10 nhóm vấn đề lớn công nhân gửi tới Thủ tướng tại buổi đối thoại
Công đoàn - 12/06/2022 09:58 Ý YÊN
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi đối thoại với công nhân lao động - Ảnh: LĐO |
Tham dự Chương trình có các lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn; Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang.
Cùng dự Chương trình đối thoại có đại diện lãnh đạo các ban Đảng Trung ương; các cơ quan của Quốc hội; các bộ, ngành, Văn phòng Chính phủ; Thường trực, Ban Thường vụ các tỉnh, thành phố; Chủ tịch, Phó chủ tịch UNND các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các hiệp hội ngành nghề, các tập đoàn kinh tế; các sở, ngành, LĐLĐ địa phương và Công đoàn ngành Trung ương.
Đặc biệt, có 4.500 công nhân lao động tại điểm cầu trực tiếp Bắc Giang và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố và cơ quan Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Báo cáo tại Chương trình, đồng chí Ngọ Duy Hiểu cho biết, năm 2021, Chính phủ bắt đầu nhiệm kỳ mới với rất nhiều những khó khăn, thách thức và bộn bề lo toan. Làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ khôi phục sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, trong đó quan tâm chăm lo, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trình bày 10 nhóm vấn đề lớn công nhân gửi tới Thủ tướng tại buổi đối thoại - Ảnh: Ý YÊN |
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh: "Đồng hành cùng Chính phủ, tổ chức Công đoàn dồn toàn lực chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động, chia sẻ với doanh nghiệp, vượt mọi khó khăn. Trong khó khăn, quan hệ bền chặt, hướng tới mục tiêu chung giữa Chính phủ với tổ chức Công đoàn và người lao động được khẳng định hơn bao giờ hết".
Cũng theo đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động ngày hôm nay là minh chứng sinh động cho quan hệ phối hợp hiệu quả, là hoạt động cụ thể hóa Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, đó là “Người đứng đầu chính quyền các cấp định kỳ đối thoại và chỉ đạo giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động”.
Đây cũng là dịp để Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, truyền thông điệp động viên, khích lệ công nhân lao động cả nước, phát huy truyền thống, vượt mọi khó khăn, chung sức, đồng lòng thi đua lao động sản xuất với năng suất cao hơn, chất lượng tốt, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thực hiện khát vọng dân tộc.
Công nhân tham dự buổi gặp gỡ, đối thoại với Thủ tướng - Ảnh: Ý YÊN |
Để chuẩn bị cho Chương trình này, ngày 16/5/2022, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành văn bản chỉ đạo các cấp công đoàn lấy ý kiến, tổng hợp đề xuất, kiến nghị của đoàn viên, người lao động thông qua tìm hiểu trực tiếp, nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội, thu thập ý kiến trên hệ thống cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử và mạng xã hội của Công đoàn; chỉ đạo các cơ quan báo chí Công đoàn mở diễn đàn tuyên truyền, vận động và tập hợp đề xuất, kiến nghị của đoàn viên, công nhân lao động cả nước.
Đến nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nhận được gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị, đề xuất của cán bộ, đoàn viên công đoàn và công nhân lao động cả nước đối với 126 vấn đề gửi đến người đứng đầu Chính phủ. Các câu hỏi, kiến nghị, đề xuất tập trung chủ yếu xung quanh 10 nhóm vấn đề lớn:
Thứ nhất, về tăng lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống, có tích lũy đối với người lao động và chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Thứ hai, việc rà soát, sửa đổi toàn diện pháp luật về Bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động, hạn chế tình trạng công nhân lao động rút Bảo hiểm xã hội 1 lần, hệ quả là công nhân không có lương hưu trong tương lai.
Thứ ba, cần tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc giải quyết chế độ, chính sách, các gói hỗ trợ công nhân lao động.
