Những câu chuyện cảm động đó luôn là động lực để nhóm tiếp tục đi gom nhặt yêu thương và chia sẻ lại", chị Chun kể. |
Người Sài Gòn xưa nay vô cùng ấm áp, hào sảng, khi dịch Covid-19 đến càng thể hiện tinh thần ấy. Chị Chun và nhóm cho biết đã "được" rất nhiều khi tham gia hoạt động thiện nguyện, được nhận sự yêu thương chia sẻ, được biết thêm nhiều bạn bè, được nhận sự giúp đỡ khi cần. Và cái lớn nhất, với những bà mẹ làm thiện nguyện đó chính là lan toả sự chia sẻ, yêu thương đến mọi người. |
M.C |