Thứ tư, vấn đề quy hoạch, dành quỹ đất và tháo gỡ cơ chế, chính sách để triển khai xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trường học, nơi khám chữa bệnh, nơi sinh hoạt văn hóa cho công nhân lao động, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Thứ năm, về chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động, giúp công nhân tiếp cận nguồn vốn hợp pháp để giải quyết khó khăn, hạn chế tình trạng công nhân lao động mắc bẫy “tín dụng đen”.
Thứ sáu, về công tác đào đào tạo nghề; các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để công nhân lao động tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Công nhân phấn khởi được tham dự Chương trình - Ảnh: Ý YÊN |
Thứ bảy, về tăng cường kiểm tra, tranh tra, giám sát, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động đối với người lao động.
Thứ tám, về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các bếp ăn tập thể, các chợ dân sinh, đảm bảo cho công nhân lao động được tiếp cận nguồn thực phẩm an toàn, phù hợp với thu nhập.
Thứ chín, về tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự tại nơi làm việc, nơi ở của công nhân lao động; bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các khu công nghiệp vào giờ cao điểm.
Thứ mười, vấn đề giá nhà trọ, giá điện, giá nước sinh hoạt bị một bộ phận chủ nhà trọ đẩy lên cao; việc tăng giá sách giáo khoa; vấn đề con công nhân khó tiếp cận các trường học công trên địa bàn do không có hộ khẩu thường trú; việc cấp bách phải hình thành các điểm chợ gần khu công nghiệp và gần các doanh nghiệp đông công nhân.
Trước giờ Thủ tướng đối thoại: Công nhân hồi hộp, phấn khởi |
Cũng theo đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam, bên cạnh những kiến nghị, đề xuất, nhiều công nhân lao động bày tỏ sự tri ân đối với Đảng, Nhà nước, cá nhân Thủ tướng Chính phủ, tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp về công tác phòng, chống dịch và những chăm lo kịp thời đối với người lao động trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; bày tỏ niềm tin tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và Công đoàn; thể hiện mong muốn, khát vọng cống hiến, xây dựng, phát triển doanh nghiệp, địa phương và đất nước.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu tin tưởng rằng các câu hỏi, kiến nghị, đề xuất cụ thể của công nhân lao động với Thủ tướng Chính phủ trong Chương trình hôm nay sẽ được Thủ tướng lắng nghe, giải đáp và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương giải quyết kịp thời, đáp ứng nguyện vọng và kỳ vọng của công nhân lao động cả nước.
Tin cùng chuyên mục
Hoạt động Công đoàn - 10/09/2024 16:58
Bão số 3 (Yagi) tàn phá nghiêm trọng nhiều nhà xưởng trong các khu công nghiệp tại TP Hải Phòng.
Hoạt động Công đoàn - 10/09/2024 08:02
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) từ lâu là một biểu tượng của sự tận tụy và đầy tình người. Trong đó, Công đoàn Bệnh viện 108 là người bạn đồng hành không thể thiếu, là cây cầu kết nối và là điểm tựa vững chắc cho tất cả các cán bộ, nhân viên của bệnh viện.
Hoạt động Công đoàn - 10/09/2024 07:52
Cô La Thị Thắm, giáo viên Trường Mầm non Yến Lạc, thị trấn Yến Lạc (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) đã vươn lên trong nghịch cảnh, trở thành tấm gương vượt khó của Công đoàn trường.
Hoạt động Công đoàn - 09/09/2024 17:25
LĐLĐ tỉnh Phú Thọ nhanh chóng rà soát, nắm bắt tình hình vụ sập cầu Phong Châu. Thời điểm hiện tại chưa có công nhân lao động trong danh sách nạn nhân.
Nghiên cứu - 09/09/2024 13:38
Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X nêu rõ “Giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển, bao gồm những người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghiệp, hoặc sản xuất kinh doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp”.
Hoạt động Công đoàn - 09/09/2024 09:56
Cô Đinh Thị Vui, giáo viên dạy môn Mĩ thuật Trường THCS Dương Thị Cẩm Vân (thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) có cuộc đời nhiều sóng gió, nhưng nhờ sự đùm bọc của tổ chức Công đoàn đã giúp gia đình cô “cập bến bờ hạnh phúc”.